Theo báo chí Saudi Arabia đưa tin, những người hành hương đầu tiên đến từ Indonesia, Bangladesh, Ấn Độ và Pakistan.
Thánh địa Mecca trở thành một trong những khu vực đông dân nhất thế giới trong thời gian hành hương Hajj, với ước tính khoảng 2 triệu người có mặt để cùng nhau thực hiện các nghi lễ Hồi giáo.
Năm ngoái, khoảng 1.535 chuyến bay chở khách hành hương đến các sân bay của Saudi Arabia.
Năm nay, cuộc hành hương linh thiêng kéo dài 5 ngày, từ thứ Sáu (9/8) đến thứ Tư (14/8) và là nơi tập trung đông người nhất trên thế giới.
Hajj diễn ra từ ngày 8 đến ngày 12 của Dhu al-Hijja - tháng cuối cùng và là tháng linh thiêng nhất trong lịch Hồi giáo.
Khi đến nơi, người Hồi giáo được tặng quần áo đặc biệt gọi là Ihram, đó là những trang phục đơn giản, màu trắng được cho là khiến người Hồi giáo có vẻ bình đẳng - bất kể giàu nghèo hay địa vị sang hèn - trước Thánh Allah.
Tình dục, hút thuốc, chửi thề và bất đồng là những điều bị cấm trong cuộc hành hương.
Theo Kinh Thánh của Hồi giáo, 1 người đạo Hồi có 5 bổn phận chính và 1 trong các bổn phận này là trong đời phải hành hương ít nhất 1 lần đến Thánh địa Mecca bằng kinh phí của bản thân. Trước khi đi, họ phải chuẩn bị đồ ăn thức uống cho người thân trong thời gian họ đi vắng. Mặc dù chi phí mỗi chuyến đi rất tốn kém nhưng hàng năm vấn có tới hàng triệu lượt người Hồi giáo hành hương tới Mecca.
Hành hương Hajj tại Thánh địa Mecca là một hoạt động khổng lồ do số lượng người tham gia rất lớn. Chính quyền Saudi Arabia đã đưa ra các biện pháp để đáp ứng các nghi thức trong cuộc hành hương năm 2019.
Khoảng 2.300 phụ nữ Hồi giáo Ấn Độ dự kiến hành hương đến Mecca
Trong hơn 70 năm qua, phụ nữ Hồi giáo không thể đi hành hương Hajj trừ khi đi cùng với 1 mahram - 1 người họ hàng là nam giới mà cô không thể kết hôn, chẳng hạn như con trai, cha hoặc anh trai.
Tuy nhiên, một số quốc gia Hồi giáo đang mong muốn đòi lại công bằng cho phụ nữ Hồi giáo, điển hình là Ấn Độ. Thủ tướng Narendra Modi đã đấu tranh cho phụ nữ Hồi giáo, ông và chính phủ của mình đã nỗ lực trong việc tạo điều kiện cho phụ nữ đi du lịch trong chuyến hành hương mà không cần bạn đồng hành là nam. Trong số 1,3 tỉ người Ấn Độ, khoảng 14% theo đạo Hồi.
Theo một chính sách mới, năm ngoái là lần đầu tiên kể từ năm 1947, 1.300 phụ nữ Hồi giáo Ấn Độ đã hành hương đến Mecca mà không có bạn đồng hành nam. Còn năm 2019, khoảng 2.300 phụ nữ nước này dự kiến sẽ làm điều tương tự - chính phủ Ấn Độ cho biết.
Một kỷ lục: 175.025 người Hồi giáo Ấn Độ, khoảng 48% phụ nữ (có và không có bạn đồng hành nam), đã thực hiện lễ Hajj vào năm 2018 - theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mukhtar Abbas Naqvi.