Phút bất cẩn khiến con gặp nạn

06/08/2015 - 15:45
Chỉ trong khoảnh khắc, chị Nguyễn Thị Hạnh (38 tuổi, quê Đắk Lắk) hốt hoảng khi thấy đứa con trai 6 tuổi nằm bất động giữa hiên nhà, miệng chảy máu, lưỡi cháy rộp…

Vào ngày cuối tuần, tôi bỗng nhận được tin của bác sĩ Nguyễn Trần Nam (Bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM) về việc đang điều trị cho một trường hợp “bệnh lạ”. Theo thông tin từ gia đình thì “sau khi cho bé ăn kẹo mút, lưỡi của bé có những dấu hiệu hoại tử”. Lúc chúng tôi tới bệnh viện thì bé Nguyễn Ánh Nhật (6 tuổi) đã tỉnh, “bệnh lạ” của em cũng dần được hé lộ với câu giải thích ngô nghê: “Con ngậm chiếc ổ cắm điện vào miệng!”.

Bé Nguyễn Nhật Ánh đang được chăm sóc tại viện (ảnh chụp 14/9/2014) 

Tay ôm vài món đồ chơi, miệng bị phồng lên như đang ngậm thức ăn không chịu nuốt, bé Nhật cau mày mỗi khi mẹ yêu cầu em xúc miệng. Ngồi cạnh đứa con trai vừa bước vào lớp 1, chị Hạnh bảo: “Mình biết khi nói bé rất đau nhưng thỉnh thoảng bé lại nhắc: “Mẹ Hạnh gọi điện xin phép cô giáo cho con nghỉ học đi!”.

Gia đình chị Hạnh quê gốc Nghệ An nhưng di cư vào lập nghiệp tại Đắk Lắk từ năm 1999, cuộc sống vô vàn khó khăn. Tuy nhiên, với bản tính cần cù, chịu khó, sau vài năm làm thuê, chị Hạnh và chồng đã gây dựng được cơ ngơi. “Nhà có 6 hécta trồng cà phê và điều nên làm không xuể. Để vợ có thời gian làm nội trợ và chăm sóc các con, chồng tôi thuê 6 người làm công. Con trai lớn đang theo học tại một trường cao đẳng ở TPHCM, còn Nhật năm nay bắt đầu học lớp 1”, chị Hạnh kể.

Cũng theo chị Hạnh, vì nhà có trẻ nhỏ nên vợ chồng chị rất cẩn trọng đối với những thứ có thể gây nguy hiểm cho các bé. Từ thuốc sâu, thuốc diệt cỏ, bếp gas hoặc dụng cụ làm rẫy… chồng chị đều cẩn thận cất ở những vị trí an toàn, thậm chí, ngay cả rau ăn hàng ngày, chị Hạnh cũng chỉ sử dụng những loại mà chị tự “tăng gia” trong vườn. Hôm Nhật gặp nạn là ngày chị đi họp phụ huynh nên bé ở nhà chơi một mình. “Trước khi rời khỏi nhà, mình có cho bé một chiếc kẹo mút. Khi về, thấy lưỡi của bé bị bỏng rộp, chảy máu và nằm bất động. Đưa bé đến bệnh viện, mình cũng trình bày như vậy, bác sĩ nói có thể do kẹo mút chứa lượng đường hóa học quá cao nên dẫn đến tình trạng này. Tuy nhiên, khi tỉnh dậy, Nhật kể do bé ngậm chấu điện nên bị giật khiến tất cả mọi người đều bàng hoàng”, chị Hạnh nhớ lại.

 

Xót lòng khi nhìn con đau

Gia đình chị Hạnh sinh sống bằng nghề làm rẫy, vì vậy, giống như nhiều hộ dân khác ở địa phương, chị Hạnh tận dụng nguồn năng lượng mặt trời để làm điện chiếu sáng và phục vụ sinh hoạt. Với cách làm này, điện từ nguồn năng lượng mặt trời sẽ được thiết kế đi qua 1 chiếc bình để tăng công suất lên 220V, sau đó có nguồn dẫn để cắm vào 1 ổ điện trong nhà và cung cấp điện cho các thiết bị.

Khi biết con bị tai nạn do điện, chị Hạnh không khỏi băn khoăn: “Thường thì ổ cắm dẫn điện từ bình ra luôn được cắm cố định để cung cấp điện sinh hoạt cho cả nhà, vị trí cắm điện thì bé không thể với tới. Chẳng hiểu bé làm cách nào mà rút ổ điện ra hoặc có ai đó bất cẩn rút ra rồi quên cắm. Nhưng dù là thế nào thì chuyện đó cũng quá khủng khiếp”.

Từ khi con trai nhập viện, vợ chồng chị Hạnh thay nhau thức chăm con. Mọi việc ở nhà, vợ chồng chị phải nhờ bà con trông giúp. Trong ký ức của người mẹ này, dù không ít lần đối mặt với chuyện con cái bệnh tật, đau ốm phải nằm viện điều trị, tuy nhiên, chưa bao giờ chị Hạnh thấy bất an, lo lắng và tự trách bản thân như bây giờ. “Nhìn thấy con đau mà bất lực, bé đói và thèm sữa nhưng ăn và uống không được vì lưỡi rất đau. Bác sĩ phải truyền đạm để cung cấp dinh dưỡng, giúp nuôi cơ thể cho bé. Mình không thể thay con chịu nỗi đau đó nên bản thân càng thấy đáng trách, nếu mình cẩn trọng hơn trong việc sử dụng điện thì đã không xảy ra tai nạn đáng tiếc này”, chị Hạnh đưa tay lên gạt nước mắt.

Cũng theo lời kể của chị Hạnh, sau khi con trai chị nhập viện tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, các bác sĩ đã tiến hành kiểm tra chấn thương, chống viêm nhiễm, chăm sóc vệ sinh và theo dõi thường xuyên để phòng biến chứng. Mỗi lần đến kiểm tra tình trạng cho bé Nhật, bác sĩ lại động viên và trấn an chị về việc bé cần có thời gian để lớp da hoại tử bong tróc và hình thành các mô mới thay thế. Tuy nhiên, ẩn sâu trong tâm thức của người mẹ trẻ này, một nỗi lo vẫn luôn ngự trị: Hoại tử sẽ lan rộng.

“Bác sĩ bảo mọi thứ sẽ ổn, bé chỉ bị hoại tử và bỏng là quá nhẹ so với tình huống bị điện giật như vậy. Tuy nhiên, mình rất lo hiện tượng hoại tử sẽ lan rộng ở lưỡi và cuống họng. Mong cho con mau lành bệnh để tiếp tục đến trường!”, chị Hạnh  nghẹn ngào.

Bác sĩ Nguyễn Trần Nam (Bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM)

Trên thực tế, có rất nhiều tai nạn xảy đến với trẻ mà nguyên nhân chủ yếu là do sự bất cẩn từ cha mẹ. Một số tai nạn từ nước, lửa, uống nhầm thuốc, chấn thương do leo trèo… đặc biệt là tai nạn do điện giật có thể dẫn đến những hệ lụy, biến chứng khó lường, thậm chí có thể gây tử vong cho trẻ.

Trường hợp bé Nguyễn Ánh Nhật nhập viện trong tình trạng viêm loét, nhiễm trùng, hoại tử lan rộng ở vùng lưỡi. Nguyên nhân được xác định là do bé ngậm chấu cắm nguồn điện, dẫn đến bị điện giật. Chúng tôi đang tiến hành các biện pháp cần thiết để chống nhiễm trùng, vệ sinh tại chỗ, điều trị giảm đau, đồng thời theo dõi hồi phục của các mô tế bào và  biến chứng có thể có ở tim mạch hoặc chấn thương do ngã…

Để phòng tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy đến với trẻ, phụ huynh không nên cho con chơi một mình; các loại hóa chất dễ cháy nổ, thuốc uống… phải để xa tầm với của trẻ em; đặc biệt, phải sử dụng nguồn điện và các thiết bị điện một cách an toàn. Trong trường hợp bé bị tai nạn do các nguyên nhân trên, phụ huynh cần biết cách sơ cứu tại chỗ, tiếp cận cẩn trọng, nhờ sự hỗ trợ từ những người xung quanh và các cơ quan y tế gần nhất.

 

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm