Phụ nữ và tiêu dùng xanh: Khi thói quen thay đổi để bảo vệ môi trường

Bùi Thị Ninh, Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh khu vực TPHCM
23/01/2025 - 12:26
Phụ nữ và tiêu dùng xanh: Khi thói quen thay đổi để bảo vệ môi trường

Ảnh minh họa

Tiêu dùng xanh đã trở thành một xu hướng quan trọng và là một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển bền vững của nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, phụ nữ ngày càng khẳng định vai trò trong xu hướng này.

Xu hướng tiêu dùng xanh không chỉ là lựa chọn của các cá nhân mà còn là yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi xanh toàn cầu.

Sản xuất xanh đang là xu thế toàn cầu, nơi các doanh nghiệp không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thay đổi phương thức sản xuất để bảo vệ môi trường. 

Điều này càng trở nên quan trọng khi Việt Nam đã tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và cam kết thực hiện các mục tiêu trong khuôn khổ Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu, trong đó có mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. 

Để đạt được các mục tiêu này, doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng thích nghi với xu hướng tiêu dùng xanh, từ đó thúc đẩy sản xuất bền vững.

Đặc biệt, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, đã chính thức công nhận khái niệm "tiêu dùng bền vững" và xác định rõ trách nhiệm của người tiêu dùng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và phát triển sản xuất tiêu dùng bền vững tại Việt Nam. 

Điều này là cơ sở pháp lý quan trọng, khuyến khích mọi thành phần trong xã hội tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi xanh.

Tiêu dùng xanh cho bản thân và gia đình

Phụ nữ là những người đóng vai trò quan trọng trong quyết định tiêu dùng của gia đình. Theo nghiên cứu "Gender-Related Beliefs, Norms, and the Link with Green Consumption" (tạm dịch: Niềm tin, chuẩn mực liên quan đến giới và mối liên hệ với tiêu dùng xanh) được công bố vào năm 2021, hành vi tiêu dùng xanh có sự liên quan mật thiết với tính nữ, thể hiện qua các hành động như tiết kiệm năng lượng và giảm lượng carbon.

Phụ nữ và tiêu dùng xanh: Khi thói quen thay đổi để bảo vệ môi trường- Ảnh 1.

Xu hướng tiêu dùng xanh không chỉ là lựa chọn của các cá nhân mà còn là yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi xanh toàn cầu.

Các nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, phụ nữ chịu trách nhiệm cho khoảng 70%-80% quyết định mua sắm trong gia đình, từ thực phẩm, quần áo đến các sản phẩm gia dụng. Phụ nữ có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề về sức khỏe và môi trường. 

Họ là những người lo lắng về sự an toàn của gia đình và sẵn sàng lựa chọn các sản phẩm hữu cơ, sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Phụ nữ trở thành lực lượng tiên phong trong thực hiện các hành động bảo vệ môi trường, chẳng hạn như lựa chọn các sản phẩm tái chế, hạn chế sử dụng đồ nhựa và áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng trong cuộc sống hàng ngày.

Không chỉ vậy, phụ nữ còn đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục thế hệ tương lai về những giá trị xanh. Với vai trò người vợ, người mẹ, họ có thể hướng dẫn con cái và các thành viên khác trong gia đình thực hành các thói quen tiêu dùng xanh. 

Một trong những tác động quan trọng nhất mà phụ nữ có thể tạo ra chính là sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng của thế hệ trẻ. Bằng cách truyền đạt những kiến thức về bảo vệ môi trường và tiêu dùng bền vững, người mẹ giúp con trẻ hình thành những giá trị sống thân thiện với môi trường ngay từ khi còn nhỏ.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường trở thành mối đe dọa toàn cầu, khái niệm "tiêu dùng bền vững" được nhắc đến như một giải pháp quan trọng để bảo vệ hành tinh. Phụ nữ đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc định hình, lan tỏa xu hướng tiêu dùng bền vững, lối sống xanh không chỉ trong gia đình mà còn ở quy mô cộng đồng.

 Nhiều chị em phụ nữ đã sáng lập các nhóm thu gom rác tái chế hoặc hướng dẫn cách tái sử dụng rác thải hay đơn giản là chia sẻ mẹo vặt sống xanh, từ cách làm mỹ phẩm tự nhiên đến phương pháp giảm thiểu rác thải…

Tiêu dùng xanh không chỉ là một xu hướng mà đã trở thành yêu cầu tất yếu trong xã hội hiện đại. Phụ nữ, với tư cách là người lãnh đạo doanh nghiệp, là người thường giữ "tay hòm chìa khóa" trong gia đình, đang đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy tiêu dùng xanh và sản xuất xanh. 

Họ không chỉ có ảnh hưởng trong việc lựa chọn sản phẩm thân thiện với môi trường mà còn là những người tiên phong trong việc xây dựng và phát triển các mô hình doanh nghiệp bền vững.

Với sự hỗ trợ của các chương trình đào tạo, tư vấn và các chính sách phù hợp, phụ nữ có thể đóng góp tích cực vào sự chuyển đổi xanh của nền kinh tế Việt Nam, giúp bảo vệ môi trường và tạo ra một tương lai bền vững cho thế hệ sau. 

Không thể phủ nhận rằng, phụ nữ có thể trở thành những nhà lãnh đạo quan trọng trong việc xây dựng một nền kinh tế xanh, từ sản xuất, phân phối đến hành vi tiêu dùng, góp phần tích cực vào quá trình phát triển bền vững.

- Theo Bộ Công Thương Việt Nam, nhu cầu tiêu dùng xanh tại Việt Nam tăng trưởng bình quân 15% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2023. Hơn 72% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm xanh. Điều này cho thấy sự thay đổi trong nhận thức và thái độ của người dân đối với vấn đề bảo vệ môi trường và sức khỏe.

- Báo cáo của Euromonitor cho thấy, thị trường thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam đạt giá trị 100 triệu USD vào năm 2023, tăng trưởng 20% so với năm 2020. Doanh số bán sản phẩm tẩy rửa sinh học tăng 15% trong năm 2022 so với năm 2021.

- Ngành thời trang bền vững tại Việt Nam cũng thu hút hơn 1 triệu người tiêu dùng trong năm 2023.

- Các khảo sát cũng cho thấy người tiêu dùng Việt Nam ngày càng tin tưởng vào các sản phẩm được dán nhãn "xanh". Theo Nielsen, 60% người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng vào các sản phẩm này và 55% người tiêu dùng sẵn sàng thay đổi thói quen tiêu dùng để bảo vệ môi trường.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm