Bà là người có tầm nhìn chiến lược sâu sắc trong công cuộc thực hiện di ngôn chính trị của chúa tiên Nguyễn Hoàng, qua cuộc hôn nhân với quốc vương Chân Lạp Chey Chetta II.
Do điều kiện tư liệu, nên tiểu sử của vị công nữ đã từng là thái hậu của vương quốc Chân Lạp, chưa được viết đầy đủ. Chỉ biết bà kết hôn với quốc vương Chân Lạp từ năm 1620, đến năm 1628, quốc vương qua đời, bà được tôn làm thái hậu và trong những năm cuối đời bà về Sài Côn (tên gọi cũ của Sài Gòn) rồi lên núi Chứa Chan (Biên Hoà) dựng chùa ẩn tu cho đến lúc qua đời.
Gần đây, ở khu vực hai làng Dã Lê Chánh và Dã Lê Thượng (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên – Huế) một số tư liệu liên quan đến công nữ Ngọc Vạn được phát hiện (mồ mả, miếu thờ với sắc phong, bia mộ, bài vị…) cùng tập tục thờ cúng Tống Sơn Quận chúa Nguyễn Thị Ngọc Vạn do dân chúng hai làng bảo lưu, gìn giữ và tế lễ thường niên.
Phối kiểm tư liệu mới phát hiện kết hợp với tư liệu có từ trước, chúng ta thấy rõ hơn công lao đối với dân tộc của một liệt nữ, được mệnh danh là Huyền Trân công chúa của phương Nam.
Hơn 50 năm ở ngôi thái hậu, sau khi chồng là quốc vương Chey Chetta II qua đời, mặc dù không chính thức có quyền lực can dự vào công cuộc trị nước của triều đình Chân Lạp luôn biến động, nhưng trên thực tế do uy tín và ảnh hưởng cá nhân của bà đối với triều đình và thần dân Chân Lạp, sự can thiệp của thái hậu Ngọc Vạn thường đóng vai trò mang tính quyết định trong một số cuộc tranh ngôi báu giữa hoàng thân hoàng tử Cao Miên với mục tiêu củng cố mối quan hệ thân hữu hòa bình giữa hai nước. Cuối cùng chính quyền Đàng Trong được đền đáp xứng đáng bằng đất đai từ phía phe thắng thế; đồng thời giúp cho Chân Lạp thoát khỏ âm mưu Đông tiến của người Xiêm. Chính vì thế, mà sau khi bà qua đời ít lâu, năm 1698 chúa Nguyễn sai Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược, xác lập chủ quyền của người Việt với hai trấn mới Trấn Biên và Phiên Trấn đến tận bờ sông Tiền.
Và cứ theo kế sách tằm ăn dâu này, đến năm 1757 toàn bộ đất Nam bộ, một phần ba diện tích đất nước hòa nhập cương vực của Tổ quốc Việt Nam, là công lao trời biển của bao thế hệ tiền nhân; trong đó có phần góp công không nhỏ của bậc anh thư tài trí “Tống Sơn Quận chúa Ngọc Vạn” suốt cả đời quên mình hy sinh cho sự nghiệp mở mang đất nước bền vững cho dân tộc.
Có thể nói rằng, tầm nhìn chiến lược của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” đã giúp cho Nguyễn Hoàng có được sự khởi đầu thuận lợi và với “Di ngôn chính trị” để lại cho đời sau. Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, người khởi đầu thực hiện di ngôn này, để “xây dựng cơ nghiệp muôn đời”. Sự dấn thân trong sự nghiệp của mình, Sãi vương đã được ái nữ Ngọc Vạn chia sẻ và đồng hành với ứng phó thông minh sáng tạo trước mọi tình huống và một đức hy sinh cao cả.
Số tư liệu mới phát hiện, mặc dù có nhiều điểm cần tiếp tục xác minh, nhưng với ngôi mộ (cũng có thể là mộ cải táng), miếu thờ với thần chủ và nhất là sắc phong với danh hiệu Tống Sơn Quận chúa, dứt khoát là dành cho công nữ Ngọc Vạn chứ không phải ai khác.
Tiếc thay cho đến nay trong cả nước, nhất là Nam bộ, mảnh đất do công nữ Ngọc Vạn góp phần khai mở, ngoại trừ ngôi phế tháp Phổ Đồng (ở chùa Kim Cang, xã Tân Phước, thị xã Vĩnh An, tỉnh Đồng Nai), chưa có một công trình tưởng niệm tương xứng nào khắc ghi công lao to lớn của bà, gọi là đền ơn đáp nghĩa, để hậu thế tri ân và chiêm bái.