'Quá vội vàng khi đánh giá tuyển sinh 2015'

24/08/2015 - 15:45
Trên Facebook, GS Ngô Bảo Châu cho rằng, cần thêm thời gian để có thể đánh giá khách quan về sự thành công hay thất bại của kỳ thi Quốc gia năm nay cũng như quá trình tuyển sinh.
Kỳ tuyển sinh đại học đợt một vừa kết thúc. Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng như Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đang bị dự luận phê bình nặng nề. Nhưng theo GS, sẽ là không công bằng nếu dư luận cũng như phụ huynh, học sinh đánh giá một việc ở tầm Quốc gia, liên quan đến triệu con người, dựa trên một sự kiện mang tính cá nhân, như việc một phụ huynh thuê xe cứu thương để kịp rút (hay nộp) hồ sơ cho con.

GS Ngô Bảo Châu viết: “Năm ngoái tôi có phát biểu quan điểm của mình về việc thi tốt nghiệp phổ thông. Lý do làm tôi nghĩ nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông là những biểu hiện thiếu trung thực ở kỳ thi này trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, tôi nghĩ rằng kiểm tra chất lượng dựa vào một quá trình thì tốt hơn là vào một cuộc thi, cho nên học bạ, điểm học trong năm là đủ để quyết định việc lên lớp và việc tốt nghiệp. Bây giờ tôi vẫn nghĩ như thế.

Tôi thấy cần phải ghi nhận cố gắng của Bộ GD&ĐT trong việc đảm bảo cho sự trung thực của kỳ thi năm nay. Nếu so sánh với những năm trước, có thể coi đây là một thành tích đáng kể.

Việc thông báo điểm, phương cách chọn trường của các thí sinh, tuyển sinh của các trường đại học, gặp một số trục trặc gây ra nhiều mệt mỏi thậm chí tâm lý hoảng loạn ở một số thí sinh và phụ huynh. Chắc chắn những năm tới, Bộ GD&ĐT sẽ phải cải tiến nền tảng công nghệ, phương án kỹ thuật nếu tiếp tục duy trì việc sử dụng kết quả kỳ thi Quốc gia cho việc tuyển sinh đại học”.

Tôi thấy cần phải ghi nhận cố gắng của Bộ GD&ĐT trong việc đảm bảo cho sự trung thực của kỳ thi năm nay. Ảnh: Internet
GS Ngô Bảo Châu cũng nhận xét: “Bộ trưởng Luận có một vài phát biểu thiếu khôn ngoan, gây phản ứng trong dư luận, mà tiêu biểu là những ẩn dụ mang màu sắc súng đạn, nhưng không thể không ghi nhận những cải cách tích cực của ông".
 
Và việc GS tán thành nhất là những quyết định đóng cửa bớt những khoá đào tạo tại chức kém chất lượng, cơ bản là bán bằng, lập lại việc tuyển thẳng học sinh giỏi vào đại học ở các ngành học tương ứng và cơ bản hơn, việc trao quyền tự chủ cho các trường đại học đang được triển khai từng bước.

“Người làm chính trị chắc chắn phải biết đối mặt với dư luận. Về phía dư luận, tôi nghĩ rằng trước khi phê bình chính quyền cũng nên đặt mình vào ví trí của họ xem mình thực sự có thể làm tốt hơn hay không. Khi phê bình những gì chính quyền làm chưa tốt, cũng nên ghi nhận những gì họ làm tốt, hoặc làm tốt hơn trước…” – GS Ngô Bảo Châu chia sẻ quan điểm.
 
Bài viết này của GS Châu đã nhận được 5,5 nghìn lượt like, 96 bình luận và 478 lượt chia sẻ.

Bình luận về bài viết này, Facebook Tran Doan Thanh đã bày tỏ quan điểm của mình: GS nói hoàn toàn đúng, bản thân em cũng đã hắt nước theo mưa khi không theo dõi kỹ, nhưng sau khi tìm hiểu thì em thấy rằng cần phải đánh giá toàn diện và cụ thể hơn chứ không theo báo chí được. Em cho rằng, chủ trương là đúng, nhưng cách thực hiện thì cần đánh giá thêm, nếu rút kinh nghiệm tốt cho lần này thì đây sẽ là một bước tiến lớn cho giáo dục nước nhà.
Một phụ huynh bật khóc khi biết điểm của con mình vẫn đủ điều kiện NV1. Ảnh: Tuổi Trẻ
Cùng quan điểm này, Facebook Phan Lặng Yên cho rằng: Thực tế thì việc phụ huynh lẫn học sinh chạy đôn chạy đáo mất công mất việc là cái giá họ tự chọn. Những năm trước, số thí sinh thiếu 0.25 - 0.5 đ rớt rất nhiều, thay vì ăn món "cơm hẩm" NV2 thì năm nay, các thí sinh có thể chạy tất tả vào NV1 trường khác.
 
Tuy nhiên, cũng có những độc giả tỏ ra không đồng tình với quan điểm của GS Châu. Trong số những lượt bình luận trên Facebook của GS, một cô giáo đã thẳng thắn: Bỏ thi đại học, vẫn thi tốt nghiệp phổ thông mà bảo là chủ trương đúng thì cánh giáo viên tụi tôi không tán thành!

Có hội đồng coi thi địa phương dễ dãi, sau buổi thi phải huy động hàng chục người đi gom quét được cả xe phao thi, rồi điểm cộng vùng miền nhiều (3-4đ) thì hỏi có công bằng không? những sinh viên trúng tuyển "oan" thế sau ra làm việc thế nào?

Giáo viên này cho hay, đại đa số giáo viên được hỏi đều đưa ra kiến nghị bỏ thi tốt nghiệp, chỉ cần dựa vào kết quả học tập rồi xét tốt nghiệp thì các trường dám cho lưu ban học sinh yếu kém. Còn như 2 năm nay, các trường toàn tâng điểm lên cho học sinh rất nhiều để đi thi.

Facebook Đặng Duy Linh thì cho rằng, đánh giá quá trình học để xét tốt nghiệp thì sẽ làm nền giáo dục không trung thực này trở nên không trung thực hơn nữa, cái này ngấm vào các cấp, từ thấp đến cao.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm