Phụ nữ và yêu thương thời Covid-19

Hoài Nam - Lê Sơn
10/04/2020 - 10:12
Phụ nữ và yêu thương thời Covid-19

Ảnh minh họa

Chúng ta hãy cam kết làm cho cuộc sống tốt hơn cho mọi người trên hành tinh này.

Những nỗi lo khi ở nhà

Đối với những người có một mái ấm, họ có những khoản tiết kiệm có thể cho phép dự trữ thực phẩm, nhu yếu phẩm và có những thành viên trong gia đình khỏe mạnh và không khuyết tật. Với họ, việc "đóng cửa" chỉ giống như một sự bất tiện trong đời sống hơn là một thảm họa thật sự.

Nhưng có 150 triệu người vô gia cư trên toàn cầu và 1,6 tỷ người không có được một mái ấm đầy đủ. Chúng ta có gần 1 tỷ người sống với một dạng khuyết tật hoặc bệnh mãn tính cần có người chăm sóc. Ngoài ra còn có 97 triệu người nghèo ở thành thị và những người trong lực lượng lao động phi chính thức, những người hầu như không sống trên mức nghèo khổ.

Tại Việt Nam, lao động phi chính thức chiếm tới 57% lực lượng lao động và tương đương với 18 triệu người. Họ làm việc trong các vai trò như nhân viên bảo vệ, người dọn dẹp, người kéo xe kéo, người bán hàng rong, người thu gom rác và những công việc chân tay khác. Hầu hết không được tiếp cận lương hưu, nghỉ ốm, nghỉ có lương hoặc các loại bảo hiểm nào. Nhiều người không có tài khoản ngân hàng, dựa vào tiền mặt để đáp ứng nhu cầu hàng ngày. Đối với họ, nỗi sợ chết đói rất thật so với nguy cơ tử vong vì Covid-19. Nỗi sợ hãi này cũng tương tự đối với người nghèo thành thị và người lao động nhận lương hàng ngày trên toàn cầu.

Đối với tầng lớp trung lưu, phần lớn đều có khả năng di chuyển, dự trữ thức ăn, có một số tiền dành dụm hoặc tiết kiệm và bảo hiểm nhưng với một số phụ nữ, việc "ở nhà" không đồng nghĩa với chỉ là việc rửa thêm một chút chén bát, nấu ăn thêm vài bữa ăn hay dạy dỗ và chăm con. "Ở nhà" – thông điệp mà vẫn được truyền bá rộng rãi cũng có khả năng phải tiếp xúc gần và lâu hơn với những người chồng bạo lực và đương nhiên nguy cơ bị bạo lực thể chất và tình dục sẽ cao hơn. Điều này còn tồi tệ hơn nếu trong thời gian này, những người chồng vũ phu có thể sẽ trút hết sự tức giận và thất vọng về kinh tế, các mối quan hệ xã hội bị ảnh hưởng lên phụ nữ và con cái của họ.

Theo ước tính, trong số 87.000 phụ nữ bị sát hại trong năm 2017 trên toàn cầu, hơn một nửa đã bị giết bởi chồng hoặc thành viên gia đình, có nghĩa là có 137 phụ nữ trên thế giới bị giết bởi một thành viên trong gia đình họ mỗi ngày. Hơn một phần ba (30.000) phụ nữ bị sát hại trong năm 2017 đã bị giết bởi chồng hiện tại hoặc trước đây của họ. Theo UNICEF, cứ sau 7 phút ở đâu đó trên thế giới, một thanh thiếu niên bị giết bởi một hành động bạo lực. Theo "Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình với phụ nữ ở Việt Nam", năm 2010 do Tổng cục Thống kê Việt Nam thực hiện, 58% phụ nữ đã kết hôn từng bị bạo lực ít nhất một lần trong cuộc đời.

Người ta ước tính rằng có đến 35% tất cả phụ nữ phải đối mặt với quấy rối tình dục, lạm dụng tình dục, bạo lực tình dục hoặc hãm hiếp mỗi năm. Trên toàn cầu, 74 triệu phụ nữ sống ở các nước thu nhập thấp và trung bình có thai ngoài ý muốn hàng năm. Theo ước tính toàn cầu mới nhất của Liên hợp quốc, có 30.000 phụ nữ mỗi năm chết khi sinh con hoặc là kết quả của các biến chứng phát sinh từ thai kỳ. Điều này tương đương với khoảng 830 phụ nữ tử vong mỗi ngày - cứ khoảng hai phút một lần.

Mọi người đang chia sẻ rất nhiều thông điệp về hy vọng, sự kiên nhẫn, lòng khoan dung và tình yêu. Nhưng chúng ta cần nhớ rằng tình yêu trong thời gian Covid-19 có thể không phải là thực tế cho tất cả. Đối với những người dễ bị tổn thương và có nguy cơ bị bạo lực và mang thai ngoài ý muốn, chúng ta cần đảm bảo rằng các dịch vụ vẫn tiếp tục, đường dây trợ giúp đang hoạt động và họ không bị mắc kẹt, tuyệt vọng và đau khổ. Nguy cơ mang thai ngoài ý muốn trong thời gian này là rất thực tế ngay cả đối với những người đang có quan hệ tình dục đồng thuận vì ở đây có thể là vấn đề tiếp cận và sử dụng biện pháp tránh thai. Có thể có những người phát hiện ra họ đang mang thai tại thời điểm này và sẽ có những người cần đưa ra quyết định khó khăn cho việc mang thai mong muốn do thay đổi hoàn cảnh.

Phụ nữ và yêu thương thời Covid-19 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Hãy làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn

Thật thú vị khi tìm hiểu từ lịch sử về Cái chết đen (đại dịch xảy ra giai đoạn 1346-1353) đã đi từ châu Á đến châu Âu và xóa sổ hơn một nửa dân số châu Âu. Bệnh dịch đã thay đổi tiến trình của lịch sử châu Âu. Với rất nhiều người tử vong, lao động trở nên khó tìm hơn, mang lại mức lương cao hơn cho người lao động và sự kết thúc của hệ thống nông nô của châu Âu. Việc thiếu lao động giá rẻ cũng có thể góp phần đổi mới công nghệ. Vì vậy, có thể là đại dịch toàn cầu này cũng sẽ cho chúng ta hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn khi chúng ta đã nhìn thấy mặt trái của chủ nghĩa tư bản tân tự do, hậu quả của một ngành y tế công cộng bị thiếu hụt, sự phụ thuộc vào nhân viên y tế tuyến đầu được đánh giá thấp, tiềm năng của giáo dục trực tuyến và tính khả thi của các văn phòng trực tuyến.

Chúng ta hãy cam kết làm cho cuộc sống tốt hơn cho mọi người trên hành tinh này, và không chỉ cho những người giàu có và đặc quyền.

Chúng ta hãy hy vọng rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ xuất hiện từ cuộc khủng hoảng này già dặn hơn và khôn ngoan hơn và nhớ đối xử với hành tinh của chúng ta và tất cả mọi người của chúng ta bằng tình yêu và lòng biết ơn.

Chúng ta hãy hy vọng rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ chia sẻ những câu chuyện này với thế hệ tiếp theo, mỉm cười và suy ngẫm về cách con người học được tình yêu trong thời gian sống chung!

Nguồn: Dịch từ bài viết của TS,BS Suchitra Dalvie - điều phối viên của mạng lưới Phá thai an toàn châu Á
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm