Xác định rõ ràng việc chi tiêu
Trước tiên bạn cần biết rõ hàng ngày mình làm gì và tiêu tiền như thế nào; thu nhập của bạn có được từ những nguồn nào và bạn cần đầu tư vào đâu. Những khoản tiền cố định như tiền ăn, tiền cà phê, mua sắm đồ dùng... nên được để riêng. Số tiền còn lại cần được bạn lên kế hoạch cho những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Không xác định trước các khoản tiền mà mình sẽ dùng dễ dẫn tới việc tiêu xài lãng phí.
Có khoản tiền dự phòng cố định
Nếu như bạn không muốn mình lâm vào cảnh khó khăn về tài chính khi gặp phải sự cố bất ngờ, thì hàng ngày hoặc hàng tháng trích ra một ít tiền để:
- Chuẩn bị cho trường hợp khẩn cấp
Cuộc sống đôi khi xuất hiện những tình huống bất ngờ có thể làm bạn không kịp trở tay, nhưng hãy chuẩn bị tốt về mặt tài chính để ứng phó tốt hơn. Có thể người thân của bạn ở nước ngoài đang ốm nặng cần bạn bay sang đó với họ ngay; hay bạn không may đánh rơi ví cùng toàn bộ tiền lương một tháng của mình; hoặc có khi chỉ đơn giản là những việc ma chay hiểu hỷ, bạn cũng cần đến một khoản tiền dành cho những lúc đột xuất cần đến.
- Giảm nợ nần
Nếu bạn vay một khoản tiền để dùng trước vào việc gì, đặc biệt là tiền vay có sinh lãi suất hoặc số tiền vay nhiều hơn thu nhập bạn kiếm được, thì bạn nhất định phải dành ra một khoản trong số tiền bạn có hàng tháng để trả nợ. Tránh trường hợp khi người cho vay đến đòi tiền nợ bạn phải vét sạch túi để trả.
- Đề phòng tổn hại
Con người hay đồ vật cũng sẽ có lúc rơi vào tình trạng không tốt và cần được phục hồi. Những lúc bạn ốm đau, bệnh tật cần chữa trị trong thời gian dài, hoặc khi nhà cửa, xe cộ có dấu hiệu hư hại, hỏng hóc cần được sửa chữa, bảo dưỡng... khoản tiền dự phòng sẽ là cứu trợ giúp bạn không phải lo lắng.
Tích lũy tiền của
Ngoài việc dự phòng tình huống bất ngờ, bạn cũng nên dành một khoản tiền cho việc đầu tư phát triển, giúp kinh tế của chính mình thêm vững vàng, ổn định. Hãy cân nhắc khả năng có thêm lợi nhuận và rủi ro khi bạn đầu tư vào một lĩnh vực nào đó để tài chính của mình không chỉ được an toàn mà còn tăng tiến.