"Quả bom hẹn giờ của nhân khẩu học" Nhật Bản

Nguyên Bách - CTV
04/02/2020 - 09:29
"Quả bom hẹn giờ của nhân khẩu học" Nhật Bản
Nhật Bản đang đương đầu với thách thức mới của nền kinh tế hiện đại: Tỷ lệ sinh đẻ thấp trong thời gian dài khiến dân số trong độ tuổi lao động giảm. Các nhà kinh tế gọi hiện tượng người già chết đi trong khi người trẻ không muốn lập gia đình và sinh đẻ là “quả bom hẹn giờ của nhân khẩu học”.
Tỷ lệ sinh ở Nhật Bản giảm mạnh

Tỷ lệ sinh ở Nhật Bản giảm mạnh

Để duy trì dân số ổn định, các nước cần tỷ lệ sinh 2,1. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh của Nhật Bản bắt đầu giảm từ cuối thập niên 1970 và rơi xuống mức thấp kỷ lục 1,26 năm 2005, đến năm 2018 là 1,42. Theo Bộ Sức khỏe, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, 7 tháng đầu năm 2019, nước này có 518.590 ca sinh nở, giảm 5,9% so với gần 918.400 ca năm 2018 khiến cuộc khủng hoảng dân số ở nước này trở nên nghiêm trọng hơn. 

"Việc giảm số ca sinh đang diễn ra nhanh hơn so với các dự đoán chính thức. Cuộc khủng hoảng dân số tại nước này là do số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sụt giảm. Con cái của những người sinh ra trong thời kỳ bùng nổ dân số đang ở vào cuối độ tuổi 40, gây sụt giảm mạnh số ca sinh nở", ông Yasushi Mineshima - Phát ngôn viên Viện Nghiên cứu Dân số và An ninh Xã hội Quốc gia nói.

Người già tăng lên

Người già tăng lên

Ngày càng nhiều phụ nữ Nhật Bản quyết định sinh con muộn, thậm chí ngại sinh con vì văn hóa làm việc đòi hỏi sự khắt khe khiến họ khó cân bằng công việc với cuộc sống gia đình. Độ tuổi trung bình của một phụ nữ khi sinh con đầu lòng đã tăng từ 25,6 tuổi năm 1970 lên 30,7 tuổi năm 2018. 

Một nguyên nhân khác là tỷ lệ kết hôn giảm trong khi việc có con ngoài giá thú vẫn bị xã hội phản đối. Nghiên cứu của một công ty Nhật Bản mới tiến hành cho thấy gần 70% đàn ông nước này chưa lập gia đình và 60% phụ nữ chưa lập gia đình không có mối quan hệ nào. Năm 2018, tỷ lệ kết hôn ở nước này là 4,7 trên 1.000 người, giảm hơn một nửa so với những năm 1970. Năm 2015, tỷ lệ những người chưa bao giờ kết hôn ở tuổi 50 đạt 23% đối với nam giới và 14% với phụ nữ, cao nhất trong lịch sử. 

Tỷ lệ người từ 18 đến 39 tuổi chưa bao giờ quan hệ tình dục cũng tăng, với phụ nữ là 24,6% còn đàn ông là 25,8%. Ước tính đến năm 2040, có đến 40% các hộ gia đình Nhật Bản sẽ là những người độc thân.

Đi đôi với điều này là tỷ lệ sinh giảm thiểu đáng kể. Nhà nhân loại học Yoshie Moriki lý giải, những năm 80 và 90, khi Nhật Bản trải qua sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, đàn ông nhiệt tình hơn rất nhiều trong việc tán tỉnh phụ nữ. Tuy nhiên, hai thập kỷ trì trệ kinh tế đã làm thay đổi quan niệm với hôn nhân của thanh niên. "Những người thanh niên trẻ ở độ tuổi 20 và 30 giờ đang kiếm được ít tiền hơn so với thế hệ trước. Nhưng phụ nữ vẫn có khả năng kinh tế tương tự trước đây, điều này khiến nam giới bị nhụt chí", ông Yoshie nói.

Học sinh mầm non ở Nhật Bản

Học sinh mầm non ở Nhật Bản

Các nhà xã hội học cho biết, dân số một quốc gia được giữ ở mức ổn định khi mỗi phụ nữ sinh ít nhất 2 lần trong đời. Dưới ngưỡng đó sẽ dẫn đến tình trạng suy giảm dân số như Nhật Bản hiện nay. Điều đó khiến lĩnh vực tiêu dùng cùng toàn bộ nền kinh tế phải chịu tổn thất. Các nhà kinh tế gọi hiện tượng người già chết đi trong khi người trẻ không muốn lập gia đình và sinh đẻ là "quả bom hẹn giờ của nhân khẩu học". Nhật Bản được coi là một quốc gia "siêu già" với 28% dân số trên 65 tuổi. Dân số Nhật Bản hiện khoảng 126 triệu. Dự đoán, đến năm 2065, dân số nước này giảm xuống còn khoảng 88 triệu.

Thủ tướng Shinzo Abe đến thăm một trường mầm non

Thủ tướng Shinzo Abe đến thăm một trường mầm non

Để đối phó với tình hình trên, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đã đặt mục tiêu tăng tỷ lệ sinh lên 1,8. Chính phủ Nhật Bản đã nỗ lực hết mình vào việc cải thiện cân bằng cuộc sống công việc của phụ nữ bằng cách tăng số lượng các trường mầm non miễn phí, cắt giảm thời gian tại các nhà trẻ ban ngày và cung cấp thêm thời gian nghỉ phép cho các cặp cha mẹ. 

Từ tháng 10/2019, Nhật Bản áp dụng chương trình giáo dục miễn phí có giá trị tới 776 tỷ yen (gần 7 tỷ USD)/năm, sẽ là một trong những chính sách mang tính quyết định nhất của Thủ tướng Shinzo Abe trong lĩnh vực giáo dục, nhằm mở rộng phạm vi dịch vụ an sinh xã hội. Khoản đầu tư chính phủ này ở doanh thu thu được từ việc tăng thuế bán hàng. Theo chương trình này, chính phủ sẽ cung cấp chương trình giáo dục miễn phí cho trẻ em trong độ tuổi từ 3 - 5. Các dịch vụ trông giữ trẻ ban ngày với những trẻ dưới 2 tuổi cũng sẽ miễn phí với các gia đình có thu nhập thấp. 

Việc giảm gánh nặng tài chính trong việc nuôi dạy trẻ nhỏ được coi là chìa khóa để thúc đẩy các cặp vợ chồng sinh con, làm tăng tỷ lệ sinh tự nhiên của đất nước, nhất là trong thời điểm phụ nữ Nhật Bản tham gia ngày càng nhiều vào lực lượng lao động.

Nguồn: CNN, NPR
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm