pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phụ nữ Đray Bhang được nâng cao vị thế nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Cuộc sống của thành viên tổ hợp tác dệt thổ cẩm buôn Hra Ea Hning có nhiều khởi sắc nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Để làm rõ hơn về sự thay đổi của phụ nữ xã Đray Bhang, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk nhờ thực hiện Cuộc vận động Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế của hộ gia đình phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS), phóng viên Báo PNVN đã có cuộc trò chuyện với chị H Jai Hmok – Chủ tịch Hội LHPN xã Đray Bhang.
PV: Được biết, năm 2020, Hội LHPN huyện Cư Kuin đã chọn xã Dray Bhăng làm điểm triển khai Cuộc vận động Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế của hộ gia đình phụ nữ DTTS. Hội LHPN xã Dray Bhăng đã cụ thể hóa nhiệm vụ này bằng những hoạt động cụ thể nào, thưa chị?
Chủ tịch Hội LHPN xã Đray Bhang H Jai Hmok: Xã Đray Bhang có 2 buôn với 959 phụ nữ và 642 hội viên, chị em chủ yếu tập trung làm nông nghiệp. Do chưa áp dụng nhiều khoa học kỹ thuật nên năng suất cây trồng vật nuôi chưa cao.
Thực hiện Kế hoạch của Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk, Hội LHPN huyện về tổ chức Cuộc vận động Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế của hộ gia đình phụ nữ DTTS, Hội LHPN xã Đray Bhang đã tham mưu với với Thường trực Đảng ủy triển khai Kế hoạch tổ chức Cuộc vận động Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế của hộ gia đình phụ nữ DTTS trên địa bàn xã; đồng thời tổ chức họp Ban chấp hành triển khai nội dung của Cuộc vận động.
Chúng tôi xác định việc thực hiện Cuộc vận động Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế của hộ gia đình phụ nữ DTTS là một nội dung mới, có ý nghĩa thiết thực đối với bà con nhân dân đặc biệt là phụ nữ DTTS. Vì thế, chúng tôi đã tiến hành khảo sát, nắm tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu thực tế của phụ nữ tại 2 buôn Hra Ea Tlă và Hra Ea Hning để thành lập thí điểm tổ hợp tác may công nghiệp.
Tại buôn Hra Ea Tlă, năm 2020 chúng tôi thành lập được 1 mô hình với 4 chị tham gia. Để nâng cao tay nghề cho chị em, Hội đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề mở 1 lớp may công nghiệp cho 35 hội viên phụ nữ của buôn, trong đó có 4 chị thành viên của mô hình làm nòng cốt.
Sau 3 tháng học nghề, các chị được Hội cho vay vốn khởi nghiệp từ quỹ khởi nghiệp của huyện với số tiền được vay 40 triệu đồng. Có vốn, các chị đã mua máy may, máy vắt sổ để tổ hợp tác may tiến hành sản xuất. Các thành viên trong tổ được nhận việc về làm thêm vào buổi tối, với mức thu nhập bình quân 2 triệu đồng/chị/tháng. Như vậy, các chị vẫn tận dụng được thời gian ban ngày để làm các công việc khác mà lại có được nguồn thu nhập thêm mỗi tháng. Đến nay đã có thêm 5 chị xin tham gia vào mô hình, mức thu nhập bình quân cũng tăng lên 4 triệu đồng/chị/tháng.
Năm 2021, sau khi khảo, chúng tôi cũng đã thành lập 1 tổ hợp tác dệt thổ cẩm tại buôn Hra Ening và được Hội LHPN huyện cho vay vốn 60 triệu đồng. Tổ đi vào hoạt động ổn định và đã hỗ trợ được 20 lượt chị em trong buôn có thu nhập từ việc tranh thủ nhận việc từ tổ dệt để làm thêm.
Những ngày đầu thành lập, do chưa có địa điểm làm việc, các thành viên phải mượn tạm chỗ của một ngôi nhà trong buôn để dệt vải, cơ sở vật chất không đảm bảo, không đủ che nắng, che mưa.
Năm 2022, tổ hợp tác dệt thổ cẩm buôn Hra Ea Hning được trao tặng ngôi nhà sàn với kinh phí xây dựng 300 triệu đồng do Hội Từ tâm Đắk Lắk vận động. Ngôi nhà đã giúp các thành viên của tổ hợp tác dệt thổ cẩm buôn Hra Ea Hning có chỗ dệt vải thoải mái, giúp tăng năng suất lao động, góp phần bảo tồn và phát triển nghề truyền thống.
Phát huy sự sáng tạo, các thành viên trong tổ đã từng bước đa dạng hóa về chủng loại kiểu cách, hoa văn, phát triển về số lượng và chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, đời sống thành viên được cải thiện, đến nay, thu nhập bình quân đầu người từ 4-6 triệu đồng/tháng. Có thu nhập, chị em đã trở nên tự tin hơn rất nhiều trong cuộc sống, tiếng nói của bản thân cũng được coi trọng hơn trong gia đình.
PV: Ngoài thành lập và phát triển tổ hợp tác may, để thực hiện hiệu quả mục tiêu của Dự án 8, Hội LHPN Đray Bhang đã làm gì để thúc đẩy hội viên phụ nữ DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm nâng cao nhận thức, vươn lên làm chủ cuộc sống?
Chủ tịch Hội LHPN xã Đray Bhang H Jai Hmok: Ngoài việc thành lập các tổ hợp tác, chúng tôi cũng chú trọng hướng dẫn chị em cải tạo vườn tạp tăng thêm thu nhập. Đến nay, đã có 35 hộ gia đình tham gia mô hình cải tạo vườn tạp; 16 chị em được Hội hỗ trợ cây con giống để phát triển sản xuất chăn nuôi; thành lập 2 mô hình tiết kiệm tại chi hội để tạo nguồn vốn xoay vòng cho chị em…
Từ việc định hướng, hỗ trợ, đồng hành cùng chị em thực hiện các việc làm thiết thực, chúng tôi còn phối hợp với các ban ngành liên quan hỗ trợ cho chị em có điều kiện phát triển bản thân. Tiêu biểu: Năm 2020 Hội LHPN huyện thành lập tủ sách tại chi hội; năm 2022 Phòng Văn hóa - Thông tin xây dựng Nhà văn hóa tại buôn Hra Eaning làm nơi dệt thổ cẩm cho chị em tổ dệt; phối hợp với Ngân hàng Chính sách - Xã hội hỗ trợ cho chị em nghèo vay vốn, đặc biệt là hoạt động khởi nghiệp với các mô hình như kinh doanh tạp hóa, bán đồ ăn sáng, bán nước giải khát...
Chính nhờ việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm vươn lên làm chủ kinh tế mà vị thế của chị em trong gia đình và xã hội ngày càng được khẳng định và nâng cao.
PV: Từ thực tế thực hiện việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phụ nữ DTTS tại địa phương, Hội LHPN Đray Bhang có giải pháp gì trong thời gian tới để nâng cao chất lượng và nhân rộng hoạt động các mô hình hiệu quả?
Chủ tịch Hội LHPN xã Đray Bhang H Jai Hmok: Chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ tình hình thực tế tại địa phương và đề ra 6 giải pháp cơ bản để tiếp tục thực hiện và nhân rộng các mô hình hiệu quả trong thời gian tới đó là:
(1) Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác khảo sát, nắm tình hình nhu cầu thực tế của hộ gia đình phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số, để sau khi xây dựng mô hình có sự giám sát thường xuyên chất lượng hoạt động của các thành viên trong mô hình.
(2) Làm tốt công tác phối hợp với Ngân hàng Chính sách - Xã hội và các đơn vị có liên quan để kịp thời hỗ trợ cho chị em về vốn, kiến thức, cách làm, từ đó thay đổi suy nghĩ trong phát triển kinh tế.
(3) Khi xây dựng mô hình phải phù hợp với tình hình thực tế, nhu cầu của hộ gia đình, chú trọng những mô hình có tính bền vững.
(4) Khi lựa chọn các thành viên tham gia mô hình, cần xem xét đến các yếu tố tích cực, năng động, chịu khó, có trách nhiệm, có nguyện vọng mong muốn được cải thiện cuộc sống.
(5) Thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của các thành viên trong mô hình để có sự can thiệp kịp thời, đảm bảo duy trì hoạt động mô hình.
(6) Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động về nội dung, ý nghĩa của cuộc vận động để chị em hiểu rõ, nhận thức đúng cuộc vận động để tự vươn lên.
PV: Trân trọng cảm ơn chị về cuộc trao đổi!