Phụ nữ dân tộc Cao Lan thoát nghèo nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm

An Khê
04/06/2024 - 19:14
Phụ nữ dân tộc Cao Lan thoát nghèo nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Phụ nữ dân tộc Cao Lan ngoài làm kinh tế nông nghiệp chất lượng cao, một số tham gia sản xuất tại các khu công nghiệp

Nhờ thực hiện hiệu quả Dự án 8, nhiều phụ nữ dân tộc Cao Lan ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã vươn lên làm kinh tế giỏi. Cộng đồng dân tộc thiểu số cũng phần nào thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giúp phụ nữ, trẻ em làm chủ được cuộc sống.

Từ thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Trước đây, phụ nữ dân tộc Cao Lan ở Lục Ngạn thường sống phụ thuộc vào chồng, kinh tế chủ yếu dựa vào đất nông nghiệp và nghề nông sẵn có. Nhưng ngày nay họ đã đổi khác, tự mình vươn lên trong cuộc sống, thay đổi bản thân và làm chủ kinh tế.

Phụ nữ dân tộc Cao Lan thoát nghèo nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm- Ảnh 1.

Chị Hoàng Thị Mùi (bên trái)

Về xã Phú Nhuận, nói đến chị Hoàng Thị Mùi, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Ván A thì ai cũng biết. Chị không chỉ là một Chi hội trưởng năng động, mà còn là một phụ nữ nghị lực.

Nhiều năm trước, chồng chị Mùi mất đi để lại 4 người con. Một mình tần tảo nuôi con, bao nhọc nhằn đè nặng lên vai chị. Mảnh đất nông nghiệp của gia đình dù chăm chỉ canh tác cũng không đủ chi phí để nuôi các con ăn học. Chị khát khao làm giàu, bứt khỏi cuộc sống được bữa nay, lo bữa mai như cũ.

Từ khi được bầu làm Chi hội trưởng phụ nữ thôn Ván A, chị được tiếp cận tư tưởng mới, tiếp cận với khoa học kỹ thuật và kỹ năng làm kinh tế. Vốn là người chịu khó, chị đã tìm cách học hỏi và thực hành trồng vải thiều theo kỹ năng canh tác mới trên đất của gia đình. Với 500 cây vải thiều, mỗi năm cho thu hoạch hàng chục tấn, số tiền thu được khoảng 200 triệu đồng mỗi năm. Nhiều năm thu hoạch vải thiều "giá cao được mùa" nên chị bớt dần gánh nặng về kinh tế khi làm mẹ đơn thân nuôi con.

Kết hợp với chăm sóc cây trồng, chị Mùi còn chăn nuôi thêm gà thả vườn, hàng năm được khoảng 200 đến 300 con gà, mang lại giá trị kinh tế cao cho gia đình. Các con của chị lớn lên cũng học hỏi theo nếp làm của mẹ, ai lập gia đình riêng cũng đều thực hành kỹ thuật làm nông nghiệp mang lại kinh tế khá giả.

Hơn 10 năm trở lại đây, kinh tế gia đình chị Mùi đã ổn định, không còn khó khăn vất vả như xưa. Có kinh tế, có thời gian, chị tích cực tham gia CLB Hát Sình ca ở địa phương để giữ gìn, phát huy văn hóa dân tộc Cao Lan. Chị được tín nhiệm bầu là Chủ tịch CLB và nhiều năm liền đạt danh hiệu Cán bộ cơ sở giỏi.

Không chỉ tự bản thân mình thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từ mô hình kinh tế của gia đình, chị đã tuyên truyền, hỗ trợ nhiều chị em phụ nữ làm kinh tế thoát nghèo và thoát nghèo bền vững. Chị thường xuyên tổ chức công tác phối hợp các ban, ngành tập huấn đưa một số cây trồng có lợi ích kinh tế cao về địa phương để trồng và phát triển.

Theo chị Phan Thị Nhúc - Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Nhuận, ngoài gia đình chị Mùi, những năm gần đây, nhiều người dân tại xã đã có nhiều thay đổi. Nếu như trước kia nhiều người chỉ làm kinh tế dựa vào cây vải thiều, thì 4 năm trở lại đây đã biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Người dân chuyển sang trồng vải Thanh Hà, u hồng, táo Đài Loan, táo xuân, hồng không hạt… Mỗi người một thế mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tỷ lệ hộ nghèo đến hết năm 2023 giảm cả xã còn 125/1.099 hộ.

Thay đổi từ cách sống

Cũng theo chị Phan Thị Nhúc, Phú Nhuận là một xã cùng cao, đất rộng nên các hộ dân sống dải rác chủ yếu là đồi núi. Một số thôn ở ven bờ sông đất phù sa màu mỡ nên thích hợp trồng cây ăn quả. Tận dụng được điều này, các hộ gia đình đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ trồng lúa sang cây ăn quả.

Phụ nữ dân tộc Cao Lan thoát nghèo nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm- Ảnh 2.

Chị Phan Thị Nhúc - Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Nhuận

Phụ nữ Cao Lan ngoài làm kinh tế nông nghiệp chất lượng cao còn một số tham gia sản xuất tại các khu công nghiệp. Chủ động về kinh tế và có thu nhập, không phụ thuộc, nhiều phụ nữ có cuộc sống hạnh phúc hơn. Họ cũng chia sẻ được gánh nặng trên vai người chồng, từ đó cuộc sống hôn nhân ngày càng được cải thiện.

Hội LHPN xã cũng luôn phối hợp với cán bộ tư pháp, cán bộ dân số xã hàng năm thường xuyên mở các hội nghị tuyên truyền luật hôn nhân gia đình, tư vấn khỏe sinh sản… Vài năm trở lại đây không còn tình trạng tảo hôn, ép hôn theo kiểu cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy diễn ra trong xã, nhất là ở đồng bào dân tộc Cao Lan.

"Các hủ tục tảo hôn, sinh nhiều con và tục thách cưới hiện nay đã chấm dứt. Ngày xưa dân tộc Cao Lan ở nhà sàn và nhốt trâu bò ở dưới nhưng ngày nay đã không còn. Dân trí và kinh tế phát triển, họ đã xây nhà vườn kiểu cách mới như các hộ dân bình thường trên địa bàn xã. Người dân thoát nghèo, đời sống được nâng lên, họ tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, tinh thần, thể dục thể thao nâng cao sức khỏe", chị Phan Thị Nhúc chia sẻ.

Phụ nữ dân tộc Cao Lan thoát nghèo nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm- Ảnh 3.

Nhằm thực hiện tốt Dự án 8, Hội LHPN xã Phú Nhuận đã và đang tiếp tục phát hiện, giới thiệu, tuyên truyền, biểu dương cách làm hay, mô hình điển hình, tập thể, cá nhân phụ nữ tiêu biểu

Để thúc đẩy các hoạt động thực tiễn nhằm thực hiện tốt Dự án 8, Hội LHPN xã Phú Nhuận đã và đang tiếp tục phát hiện, giới thiệu, tuyên truyền, biểu dương cách làm hay, mô hình điển hình, tập thể, cá nhân phụ nữ tiêu biểu. Đồng thời, nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, các hoạt động đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, chủ động tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng những chính sách, giải pháp hiệu quả để hỗ trợ phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm