Phụ nữ sẽ hiện diện nhiều hơn trong lực lượng gìn giữ hòa bình

07/06/2018 - 09:25
Phụ nữ hiện chiếm chưa tới 1/4 trong số các vị trí lãnh đạo và chỉ chiếm 4% trong số hơn 80.000 người thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ). Do đó, việc tăng số lượng phụ nữ trong lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ là một trong những khuyến nghị chính của “Chiến lược xây dựng hệ thống LHQ bình đẳng giới” do Tổng thư ký LHQ António Guterres đề ra năm 2017.
Nữ sĩ quan Anaseini Navua Vuniwaqa của Lực lượng quân sự Cộng hòa Fiji đã tham gia 2 khóa đào tạo của lực lượng gìn giữ hòa bình (LLGGHB) của LHQ. Tại khóa học của nhân viên LHQ ở Bắc Kinh (Trung Quốc) năm 2017, cô là người phụ nữ quốc tế duy nhất tham gia. “Có 2 nữ sĩ quan Trung Quốc tham gia nhưng sau đó họ bỏ giữa chừng khóa học”, Đại úy Vuniwaqa, người đầu tiên gia nhập quân đội năm 2009 và sẵn sàng được triển khai trong LLGGHB của Liên hợp quốc, cho biết.
a1-anaseini-navua-vuniwaqa-1.JPG
Sĩ quan Anaseini Navua Vuniwaqa của Lực lượng quân sự Cộng hòa Fiji

 

Tháng 4/2018, cô Vuniwaqa đã đến Ấn Độ để tham gia Khóa huấn luyện nữ quân nhân (FMOC) với mục đích thu hẹp khoảng cách giới trong LLGGHB của LHQ. Khóa học kéo dài 2 tuần do Cơ quan LHQ về Bình đẳng giới, Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) và các đối tác tổ chức nhằm đào tạo chuyên biệt cho các sĩ quan quân đội nữ trên toàn thế giới để xây dựng một mạng lưới toàn cầu các nữ sĩ quan trong LLGGHB của LHQ.
 
Đại úy Vuniwaqa chia sẻ: “Tại các khóa huấn luyện, các học viên được học nhiều kỹ năng để mở rộng tầm nhìn khi làm việc trong môi trường đa quốc gia, đa văn hóa và cần làm quen, bắt nhịp với công việc trong thời gian ngắn nhất.
 
Chúng tôi học được rất nhiều kỹ năng sinh tồn, cách ứng xử và phương pháp đàm phán bên cạnh kiến thức về quân sự. Những người tham gia giảng dạy đã công tác ở Phái bộ nhiều năm, có nhiều kinh nghiệm thực tế để truyền đạt”.
 
Cô Vuniwaqa còn cho biết trong một số khóa học, cô được dạy xử lý tình huống khi gặp nạn nhân bị cưỡng bức. Cô được hướng dẫn cách trấn an tâm lý nạn nhân, giúp họ gạt bỏ ngượng ngùng để nhận sự giúp đỡ, tiêm phòng HIV/AIDS và các bệnh lây truyền trong vòng 72 giờ. Các nữ sĩ quan còn học lái xe hai cầu, đối phó khi hỏng lốp, sơ cứu khi bị thương và gặp người bị thương...
 
Trong khóa học về tham mưu, cô được giao tình huống bị bắt làm con tin khi đang đi tuần tra, tìm cách giải thích và thuyết phục để nhóm bắt cóc đồng ý thả người, nếu không sẽ có thể nguy hiểm đến tính mạng.
 
Chiến lược xây dựng hệ thống Liên hợp quốc bình đẳng giới
Phụ nữ hiện chiếm chưa tới 1/4 trong số các vị trí lãnh đạo tại LHQ và chỉ chiếm 4% trong số hơn 80.000 người trong LLGGHB của LHQ. Do đó, việc tăng số lượng phụ nữ trong LLGGHB của Liên hợp quốc là một trong những khuyến nghị chính của “Chiến lược xây dựng hệ thống LHQ bình đẳng giới” do Tổng thư ký LHQ António Guterres đề ra năm 2017. Theo đó, ông António Guterres coi bình đẳng giới tại LHQ là ưu tiên trong nhiệm kỳ làm việc của ông.
 
a4.JPG
Ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc

 

Chiến lược này bao gồm các hoạt động hướng đến việc đạt được bình đẳng giới tại LHQ vào năm 2028. Theo ông António Guterres, tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong việc giữ gìn hòa bình được công nhận là một yếu tố quan trọng cho sự thành công chung của các nhiệm vụ.
 
Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn bạo lực tình dục trong và sau xung đột, khả năng tham gia vào cộng đồng mà họ phục vụ, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em gái. Sự hiện diện của họ sẽ truyền cảm hứng cho các thành viên của cộng đồng địa phương hướng tới xây dựng mối quan hệ công bằng giới hơn.
 
Đại úy Vuniwaqa nói: “Khi một phụ nữ bị cưỡng bức, họ sẽ tìm đến phụ nữ để chia sẻ, tư vấn. Các nhà quan sát quân sự cho rằng phụ nữ có khả năng thương thuyết, đàm phán tốt hơn nam giới trong nhiều trường hợp”.
 
Đối với Vuniwaqa, những gì cô đã học được ở các khóa đào tạo là kiến thức cần thiết mà cô sẽ truyền thụ lại cho các nữ cảnh sát ở Fiji, đặc biệt là vấn đề chống quấy rối tình dục, giúp đỡ phụ nữ và trẻ em di cư ở các điểm nóng như Trung Phi, Congo.. . Không chỉ có Vuniwaqa, các nữ sĩ quan đến từ các nước được đào tạo cơ bản.
 
Được tài trợ bởi Chính phủ Hà Lan, Na Uy, Úc và Phần Lan, chương trình đã đào tạo được 340 nữ cảnh sát quốc tế và tổ chức 10 phiên ở Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi và Kenya.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm