Phụ nữ vùng cao "viết lại" cuộc đời bằng giấc mơ xuất ngoại

Nguyễn Cảnh Dũng
16/07/2025 - 13:53
Phụ nữ vùng cao "viết lại" cuộc đời bằng giấc mơ xuất ngoại

Mẹ con chị Lô Thị Nam bên cửa hàng tạp hóa của gia đình

Không còn quẩn quanh bên những mùa vụ bấp bênh và cái nghèo đeo bám dai dẳng, nhiều phụ nữ dân tộc Thái, Khơ Mú ở xã Sơn Lâm (Nghệ An) đã dám dấn thân để thay đổi số phận bằng con đường xuất khẩu lao động. Hành trình ấy không chỉ là mưu sinh, đó là sự thay đổi tư duy của những người phụ nữ vốn từ lâu chỉ quẩn quanh dưới những nếp nhà sàn cũ kỹ.

Khoản đầu tư cân não

Cũng như hàng nghìn người Thái, người Khơ Mú khác ở xã Sơn Lâm, cuộc sống của chị Lô Thị Nam (SN 1993) gắn liền với những tháng ngày lam lũ trên nương rẫy. Đất đai vốn đã ít ỏi, lại thêm khí hậu khắc nghiệt, khiến những vụ mùa nông nghiệp càng trở nên bấp bênh. 

Nỗi lo cơm áo gạo tiền và câu hỏi: "Làm sao để thoát khỏi vòng luẩn quẩn đói nghèo?" luôn là điều khiến chị Nam trăn trở, day dứt.

Chị Nam kể lại những năm tháng đầu đời sống hôn nhân đầy vất vả: "Năm 2012, tôi lập gia đình. Hai vợ chồng sinh sống tại bản Thanh Lâm, cuộc sống cứ bấp bênh từ trồng keo, làm ruộng, chăn nuôi. 

Vì đất sản xuất quá ít, cũng không có ngành nghề nào khác để tăng thêm thu nhập nên dù có làm lụng vất vả đến mấy, gia đình tôi vẫn rất khó khăn".

Bước ngoặt đến vào năm 2016, khi vợ chồng chị Nam tình cờ biết được một người họ hàng bên chồng đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) và làm ăn rất tốt. Từ những câu chuyện kể về thu nhập ổn định, về khả năng tích lũy, một ý nghĩ táo bạo lóe lên trong đầu hai vợ chồng: "Hay là mình cũng thử đi?". 

Quyết định này được tất cả mọi người trong gia đình ủng hộ nhưng đi kèm với đó là nỗi lo lắng khôn nguôi. "Hồi đó cả bản, cả xã chưa ai đi, mình là người đầu tiên nên cũng rất lo. Liệu có thành công không? Tiền đâu mà đi? Đó là những câu hỏi lớn cứ lởn vởn trong đầu", chị Nam chia sẻ.

"Làm sao để có được số tiền khổng lồ lên đến 500 triệu đồng cho hai vợ chồng thực hiện giấc mơ xuất ngoại là thách thức quá lớn. Đây không chỉ là một khoản vay thông thường, mà là một "canh bạc lớn", một sự đánh đổi gần như tất cả những gì gia đình có", chị Nam kể về sự liều lĩnh khi phải vay mượn từ anh em, bà con và thậm chí là cầm cả sổ đỏ của ông bà để có đủ chi phí.

Trong 6 năm miệt mài (từ 2016 đến 2022), hai vợ chồng chị Nam cùng làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp tại Nhật Bản. Công việc dù vất vả, đôi khi phải tăng ca vào mùa vụ nhưng với tinh thần chịu khó, sự đồng lòng và ý thức tiết kiệm cao độ, họ đã vượt qua tất cả. 

Chị Nam tiết lộ, chỉ trong 2 năm đầu tiên, vợ chồng chị đã dành dụm và trả được hết khoản nợ 500 triệu đồng. Gánh nặng được trút bỏ, tinh thần nhẹ nhõm giúp họ càng thêm hăng say lao động.

 Những năm tiếp theo, vợ chồng chị Nam tiếp tục tích lũy được một số tiền khá lớn, đủ để khi trở về Việt Nam vào năm 2022, cuộc đời họ thực sự bước sang một trang mới, rạng rỡ và đầy hy vọng.

Khi trở về bản Thanh Lâm sau 6 năm xa xứ, thành quả lao động của vợ chồng chị Nam đã hiện hữu rõ nét, thay đổi hoàn toàn diện mạo cuộc sống gia đình. Ngôi nhà nhỏ cũ kỹ được xây từ năm 2013, từng chứng kiến bao khó khăn của họ, nay đã được đập đi. 

Thay vào đó là một căn nhà mới khang trang, hiện đại và tiện nghi hơn rất nhiều, nổi bật giữa ngã 3 bản Thanh Lâm, trở thành biểu tượng cho sự vươn lên từ bàn tay trắng.

Không chỉ có nhà mới, vợ chồng chị Nam còn mua được chiếc ô tô trị giá hơn 700 triệu đồng. Chiếc xe không chỉ phục vụ việc đi lại thuận tiện cho gia đình mà còn được dùng để chạy dịch vụ, góp phần tăng thêm nguồn thu nhập đáng kể. 

Ngoài ra, chị Nam còn mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ ngay tại nhà, vừa giúp chị chủ động thời gian chăm sóc gia đình, vừa mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Nhìn lại hành trình đã qua, chị Nam xúc động: "Không có chuyến đi XKLĐ ở Nhật, chắc giờ vợ chồng tôi vẫn dầm mình trên những đồi ngô, ruộng sắn và nỗi lo cơm áo gạo tiền chưa bao giờ dứt. 

Phụ nữ vùng cao "viết lại" cuộc đời bằng giấc mơ xuất ngoại- Ảnh 1.

Chị Nam chia sẻ câu chuyện đi xuất khẩu lao động cùng bà Lô Thị Thúy (bìa phải), Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Lâm

Một quyết định táo bạo đã giúp cuộc sống gia đình tôi thay đổi hoàn toàn, từ những ngày tháng nghèo khó triền miên đến cuộc sống như hôm nay. Giờ đây, các con tôi được học hành tử tế, được hưởng một cuộc sống tốt đẹp hơn mà trước kia tôi không dám mơ tới".

Lan tỏa "giấc mơ xuất ngoại"

Không chỉ riêng gia đình chị Lô Thị Nam, "giấc mơ xuất ngoại" còn lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân tộc thiểu số tại Sơn Lâm. Câu chuyện của vợ chồng chị Lô Thị Oanh và Lương Văn Ân, ở bản Thanh Dương, là một minh chứng. 

Hai năm trước, họ cũng "đánh liều" vay số tiền lên đến 300 triệu đồng để đi XKLĐ sang Đài Loan (Trung Quốc). Chị Lương Thị Lon, chị gái anh Ân, người đang chăm sóc 2 con nhỏ của vợ chồng Oanh - Ân, chia sẻ: "Để có thể đi XKLĐ, người lao động phải đóng một khoản phí không nhỏ cho các công ty môi giới, chi phí đào tạo tiếng, kỹ năng, làm giấy tờ... 

Người lao động phải vay mượn, thậm chí cầm cố tài sản, tạo áp lực tài chính nặng nề cho gia đình. Tuy nhiên, cả gia đình tôi vẫn cố gắng vay mượn, động viên vợ chồng em trai đi. Ở đây dân trí thấp, nghề nghiệp không có, chỉ có đi XKLĐ mới thay đổi được số phận".

Chị Lon tiết lộ thêm, chỉ trong năm đầu tiên, vợ chồng chị Oanh đã trả hết nợ. Từ năm thứ hai, họ đã tích cóp được tiền gửi về. Mới đây, chị Oanh còn được công ty cho nghỉ phép về thăm con, sau đó trở lại Đài Loan tiếp tục lao động để hoàn thành nốt những năm còn lại trong hợp đồng.

Sơn Lâm là một xã miền núi thuộc tỉnh Nghệ An, được hình thành trên cơ sở sáp nhập xã Ngọc Lâm và xã Thanh Sơn của huyện Thanh Chương trong đợt sáp nhập tỉnh, thành năm 2025. Với dân số trên 12 nghìn người, Sơn Lâm là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Thái và Khơ Mú. Cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, với thu nhập bấp bênh, quanh năm thiếu trước hụt sau.

Người dân Sơn Lâm từng đối diện với giai đoạn vô cùng khó khăn, đặc biệt là thời điểm mới chuyển từ huyện Tương Dương (cũ) về để nhường đất cho Thủy điện Bản Vẽ. Khi còn ở Tương Dương, cuộc sống của họ gắn liền với nương rẫy dưới tán rừng già. 

Về vùng đất mới, phải thay đổi hoàn toàn phương thức canh tác, người dân đã mất một thời gian rất dài để thích nghi. Dù đã quen với cuộc sống nơi đây nhưng do đất sản xuất hạn chế nên cuộc sống của người dân vẫn gặp khó khăn.

Bà Lô Thị Thúy, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Lâm, nhận định: "Những năm gần đây, XKLĐ nở rộ đã mang đến sự thay đổi rất lớn cho Sơn Lâm. Trước kia, bà con chủ yếu làm nông nghiệp và ngoài thời gian trên, họ làm thuê làm mướn như cuốc cỏ thuê, thu hoạch keo… để có thêm thu nhập nhưng rất không ổn định".

Theo thống kê chưa đầy đủ từ UBND xã Sơn Lâm, hiện trên địa bàn xã đang có gần 200 người XKLĐ và đáng mừng là tất cả các bản đều có người đi nước ngoài làm ăn và cho thu nhập tốt. 

Đáng chú ý, trong số lao động trên có nhiều người là phụ nữ Khơ Mú - những người vốn ít khi rời khỏi bản làng để đi làm ăn xa, chưa nói đến việc xuất ngoại. Đây là một sự chuyển biến lớn về nhận thức và hành động.

Bà Thúy cho hay, người dân, đặc biệt là phụ nữ, giờ đi làm công nhân rất nhiều, thu nhập được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt, nhiều gia đình đã đổi đời nhờ có người thân đi XKLĐ. Những ngôi nhà khang trang được xây dựng, cuộc sống vật chất được nâng cao, tạo động lực mạnh mẽ cho những người khác noi theo. 

Hình ảnh người con, người chồng, người vợ gửi tiền về giúp gia đình trả nợ, mua sắm tiện nghi trở thành động lực mạnh mẽ, lan tỏa "giấc mơ xuất ngoại" đến cả cộng đồng.

Theo bà Thúy, nhiều bà con muốn đi XKLĐ nhưng họ sợ rủi ro, sợ nợ nần, sợ phải vay mượn, điều đó khiến họ phải đắn đo. Tuy nhiên, những người đi sau giờ đây đã được định hướng rõ ràng hơn, được hỗ trợ từ công ty môi giới và ngân hàng thông qua các chương trình liên kết, giúp giảm bớt gánh nặng tài chính ban đầu. 

Bên cạnh đó, thay đổi quan trọng nhất chính là tư duy của người dân khi họ đã mạnh dạn tìm kiếm cơ hội ở những chân trời mới. Họ không chỉ mơ ước thoát nghèo mà còn mong muốn con cái được học hành đầy đủ hơn, có tương lai tươi sáng hơn, được tiếp cận với những điều kiện sống tốt hơn.

Dẫu đời sống của người dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn và thử thách nhưng XKLĐ đang ngày càng được coi là một trong những con đường ngắn và hiệu quả nhất để thoát ly khỏi cảnh túng thiếu, mang về thu nhập cao, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững các vùng biên cương Tổ quốc. 

Những câu chuyện thành công như của chị Nam sẽ tiếp tục truyền cảm hứng, thúc đẩy bà con dân tộc thiểu số Sơn Lâm vững tin bước tiếp trên con đường định hình một tương lai tốt đẹp hơn cho chính mình và cho thế hệ mai sau.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm