pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phụ nữ Quảng Bình phủ xanh ruộng hoang, gây quỹ yêu thương
Ruộng hoang được chị em phụ nữ huyện Bố Trạch phủ xanh
Biến ruộng hoang thành cánh đồng xanh
Trước đây, nhiều đất ruộng trên địa bàn huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) bị bỏ hoang do năng suất thấp, sản xuất khó khăn, không thể thực hiện bằng cơ giới hóa từ việc cày đất đến gặt lúa… Bên cạnh đó, một số nơi thiếu lao động do người dân đi làm ăn xa, không sản xuất.
Với quyết tâm không để đất đai trở nên hoang hóa và mong muốn chia sẻ cho những hoàn cảnh khó khăn, từ năm 2015, chị em nhiều địa phương ở huyện Bố Trạch đã hành động với mô hình nhận ruộng, đất hoang làm công trình gây quỹ hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ nghèo, đỡ đầu trẻ mồ côi… Nhờ bàn tay lao động chăm chỉ, cẩn thận của chị em, những mảnh ruộng hoang đã trở thành đồng lúa, luống rau, vườn sắn xanh tốt.
Được biết, mô hình tập trung chủ yếu tại các xã: Sơn Lộc, Mỹ Trạch, Nam Trạch, Hạ Trạch, Tây Trạch, Đồng Trạch, Bắc Trạch và Vạn Trạch. Sau hơn 8 năm triển khai mô hình, đến nay toàn huyện đã có 45 ha ruộng, đất hoang được Hội Phụ nữ đứng ra quản lý, sử dụng làm công trình gây quỹ.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Dương Thị Thắm - Chủ tịch Hội LHPN xã Đồng Trạch - cho biết: "Mô hình nhận ruộng hoang gây quỹ được chị em phụ nữ trong xã triển khai từ năm 2019. Hơn 4 năm triển khai, mô hình được sự hưởng ứng nhiệt tình của hội viên. Doanh thu sau mỗi mùa vụ được gây quỹ chia sẻ cho những hội viên khó khăn trên địa bàn".
Theo chân chị Dương Thị Hồng Mẫn, Chi hội Phụ nữ thôn Võ Thuận 2, xã Tây Trạch, ra thăm mô hình của Chi hội, chúng tôi tận mắt chứng kiến những đồng lúa xanh rì, thẳng tắp. Giữa cái nắng hè oi ả, chị em mỗi người một tay, vẫn vui vẻ, hăng say nhổ cỏ, chăm lúa… Vừa làm, chị Dương Thị Ngọc Ánh, Chi hội Phụ nữ thôn Võ Thuận 2 vừa nói: "Chúng tôi đa phần đều là gia đình làm nông, mặc dù công việc đồng áng khá bận rộn nhưng khi Chi hội phát động thì mọi người đều sẵn sàng hưởng ứng".
Có thể thấy, mô hình biến ruộng hoang thành những cánh đồng xanh tốt đã được chị em tham gia rất nhiệt tình và trách nhiệm. Nhiều gia đình, ngoài sự có mặt của chị em còn có sự chung tay, góp sức của người chồng. Điển hình như chồng của chị Ánh, sẵn sàng mang cày và bò đi làm đất, cày ruộng ngay khi chị em cần; nhiều gia đình, vợ đau thì chồng đi làm thay…
Chị Hồ Thị Hòa, Chủ tịch Hội LHPN xã Tây Trạch, cho biết: "Mô hình tận dụng đất ruộng bỏ hoang trên địa bàn từng thôn để gây quỹ được phát động từ nhiều năm về trước. Từ năm 2020 đến nay, mô hình ngày càng được phát triển mạnh hơn, thu hút nhiều chi hội, hội viên tham gia sôi nổi, nhiệt tình. Đến nay, tổng diện tích thực hiện mô hình trên toàn xã đạt hơn 15.000m2 trồng sắn và lúa".
Những hạt lúa, củ sắn san sẻ yêu thương
Không chỉ góp phần giúp các cơ sở hội có thêm nguồn thu ổn định, mô hình cấy lúa, trồng hoa màu gây quỹ của Hội LHPN huyện Bố Trạch còn phủ xanh nhiều diện tích ruộng bỏ hoang, đồng thời thu hút được đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia.
Từ những hạt lúa, mầm sắn được gieo trồng trên những cánh đồng khô cằn mang nặng tình đoàn kết, yêu thương, chị em đã "gặt hái" những vụ mùa thành công. Đến ngày thu hoạch, những ruộng lúa, ruộng sắn lại đầy ắp tiếng nói cười phấn khởi. Người cắt, người nhổ, người thu gom sản phẩm… tấp nập, nhộn nhịp như ngày hội. Sau khi thu hoạch xong, các chi hội bán sản phẩm, trừ chi phí, số tiền còn lại được dùng để gây quỹ yêu thương.
Chia sẻ về những thành quả đã đạt được, chị Nguyễn Thị Trí Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN huyện Bố Trạch cho biết: "Thời gian qua, mô hình nhận ruộng, đất hoang để sản xuất, gây quỹ hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ nghèo, đỡ đầu trẻ mồ côi… được các cấp Hội cơ sở trên địa bàn huyện triển khai tích cực. Mỗi năm, số tiền gây quỹ của các cấp hội cơ sở đạt trên 300 triệu đồng".
Theo chị Hạnh, với số tiền thu được từ mô hình, các cấp Hội sử dụng để thăm, hỗ trợ hội viên nghèo, cận nghèo, khó khăn, ốm đau đột xuất, thăm trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bằng những việc làm cụ thể, thiết thực như: Hỗ trợ cây, con giống, tặng quà, mua Bảo hiểm y tế, nhận đỡ đầu trẻ em mồ côi, cấy thuốc tránh thai cho phụ nữ nghèo… Đặc biệt, nguồn quỹ từ mô hình đã tạo thêm nhiều sinh kế cho hội viên khó khăn trên địa bàn, vươn lên làm giàu, giảm tỉ lệ hội viên đói nghèo. Điều đó đã thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn bền vững.
Qua rồi những ngày cơ cực trong ngôi nhà tranh xiêu vẹo, mỗi mùa mưa lũ lại nơm nớp nỗi lo nhà sập, chị Phan Thị Hiền (trú tại thôn 3, xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch) không giấu được niềm vui mừng khi được ở trong ngôi nhà khang trang, kiên cố. "Tôi là phụ nữ đơn thân, bản thân mắc bệnh tim bẩm sinh, hoàn cảnh nghèo khó không cất nổi ngôi nhà mà ở. Nay được Hội Phụ nữ quan tâm, hỗ trợ xây nhà tôi vui lắm. Không biết nói gì ngoài lời cảm ơn", chị Hiền nói.
Được biết, ngôi nhà của chị Hiền được xây dựng từ số tiền thu hoạch lúa vụ mùa năm 2023 và số tiền quyên góp từ hội viên hội phụ nữ trong xã. Căn nhà có giá trị hơn 35 triệu đồng.
Chị Hồ Thị Hòa, Chủ tịch Hội LHPN xã Tây Trạch, phấn khởi cho biết: "Từ việc nhận ruộng hoang trồng lúa, sắn, hàng năm, các Chi hội Phụ nữ trong xã đã gây quỹ khoảng 100 triệu đồng, hỗ trợ trên 40 chị em nghèo và khó khăn vay vốn không lãi mua giống gà, lợn để chăn nuôi phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó, từ nguồn quỹ, các chi hội cũng kịp thời tặng quà, động viên các hội viên đau ốm, bệnh tật, trẻ em nghèo".
Có thể thấy, những đồng tiền sau cuối vụ mùa tuy ít ỏi, nhưng đã lan tỏa tình yêu thương đến các hội viên khó khăn. Dù nguồn thu từ mô hình không lớn nhưng cũng đã góp phần giúp các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn huyện Bố Trạch triển khai thêm nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, ghi dấu ấn cộng đồng, xây dựng nông thôn mới.