Phụ nữ tuổi Dậu nổi tiếng: Người vợ thủy chung của Nguyễn Thái Học

29/01/2017 - 12:00
Cuộc đời của nhân sĩ yêu nước Nguyễn Thái Học gắn liền với một mối tình thủy chung đầy bi tráng, từng gây xúc động với nhiều người thời ấy và cả những thế hệ sau. Đó là mối tình với bà Nguyễn Thị Giang.

Bà Nguyễn Thị Giang sinh năm Kỷ Dậu (1909) tại thị xã Phủ Lạng Thương thuộc tỉnh Bắc Giang, là con gái thứ 2 của ông Nguyễn Văn Cao và bà Nguyễn Thị Lựu. Nhà có 3 chị em gái, được cha mẹ đặt tên theo tỉnh, chị đầu là Bắc, tiếp đến là Giang, cuối cùng là Tỉnh. Cô Giang lanh lợi, tháo vát, sớm có xu hướng hoạt động xã hội.

Hồi ấy ở Bắc Giang có một hội kín với mục tiêu đánh đổ thực dân được thành  lập, quy tụ nhiều thanh niên trong tỉnh. Người tổ chức hội kín đó là Xứ Nhu, tên thật là Nguyễn Khắc Nhu, người từng đỗ đầu trong kỳ thi hạch của xứ Bắc Ninh thời đó. Ông từng sang Quảng Châu tham gia nhóm Đông Du sau đó bị trục xuất về nước. Ông trở về làng cũ dạy học, lập hội kín tuyên truyền tinh thần yêu nước, đánh đổ thực dân. Cô Bắc và cô Giang đã tích cực tham gia hội kín này.

Năm 1925, nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt ở Trung Quốc rồi giải về Hà Nội. Cả nước dấy lên phong trào đòi ân xá cho cụ Phan với nhiều cuộc biểu tình rầm rộ. Cô Giang cùng nhóm thanh niên hội kín của xứ Nhu cũng hăng hái tham gia biểu tình đòi thực dân Pháp ân xá cụ Phan.

nguyn-thi-hc.jpg
 Nhà yêu nước Nguyễn Thái Học.

Đến khi Nguyễn Thái Học thành lập Việt Nam Quốc dân Đảng, Xứ Nhu cũng tìm đến xin được sáp nhập. Xứ Nhu được Nguyễn Thái Học phân công làm Trưởng ban Lập pháp. Ông cũng tiến cử cô Bắc làm Trưởng ban Tuyên truyền và cô Giang làm Tổng Thư ký. Ngoài việc văn thư hành chính, cô còn làm giao liên truyền tin cho tổ chức Quốc dân Đảng.

Trong thời gian công tác cùng Nguyễn Thái Học, cô thường an ủi, động viên ông giữ vững tinh thần tranh đấu trong những lúc gặp khó khăn. Cô sớm trở thành người bạn tri kỷ của ông trong công việc và tình cảm. Trong một lần đi công tác ở Phú Thọ, trước bàn thờ quốc Tổ Hùng Vương, Nguyễn Thái Học và cô Giang đã thề nguyền cùng sống chết bên nhau vì sự nghiệp cứu dân cứu nước. Tại tổng bộ, hai người đã làm lễ cưới rồi luôn sát cánh bên nhau những năm tháng sau đó.

Hoạt động của Quốc dân Đảng lúc này bị thực dân Pháp truy quét liên tục, nhiều đảng viên nòng cốt bị bắt. Nguyễn Thái Học và Xứ Nhu bị tòa án thực dân xử vắng mặt 20 năm tù khổ sai. Để vực dậy phong trào, Nguyễn Thái Học quyết định tổ chức khởi nghĩa vũ trang.

Trước trận đánh đồn Phả Lại, ông đưa hết các tài liệu quan trọng cho vợ, dặn dò nhiều việc về hoạt động của Đảng. Người đời sau vẫn còn lưu truyền đoạn hội thoại giữa hai vợ chồng nhân sĩ yêu nước trước khi ông đi vào trận đánh như sau:

- Tôi phải nói rõ các chuyện, vì biết đâu nay mai…

- Cuộc đời anh như thế là sung sướng nhé!

- Sung sướng cái nỗi gì?

- Anh vì nước chỉ chết một lần thôi, còn như em phải chết đến hai lần.

- Là thế nào?

- Còn thế nào nữa, em cũng sẽ chết vì nước, mà còn chết vì anh nữa đấy…

Không ai ngờ, những lời nói đó đã trở thành những lời tâm sự cuối cùng của hai vợ chồng họ.Trận tấn công đồn Phả Lại bị thất bại, Nguyễn Thái Học cùng mấy cán bộ nòng cốt của Việt Nam Quốc dân Đảng bị bắt. Để răn đe quần chúng và ngăn ngừa hoạt động của Việt Nam Quốc dân Đảng, thực dân Pháp xử Nguyễn Thái Học tội tử hình và tổ chức hành hình ngay lập tức. Cô Giang đáp tàu đến pháp trường Yên Bái để gặp mặt chồng lần cuối.

nguyn-thi-hc-v-c-giang.jpg
 Hình ảnh ông Nguyễn Thái Học và bà Nguyễn Thị Giang.

Chiều ngày 17/6/1930, nơi đầu làng Vệ, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên (giáp làng Thổ Tang, quê hương của Nguyễn Thái Học), người dân địa phương chứng kiến cô Giang dùng súng lục tự sát trong bộ áo dài trắng, đầu vấn khăn tang chồng. Cô để lại hai bức thư ngắn và một bài thơ. Bức thư thứ nhất như sau:

“Yên Bái ngày 17 tháng 6 năm 1930

Thưa thầy mẹ,

Con chết là vì hoàn cảnh bó buộc, con không báo được thù cho nhà, rửa nhục cho nước! Sau khi đã đem tấm lòng trinh bạch dâng cho chồng con ở đền Hùng, giờ con tìm về chỗ quê cha đất tổ, mượn phát súng này kết liễu đời con”.

Bức thư thứ hai:

“Anh đã là người yêu nước, không làm trọn được nghĩa vụ cứu nước, anh giữ lấy linh hồn cao cả để về dưới suối vàng chiêu binh rèn súng đánh đuổi quân thù. Phải chịu đựng nhục nhã mới mong có ngày vẻ vang. Các bạn đồng chí còn sống lại sau anh phải phấn đấu thay anh để đánh đổ cường quyền mà cứu đồng bào đau khổ”.

Còn bài thơ tuyệt bút có đoạn viết:

Thân không giúp ích cho đời

Thù không trả được cho người tình chung

Dẫu rằng đương độ trẻ trung

Quyết vì dân chúng thề lòng hy sinh…

Chết đi, dạ những buồn phiền

Nhưng mà hoàn cảnh truân chuyên buộc mình

Quốc kỳ phất phới trên thành

Tủi thân không được chết vinh dưới cờ…

Thư và thơ được viết bằng bút chì xanh trên 3 tờ giấy vở học trò, thể hiện rõ tâm trạng của cô Giang, một lòng một dạ vì nước vì chồng.

Nghe tin Nguyễn Thái Học và cô Giang cùng qua đời, cụ Phan Bội Châu cảm khái làm bài văn tế, trong đó có đoạn:

Nhớ liệt nữ xưa

Đất nhả tinh hoa - trời treo băng tuyết

Vóc quần thoa nhưng chí khí tu mi - Thân khuê các mà can trường khí tiết

Tinh thần yêu nước và mối tình bi tráng của Nguyễn Thị Giang và Nguyễn Thái Học đã đi vào lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm