Bất ngờ du khách ngồi giữa đường ray tàu hỏa uống cà phê
Mấy ngày gần đây, quán cà phê tại ngõ 10 Điện Biên Phủ (Ba Đình, Hà Nội) bỗng trở nên nổi tiếng khi là một điểm đến của nhiều du khách nước ngoài. Đến đây, họ được trải nghiệm cảm giác khó tả khi ngồi uống cà phê ngay trên đường ray tàu hỏa. Hình ảnh du khách thích thú ngồi uống cà phê trên đường ray nhanh chóng được lan tỏa rộng rãi trên Internet.
Quán được mở từ một ngôi nhà nằm cạnh đường tàu, cách ga Hà Nội khoảng 1 km. Vì tàu chạy qua khu vực này là tàu chậm, chủ quán bố trí bàn ghế cho khách chủ yếu là loại gấp, có thể thu gọn và di chuyển khi tàu chạy qua. Một số du khách cho rằng ngày thường khi không có tàu chạy qua, chủ quán mới kê bàn ghế để khách ngồi trên đường ray. Nếu vào dịp cuối tuần, khi có tàu thì toàn bộ khách sẽ được mời vào trong nhà.
Chiều 11/12, ông Trần Doãn Đoàn – Trưởng Công an phường Điện Biên (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Nhận được thông tin phản ánh, chúng tôi đã cho người xuống xử lý, bắt chủ quán dọn dẹp bàn ghế và ký cam kết không tái phạm lấn chiếm lòng đường, ảnh hưởng hành lang an toàn giao thông”. Theo ông Đoàn, công an phường vẫn đi kiểm tra thường xuyên và tình trạng đó không còn tái diễn. Ông Đoàn cho biết thêm, sáng nay, một đoàn kiểm tra của TP Hà Nội cũng đã xuống kiểm tra.
Sau khi đoàn liên ngành đi kiểm tra, quán cà phê vẫn mở cửa hoạt động nhưng không còn bố trí bàn, ghế trên đường ray tàu hỏa. Chủ quán cũng cho nhân viên đi xóa những dòng chữ viết bằng tiếng Anh trên cửa quán để đảm bảo mỹ quan. (Nguồn: Dân Việt).
Barie ngăn xe máy lên vỉa hè ở Hà Nội
Thời gian qua, vỉa hè một số tuyến phố ở Hà Nội được lắp hàng rào chắn để ngăn xe máy, ôtô đi lên, dành không gian cho người đi bộ.
Khoảng hơn 10 mét vỉa hè phố Nguyễn Thái Học (gần Văn Miếu Quốc Tử Giám) được lắp rào chắn sơn trắng, cao khoảng 80 cm, tạo không gian cho người đi bộ. Cách đây hơn một năm, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng đã tiến hành lắp barie trên phố Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa). Phố Lê Duẩn (đoạn bao quanh Công viên Thống Nhất) cũng được lắp barie hơn một năm nay. Đường Ngọc Hồi đoạn giao với Vành đai 3 trước cửa bến xe Nước Ngầm được lắp barie trên vỉa hè. Các cọc rào ở đây được sơn trắng, cao khoảng 50 cm.
Ông Nguyễn Công Hùng (quận Đống Đa) cho rằng việc lắp barie ở một số tuyến phố đã có kết quả tích cực; ngăn chặn được tình trạng phương tiện tràn lên vỉa hè, gây mất an toàn giao thông. Tuy nhiên, một hộ dân trên đường Tôn Đức Thắng cho biết, đa số các đoạn vỉa hè đều có hộ dân phía trong, vì vậy lắp hàng rào chắn sẽ chặn đường vào nhà. "Việc lắp barie là cần thiết, nhưng thành phố phải có phương án phù hợp tạo lối đi lại cho hộ dân trên tuyến phố", người dân nói. (Nguồn: VnExpress).
Nhà Gương trong công viên Thống Nhất lột xác đến ngỡ ngàng
Được sự đồng ý của thành phố Hà Nội, họa sỹ Nguyễn Thu Thủy - tác giả Con đường gốm sứ đã tiến hành cải tạo, chỉnh trang nhà Gương thành một công trình nghệ thuật với gốm. Với diện mạo mới này, nhà Gương hứa hẹn sẽ là nơi check in lý tưởng cho giới trẻ Hà Nội trong thời gian tới.
Tòa nhà có chu vi dài 60m, cao trung bình 6m, chỗ cao nhất là 7,2m, chỗ thấp nhất 4,8m. Bức tường chạy bao quanh hình tròn vỏ ốc, chỉ có hai ô cửa sổ lớn và 3 khe cửa giật cấp để lấy ánh sáng và thoáng khí nên rất lý tưởng cho việc trang trí bằng tranh gốm. Chính vì thế, nữ họa sỹ đã hình thành ý tưởng trang trí tòa nhà theo chủ đề Đại dương để làm sao để truyền cảm hứng và tình yêu biển đảo cho các em thiếu nhi.
Theo ước tính đã có tổng cộng có hơn 2 triệu viên gốm nhỏ với đủ tone màu rực rỡ được gắn lên nhà Gương. Tổng diện tích gốm được gắn lên tường bên ngoài, bên trong và sàn nhà Gương lên đến 812m2, trong đó mỗi mét vuông gốm gồm 2.500 viên gốm mosaic nhỏ cỡ 2cm x 2cm.
Nhà Gương hay còn được gọi Nhà Cười nằm trong khuôn viên công viên Thống Nhất được Chính phủ Tiệp Khắc xây tặng Thành phố Hà Nội từ năm 1979. Những bước chân dò dẫm khám phá trong mê cung của 50 tấm gương gây ảo ảnh lạc lối được lưu giữ trong ký ức tuổi thơ của hầu hết mọi người khi còn là trẻ thơ được bố mẹ đưa đi chơi Công viên Thống nhất.
Tuy nhiên, những năm gần đây, nhà Gương này bị xuống cấp nghiêm trọng, các tấm gương mờ xỉn, lớp vữa tường trong và ngoài nhà Gương bong tróc, ẩm mốc, mái bị dột khiến nhiều người dân Hà Nội không còn thích thú tìm đến đây. (Nguồn: Đại đoàn kết).