Phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số dễ trở thành nạn nhân mua bán người do nhận thức hạn chế

Hải Linh
10/11/2022 - 12:50
Phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số dễ trở thành nạn nhân mua bán người do nhận thức hạn chế

Bộ đội biên phòng Đồn Si Ma Cai trong đợt tuyên truyền phòng chống mua bán người

Đây là nhận định của Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tại cuộc tọa đàm “Phòng chống mua bán người” do Bộ Tư lệnh BĐBP vừa tổ chức tại tỉnh Sơn La.
Bị lừa sẽ có công việc nhẹ, lương cao

Theo thống kê từ Bộ Tư lệnh BĐBP, từ đầu năm 2021 đến nay, các đơn vị trong toàn quân đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 77 vụ/42 đối tượng; giải cứu, tiếp nhận 118 nạn nhân. Riêng tháng 7/2022 (Tháng hành động phòng chống mua bán người), các đơn vị bộ đội biên phòng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 15 vụ/8 đối tượng; giải cứu, tiếp nhận 33 nạn nhân.

Cụ thể, ngày 21/7, lực lượng Bộ đội Biên phòng thành phố Hải Phòng đã giải cứu thành công 2 nạn nhân nữ, sinh năm 2004, là người dân tộc thiểu số, cư trú tại huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk, đang trên đường bị các đối tượng đưa từ Bắc Ninh về Hải Phòng.

Đến 10h ngày 26/7, lực lượng chức năng đã bắt khẩn cấp đối tượng Ngô Văn Tuấn. Bằng các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh và có sự hỗ trợ đắc lực của Công an thành phố Hải Phòng và Công an tỉnh Bắc Ninh đối tượng Ngô Văn Tuấn buộc (SN 2000), trú tại phường Tam Sơn, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đã nhận tội thừa nhận đã lừa bán 2 nạn nhân nữ dân tộc thiếu số này để lấy 30 triệu đồng.

Phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số dễ trở thành nạn nhân mua bán người do nhận thức hạn chế - Ảnh 1.

Đối tượng Ngô Văn Tuấn tại cơ quan điều tra (Ảnh: BP)

Tiếp đó, ngày 11/9, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La phối hợp với Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ tư lệnh BĐBP, cùng BĐBP tỉnh Tây Ninh giải cứu 1 nạn nhân bị lừa bán sang Campuchia. 

Trước đó, vào tháng 7, Đồn Biên phòng Nậm Lạnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La nhận được đơn trình báo từ gia đình anh Lèo Văn Thu, trú tại bản Huổi Ca, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp (tỉnh Sơn La) về việc con trai là L. V. C (sinh năm 2003), bị lừa bán sang Campuchia. Quá trình điều tra, lực lượng chức năng làm rõ thông tin nạn nhân bị lừa bán sang Campuchia để cưỡng bức lao động. Ngày 10/9, lực lượng chức năng đã tiến hành giải cứu được em L. V. C về với gia đình.

Qua lời kể của em C., trong một lần đi xe khách từ Sơn La xuống TP Hải Phòng để làm thuê, C. có quen một người không rõ danh tính rủ cùng sang Campuchia làm thuê với công việc hứa hẹn "chỉ ngồi chơi game trong phòng" với mức thu nhập từ 20 đến 30 triệu đồng. Tin lời, C. đã vào TP Hồ Chí Minh rồi sang Campuchia. Tại đây, L. V. C đã bị bán qua nhiều khu vực khác nhau.

Công tác phòng chống mua bán người chưa tương xứng với thực tế

Tại cuộc tọa đàm "Phòng chống mua bán người" do Bộ tư lệnh BĐBP vừa tổ chức, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng nhận định: "Thời gian gần đây, tình hình mua bán người diễn biến phức tạp, nổi lên là hoạt động lừa gạt, cưỡng bức lao động trên biển tại các tỉnh tuyến biển phía Nam, nhất là Kiên Giang, Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu và mua bán người để ép hoạt động mại dâm trong các cơ sở giải trí trá hình".

Trước tình hình trên, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương, địa phương vào cuộc rất quyết liệt trong công tác Phòng chống mua bán người. Công tác phòng chống mua bán người được nâng cao, cả trong công tác phòng ngừa và đấu tranh. Song kết quả công tác phòng chống mua bán người hiện vẫn chưa tương xứng với tình hình thực tế.

Phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số dễ trở thành nạn nhân mua bán người do nhận thức hạn chế - Ảnh 2.

3 đối tượng buôn bán phụ nữ, trẻ em bị lực lượng bộ đội biên phòng bắt giữ (Ảnh: BP)

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng thẳng thắn nêu một số nguyên nhân như: Pháp luật Việt Nam chưa tương thích với luật pháp quốc tế về khái niệm "Mua bán người", xác định độ tuổi nạn nhân là trẻ em và các dấu hiệu cấu thành tội phạm. Ngoài ra, việc phát hiện và triệt phá tận gốc các đường dây mua bán người gặp khó khăn do đối tượng, địa điểm thực hiện hành vi phạm tội cả trong và ngoài nước. Trong đó, các đối tượng cầm đầu thường không lộ diện và chủ yếu dùng điện thoại, mạng xã hội để chỉ đạo, điều hành. Các đối tượng đưa dẫn nạn nhân chủ yếu là dân bản địa, rất thông thạo địa bàn, nắm được quy luật hoạt động của lực lượng chức năng, có kinh nghiệm lợi dụng địa hình hiểm trở để đưa nạn nhân qua biên giới.

Bên cạnh đó, công tác điều tra tội phạm và giải cứu nạn nhân người Việt Nam ở nước ngoài gặp trở ngại nhất định do quy định pháp luật của nước sở tại. Một số nạn nhân bị khai khống tuổi, làm giả hồ sơ.  

Hơn nữa, Việt Nam nằm trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nên chịu tác động rất lớn từ vấn nạn này. Bên cạnh đó, nước ta có cơ cấu dân số trẻ, nhu cầu tìm kiếm việc làm ngày càng tăng trong khi nhận thức của một bộ phận người dân, phụ nữ, trẻ em ở khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số còn hạn chế nên dễ trở thành nạn nhân của các đường dây mua bán người.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho rằng, cần tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động cho cán bộ, chiến sĩ toàn quân và nhân dân về tội phạm mua bán người. Qua đó, có nhiều giải pháp hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý đối tượng phạm tội mua bán người, giải cứu, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán, góp phần giữ vững an ninh, trật tự trên các tuyến biên giới, biển, đảo và khu vực đóng quân.

Bên cạnh đó, cần nâng cao trách nhiệm và vai trò của Quân đội, góp phần khẳng định sự nỗ lực và chính sách nhất quán của Chính phủ Việt Nam trong thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Các nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị tội phạm buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung cho Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm