pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phụ nữ Việt Nam, những chặng đường vẻ vang dưới lá cờ của Đảng
Sáng 18/10/2020, tại Lễ kỷ niệm 90 năm thành lập Hội LHPNVN và Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ IV, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh (thứ 4 từ trái sang) đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Hội LHPN Việt Nam. Ảnh: Thu Sương
Ra đời trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, trải qua 90 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực sự là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ Việt Nam; Trở thành một tổ chức chính trị - xã hội lớn mạnh, rộng khắp, tập hợp đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia tích cực và đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Truyền thống tự hào của phụ nữ Việt Nam
Từ ngày có Đảng (năm 1930), những hoạt động và đóng góp của phụ nữ Việt Nam vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước luôn gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng. Nghị quyết của Hội nghị BCH TW Đảng lần thứ nhất, tháng 10/1930 đã chỉ rõ "Lực lượng cách mạng của phụ nữ là một lực lượng rất trọng yếu. Nếu quảng đại quần chúng phụ nữ không tham gia vào những cuộc đấu tranh cách mạng thì cách mạng không thể thắng lợi được" (Án nghị quyết của Trung ương toàn thể hội nghị, tháng 10/1930).
Phong trào phụ nữ Việt Nam phát triển mạnh mẽ và sâu rộng từ những năm 1930-1931 với nhiều hình thức hoạt động phong phú, tập hợp đông đảo phụ nữ tham gia vào cao trào đấu tranh cách mạng, đòi quyền lợi kinh tế, cải thiện đời sống, chống áp bức của đế quốc phong kiến. Những tên gọi của Hội phụ nữ qua các thời kỳ gắn liền với trọng tâm từng giai đoạn cách mạng như tổ chức Phụ nữ Giải phóng (thời kỳ 1930-1936), Hội phụ nữ Dân chủ (thời kỳ 1936-1939), Hội Phụ nữ Phản đế (1939-1941), Đoàn phụ nữ Cứu quốc (1941-1945). Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tổ chức Hội phụ nữ đã góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của Cách mạng tháng Tám năm 1945. Tiêu biểu của giai đoạn này là tấm gương hy sinh của chị Nguyễn Thị Minh Khai, một trong những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương (giai đoạn 1930-1940).
Tôi luyện và trưởng thành qua hai cuộc kháng chiến
Ngày 3/10/1946, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được chính thức thành lập trên cơ sở tập hợp các tổ chức phụ nữ, trong đó Đoàn Phụ nữ cứu quốc là nòng cốt. Trong chín năm kháng chiến trường kỳ, đông đảo phụ nữ được giải phóng đã tham gia tích cực vào các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quân sự và quốc phòng góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phụ nữ Việt Nam vừa tích cực thực hiện các nhiệm vụ ở hậu phương vừa trực tiếp tham gia chiến đấu ở chiến trường. Nhiều phong trào sôi nổi, lan tỏa rộng khắp như: Phụ nữ học cày bừa, phụ nữ tăng gia sản xuất đảm bảo cho bộ đội "ăn no đánh thắng", mua công phiếu kháng chiến, "Diệt giặc dốt", "Diệt giặc đói", "Đời sống mới", tham gia Hội mẹ chiến sĩ, sản xuất hàng tiêu dùng và vũ khí, quân trang, thuốc men, góp phần quan trọng vào việc tiếp tế cho kháng chiến,…
Phụ nữ tham gia ngày càng tích cực vào hệ thống chính trị các cấp, từ Cấp uỷ Đảng đến Hội đồng nhân dân, Ủy ban kháng chiến. Trong vùng địch tạm chiếm, phụ nữ vừa là lực lượng đấu tranh quan trọng vừa trực tiếp tham gia các hoạt động đánh giặc. Tên tuổi "Đội nữ du kích Hoàng Ngân", anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu, Mạc Thị Bưởi, Bùi Thị Cúc, anh hùng Nguyễn Thị Chiên, "Nữ kiệt miền Đông" Hồ Thị Bi là những tấm gương làm rạng danh phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn lịch sử oanh liệt này. Trân trọng những đóng góp to lớn của phụ nữ Việt Nam, Bác Hồ kính yêu đã khẳng định: "Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ" (tháng 3/1952).
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 về Đông Dương, Việt Nam tạm thời bị chia cắt hai miền. Miền Nam tiếp tục cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước. Miền Bắc xây dựng Chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương lớn cho miền Nam ruột thịt.
Các phong trào thi đua "Năm tốt" (năm 1961), Phụ nữ "Ba đảm đang" (năm 1965) đã nhanh chóng phát triển thành những cao trào cách mạng sôi nổi, rộng lớn, huy động sức mạnh tổng hợp của hàng chục triệu phụ nữ từ mọi miền đất nước, trên mọi lĩnh vực, góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. 42 nữ anh hùng, 9 đơn vị nữ anh hùng được tôn vinh; 1.718 chị em được thưởng huy hiệu Bác Hồ, trên 5.000 chị em là chiến sỹ thi đua toàn quốc, gần bốn triệu hội viên đạt danh hiệu phụ nữ "Ba đảm đang"... Đó là những minh chứng hùng hồn về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của phụ nữ Việt Nam. Sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Xứng đáng với lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang chống Mỹ cứu nước"
Ngày 8/3/1961, Hội LHPN Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập, trở thành mặt trận tập hợp, đoàn kết các tầng lớp phụ nữ miền Nam yêu nước tham gia vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng phụ nữ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Phong trào thi đua "Năm tốt" của phụ nữ miền Nam đã động viên đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia vào cuộc đấu tranh chống kẻ thù với nội dung: Đoàn kết đấu tranh chính trị, võ trang, binh vận tốt; Lao động sản xuất, tiết kiệm tốt; Chăm sóc, nuôi dưỡng thương bệnh binh tốt; Học tập văn hóa, chính trị, chuyên môn tốt; Rèn luyện tư cách đạo đức tốt. Hàng triệu hội viên phụ nữ giải phóng đã đi đầu trong phong trào đấu tranh chính trị trực diện, hình thành nên "Đội quân tóc dài" nổi tiếng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với tinh thần "còn cái lai quần cũng đánh" là niềm tự hào của dân tộc và là nỗi khiếp sợ của kẻ thù; đã có nhiều tấm gương phụ nữ tiêu biểu trong chiến đấu, lao động và sản xuất thời kỳ này. Phát biểu tại lễ kỷ niệm ngày thành lập Hội LHPNVN (19/10/1966), Hồ Chủ tịch đánh giá: Phong trào "Năm tốt" của phụ nữ miền Nam, phong trào "Ba đảm đang" của phụ nữ miền Bắc là phong trào yêu nước nồng nàn và rộng khắp, lôi cuốn đông đảo phụ nữ hai miền thi đua sản xuất, phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu, góp phần to lớn vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của toàn dân.
Hơn 20 năm tôi luyện, trưởng thành trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất đất nước thực sự là những năm tháng hào hùng, sôi động nhất của phong trào phụ nữ, của Hội LHPNVN. Tổ chức Hội không ngừng lớn mạnh, trở thành trường học của phụ nữ Việt Nam , thể hiện tính sáng tạo và bản lĩnh cách mạng kiên cường của phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đại diện Liên đoàn phụ nữ dân chủ quốc tế trong phát biểu kết thúc chuyến thăm Việt Nam năm 1969 đã đánh giá: "Chị em phụ nữ Việt Nam đang viết bằng mồ hôi và máu của họ, một trang sử chưa từng có trong đời sống của nhân loại và đang thúc đẩy sự nghiệp giải phóng phụ nữ trên toàn thế giới" (Báo ảnh Việt Nam 1969). Đặc biệt giai đoạn này có những cán bộ nữ đã thể hiện bản lĩnh và khả năng lãnh đạo xuất sắc như đồng chí Nguyễn Thị Thập, Chủ tịch Hội LHPNVN là người phụ nữ đầu tiên được bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội liên tục từ khóa III đến khóa VI; đồng chí Nguyễn Thị Định, Hội trưởng Hội Phụ nữ giải phóng miền Nam là người phụ nữ đầu tiên được phong hàm cấp tướng trong Quân đội Nhân dân Việt Nam (1974) và cũng là người phụ nữ đầu tiên được bầu là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (1987); đồng chí Nguyễn Thị Bình là nữ Bộ trưởng đầu tiên của ngành Ngoại giao (1969), Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (1976-1987) đồng thời là nữ thành viên Chính phủ đầu tiên và bà cũng là nữ Phó Chủ tịch nước đầu tiên của Việt Nam (1992-2002).
Vai trò của Phụ nữ Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước và 35 năm Đổi Mới
Tháng 6/1976, Hội LHPNVN và Hội LHPN giải phóng miền Nam Việt Nam đã hợp nhất, lấy ngày 20/10/1930 là ngày thành lập Hội LHPNVN. Việc thống nhất tổ chức Hội đã tạo nên một sức mạnh mới, mở đường cho phong trào phụ nữ nước ta phát triển lên một trình độ cao hơn. Hàng loạt cuộc vận động, phong trào thi đua được phát động và triển khai rộng khắp: Phong trào "Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", "Giỏi việc nước đảm việc nhà, phấn đấu thực hiện nam nữ bình đẳng", "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc", "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, cần kiệm xây dựng đất nước", "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", "Rèn luyện các phẩm chất đạo đức: Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang" gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... Từ các phong trào đã có gần 100 tập thể và cá nhân nữ Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới được tôn vinh, ghi nhận.
Qua mỗi kỳ Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc là một cột mốc đánh dấu sự phát triển và vai trò cực kỳ quan trọng của tổ chức Hội LHPNVN. Các phong trào do Hội phát động đã tạo nên khí thế thi đua sôi nổi, trở thành động lực thúc đẩy các tầng lớp phụ nữ tích cực tham gia, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thông qua việc thực hiện các phong trào thi đua, vị trí, vai trò của phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới được nâng cao, tạo điều kiện để phụ nữ Việt Nam đóng góp lớn hơn vào sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của đất nước.
Trong suốt quá trình 35 năm Đổi mới, vai trò của phụ nữ Việt Nam và công tác phụ nữ luôn được Đảng ghi nhận và đánh giá cao. Mục tiêu giải phóng phụ nữ là thiết thực cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của chị em, nâng cao vị trí xã hội của phụ nữ, thực hiện nam, nữ bình đẳng, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Việc xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới; phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, tôn vinh nhằm khơi dậy tiềm năng, trí tuệ, sức sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp, khát vọng của đội ngũ nữ lãnh đạo quản lý, nữ trí thức, nữ cán bộ khoa học, nữ doanh nhân... là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Điều cần nhấn mạnh trong giai đoạn này là công tác vận động phụ nữ và công tác cán bộ nữ được thể hiện rõ hơn, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 04/NQ-TW ngày 12-7-1993, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 34/CT-TW ngày 10-5-1994; Quốc hội và Chính phủ đã thể chế hóa bằng các luật, pháp lệnh, nghị định,… nhằm phát huy vị trí, vai trò của phụ nữ ngày càng cao hơn. Tỷ lệ phụ nữ tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội cũng như cấp ủy và Hội đồng nhân dân các cấp tăng lên theo từng nhiệm kỳ. Đáng trân trọng, lần đầu tiên có nữ Ủy viên Bộ Chính trị là đồng chí Nguyễn Thị Xuân Mỹ (1996), tiếp đó là đồng chí Tòng Thị Phóng, phụ nữ người dân tộc thiểu số đầu tiên tham gia Bộ Chính trị và giữ trọng trách Phó Chủ tịch Quốc hội. Đặc biệt, năm 2016 lần đầu tiên có 3 nữ Ủy viên Bộ Chính trị, có nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên là đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân. Điều đáng ghi nhận nữa là năm 2019 và hiện nay, lần đầu tiên có 9 nữ Bí thư Tỉnh ủy, 2 nữ Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh cho thấy đội ngũ cán bộ nữ được đánh giá đúng và đề cao trong lãnh đạo, quản lý hướng đến sự bình đẳng thực sự.
Bước vào kỷ nguyên của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Cách mạng 4.0), phong trào phụ nữ Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới. Sự phổ biến nhiều mô hình việc làm linh hoạt, việc làm di động... sẽ giúp phụ nữ thuận lợi hơn trong cân đối việc làm với cuộc sống gia đình. Sự gia tăng nhu cầu về lao động sáng tạo sẽ làm tăng cơ hội tham gia thị trường lao động của phụ nữ. Tuy nhiên, lao động nữ trong những công việc giản đơn, chưa qua đào tạo, có tiền lương thấp dễ bị mất việc làm nhất do sự thay thế công nghệ. Những người phụ nữ nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số, do sự hạn chế về học vấn, đào tạo tay nghề, lại chịu nhiều áp lực hơn bởi những định kiến giới truyền thống sẽ là tầng lớp chịu nhiều rủi ro hơn cả trong vấn đề này.
Hội LHPNVN cần có sự chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng để giúp chị em phụ nữ vượt qua những thách thức này. Những nội dung mà Hội cần phải tập trung trong công tác phụ nữ chính là chăm lo đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho lao động nữ chưa qua đào tạo; Phát triển đa dạng mạng lưới các loại hình dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động để mở rộng cơ hội cho lao động nữ tiếp cận với việc làm trên thị trường lao động; Truyền thông nâng cao nhận thức cho lao động nữ về cách mạng 4.0 và những yêu cầu của giai đoạn mới, tầm quan trọng của việc rèn luyện các phẩm chất cần thiết để thích ứng với cuộc cách mạng 4.0 như ý thức tổ chức, kỷ luật, khả năng sáng tạo, sự thích ứng,…
Hội LHPNVN cũng cần có các phương thức phù hợp để phát hiện, giới thiệu, bồi dưỡng, góp phần nâng cao hơn nữa tỷ lệ tham gia và chất lượng tham gia của phụ nữ vào hoạt động lãnh đạo, quản lý, tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Phụ nữ Việt Nam, với truyền thống "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử, đặc biệt với kinh nghiệm hoạt động 90 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, với phẩm chất tự tin và tự trọng, sẽ nỗ lực chuẩn bị một cách tốt nhất, trang bị những kỹ năng mới, luôn tự khẳng định mình, vươn lên sẵn sàng thích ứng với những yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0.
90 năm qua, dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, Hội LHPNVN đã vượt qua bao khó khăn và từng bước trưởng thành, thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa. Thông qua các phong trào, hoạt động của mình, Hội LHPNVN đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bước vào thập niên mới trong lịch sử của mình, vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ và sự nghiệp bình đẳng giới của Hội LHPNVN chắc chắn sẽ tiếp tục được phát huy rực rỡ hơn bao giờ hết.
Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội LHPNVN, xin kính chúc toàn thể phụ nữ Việt Nam hạnh phúc, thành công trong sự nghiệp và xây dựng gia đình. Chúc phong trào phụ nữ và Hội LHPNVN nối tiếp truyền thống và thành tựu 90 năm qua không ngừng phát triển trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế [1].
----------------------------
[1] Trong quá trình viết bài này có tham khảo tài liệu của một số tổ chức và cá nhân viết về phong trào phụ nữ Việt Nam.