Quan điểm của V.I.Lênin về vai trò phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng XHCN

Phương Linh
22/04/2020 - 07:00
Quan điểm của V.I.Lênin về vai trò phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng XHCN

Năm 1895, Lênin cùng vợ là Nadezhda Krupskaya và các cộng sự đã thành lập Liên minh đấu tranh giải phóng giai cấp công nhân.

Cuộc Cách mạng Tháng Mười năm 1917 có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn, để lại những bài học kinh nghiệm quý giá, trong đó có những vấn đề giải phóng nhân loại, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, đặc biệt là giải phóng phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trong thực tiễn đời sống chính trị-xã hội… Đây cũng là một trong những đóng góp vĩ đại của Chủ nghĩa Mác-Lênin đối với sự phát triển của khoa học giới trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng.

Lợi thế cách mạng liên quan chặt chẽ với sự bình đẳng nam-nữ

Ngay trong những ngày đầu lãnh đạo cách mạng vô sản Nga, V.I.Lênin luôn đánh giá cao vai trò phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa (XHCN). V.I.Lênin đã chỉ ra rằng, sự bất công đối với nữ công nhân, biểu hiện rất rõ trong tiền lương: “…họ cùng làm ở công xưởng 10 giờ một ngày, nhưng chỉ được tất cả có 1,10-1,50 mác (nam giới thì được 2,50-2,75 mác) và nếu trả công theo sản phẩm thì họ được 1,7-2,0 mác”(1).  “Sự bất bình đẳng đối với phụ nữ là sự bất bình đẳng “kép”, ngoài xã hội, phụ nữ “không có quyền gì cả vì pháp luật không cho họ có quyền bình đẳng với nam giới”, còn trong gia đình thì họ là “nô lệ gia đình”, bị nghẹt thở dưới cái gánh những công việc bếp núc nhỏ nhặt nhất, lam lũ nhất, khổ cực nhất, làm cho mụ người nhất”(2).

Kế thừa và vận dụng quan điểm của Các Mác, V.I.Lênin cho rằng, kinh nghiệm của các phong trào giải phóng chứng tỏ rằng, lợi thế cách mạng liên quan chặt chẽ với sự bình đẳng nam-nữ. Theo Người, để giải phóng xã hội đồng thời giải phóng phụ nữ trong điều kiện chính quyền đã về tay giai cấp công nhân liên minh với nông dân và trí thức thì điều kiện cần thiết và quan trọng là phải thực hiện những bước quá độ để xây dựng cơ sở kinh tế cho một xã hội XHCN. Sự nghiệp giải phóng phụ nữ gắn liền với sự nghiệp giải phóng giai cấp và giải phóng xã hội. Người cũng nhấn mạnh, phụ nữ phải được bảo đảm về quyền bầu cử và ứng cử vào các cơ quan nhà nước. Giai cấp công nhân và sự nghiệp của giai cấp vô sản, phấn đấu giành quyền bầu cử cho phụ nữ là một bước quan trọng trong sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Phải bầu phụ nữ vào các xí nghiệp, bổ nhiệm phụ nữ vào các ban thanh tra, các thẩm phán… Người kêu gọi hãy bầu nhiều công nhân nữ hơn nữa, “miễn sao họ là công nhân trung thực, biết làm việc có tình, có lý và tận tâm…”(3).

Với nhận thức như vậy, V.I. Lênin đã có nhiều chủ trương thúc đẩy từng bước thực hiện sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Theo V.I. Lênin, để tiến tới giải phóng phụ nữ, cần phải thực hiện các chính sách sau: Một là, hủy bỏ pháp luật tư sản, ban hành pháp luật mới, tôn trọng quyền bình đẳng nam nữ. Hai là, không chỉ giải phóng phụ nữ bằng pháp luật, để phụ nữ thực sự bình đẳng, có quyền tham gia quyết định vận mệnh của đất nước mình, phải đưa phụ nữ trực tiếp tham gia quản lý đất nước, xây dựng, củng cố quốc phòng. Ba là, không chỉ giải phóng phụ nữ ở ngoài xã hội mà còn giải phóng họ ngay trong gia đình, vì chính nơi đây gánh nặng công việc nội trợ đè lên vai họ, làm cho họ không thể phát triển như nam giới.

Như vậy, lý luận về giải phóng con người, giải phóng phụ nữ của Chủ nghĩa Mác- Lênin không chỉ thấm đượm bản chất nhân văn, nhân đạo sâu sắc mà còn vượt lên tầm cao mà trước đó tư tưởng của nhân loại chưa thể vươn tới, đó là quan điểm duy vật lịch sử coi con người là thực tiễn, là chủ thể duy nhất có khả năng nhận thức và cải tạo thế giới.

Quan điểm của V.I.Lênin về vai trò phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng XHCN - Ảnh 1.

Lênin có bài phát biểu từ khán đài trên Quảng trường Đỏ trước đông đảo quần chúng và các đồng chí năm 1920.

Những kết quả tích cực từ việc giải phóng phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam

Giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga cũng như những quan điểm của Lênin về giải phóng phụ nữ, thực hiện bình đẳng nam-nữ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu, vận dụng sáng tạo trong cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội XHCN ở Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định, trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Trong sự nghiệp xây dựng CNXH, nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng CNXH chỉ một nửa.

Việc thực hiện thành công giải phóng phụ nữ trong Cách mạng Tháng Mười Nga, từ lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là cơ sở quan trọng để Đảng ta đề ra những quan điểm, chủ trương, Nhà nước đề ra đường lối, chính sách pháp luật về giải phóng phụ nữ, về bình đẳng giới. Năm 2010, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020. Mục tiêu tổng quan của chiến lược này nêu rõ: Đến năm 2020, về cơ bản, bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Những điểm nhấn trong các mục tiêu cụ thể bao gồm: Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; Bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hóa và thông tin; Bảo đảm bình đẳng giới trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới…

Quan điểm của V.I.Lênin về vai trò phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng XHCN - Ảnh 2.

Ngày 16/4/1917 (3/4 theo lịch Nga cũ), Lênin từ Phần Lan trở về Nga để lãnh đạo phong trào cách mạng. Hàng vạn quần chúng đã tổ chức tuần hành, míttinh để chào đón người con ưu tú của nước Nga tại nhà ga Phần Lan ở thành phố Petrograd (trong ảnh). Tại đây, Lênin trình bày Luận cương Tháng Tư, một văn kiện mang tính cương lĩnh đề ra đường lối giành chiến thắng cho cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa với khẩu hiệu Tất cả chính quyền về tay các Soviet!” (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Theo đánh giá của Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ, trong những năm gần đây, việc giải phóng phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới nói chung ở Việt Nam được đặc biệt quan tâm và có những kết quả tích cực. Hiện nay, tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội khóa XIV đạt 26,8% tăng 2,71% so với khóa XIII. Có 25 tỉnh, thành phố có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt trên 30%... Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, phụ nữ Việt Nam tiếp tục chứng minh là lực lượng quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, tham gia bảo đảm an ninh-chính trị của đất nước. Đã xuất hiện nhiều nữ Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, hàng nghìn phụ nữ được vinh danh trong các đại hội thi đua yêu nước toàn quốc.

Bên cạnh đó, Luật Lao động đã được sửa đổi, điều chỉnh, quy định sự đối xử bình đẳng và cơ hội bình đẳng, giữa nam và nữ trong vấn đề việc làm. Cùng với việc tham gia vào hầu hết các ngành nghề, công việc, kể cả những lĩnh vực trước đây dường như chỉ dành cho nam giới, nữ giới đã có đóng góp lớn vào thành tựu sản xuất, phát triển kinh tế…

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga là sự kiện trọng đại trong lịch sử nhân loại. Từ đây, nhân loại bước sang một trang sử mới, hướng tới mục tiêu cao đẹp của CNXH về một thế giới hòa bình, không còn chế độ người bóc lột người, phụ nữ được giải phóng và bình đẳng giới được thực hiện trên cả chiều rộng và chiều sâu.

Quan điểm của V.I.Lênin về vai trò phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng XHCN - Ảnh 2.

(Nguồn: qdnd.vn)

(1) V.I.Lênin, Toàn tập, tập 5, Nxb Tiến bộ, Moscow, 1975, tr.198.

(2) V.I.Lênin, Toàn tập, tập 42, Nxb Tiến bộ, Moscow, 1977, tr.163-164.

(3) V.I.Lênin, Toàn tập, tập 40, Nxb Tiến bộ, Moscow, 1977, tr.183.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm