Quan niệm về hạnh phúc trong Phật giáo

15/03/2016 - 15:59
Chào mừng ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3), sáng 15/3, tại TƯ Hội LHPNVN đã diễn ra buổi nói chuyện chuyên đề về “Giá trị hạnh phúc”.
Tham dự  buổi nói chuyện có Phó chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà và diễn giả chính là Đại đức Thích Quảng Phú, trụ trì chùa Kim Long (Thạch Thất, Hà Nội) cùng hơn 200 cán bộ, công đoàn viên, hội viên Hội phụ nữ Cơ quan TƯ Hội LHPNVN.
Buổi nói chuyện lý giải về nguồn gốc, ý nghĩa ngày Quốc tế hạnh phúc và các nội dung, quan niệm của Phật giáo về hạnh phúc...
Kinh hạnh phúc có 38 phép dạy cho con người sống hạnh phúc
Theo Đại đức Thích Quảng Phú, vào ngày 28/2/2012, Liên hợp quốc quyết định chọn ngày 20/3 hằng năm là ngày Quốc tế hạnh phúc dựa trên đề xuất của Vương quốc Butan - một nước tuy nhỏ bé, đang phát triển nhưng lại có chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới (mức độ hài lòng với cuộc sống cao, tuổi thọ cao và dấu chân sinh thái tốt). Ngoài ra, 20/3 còn là ngày mặt trời nằm ngang xích đạo, có ánh sáng giữa ngày và đêm ngang nhau, cân bằng nhau. Điều này tượng trưng cho sự hài hòa về sáng - tối, nam - nữ, ước mơ – hiện thực, tượng trưng cho một cuộc sống hạnh phúc là được ổn định, cân bằng.
Về quan niệm “hạnh phúc” của nhà Phật, Đại đức Thích Quảng Phú cho biết: “Điều này được thể hiện rõ nhất trong bài Kinh hạnh phúc với 38 phép dạy cho con người sống hạnh phúc”. 38 phép này được chia ra thành 3 cấp độ. Một là dạy cho con người sống hài hòa với môi trường, xã hội xung quanh; Hai là cần phải tu tâm dưỡng tính, không bị tiền tài địa vị danh vọng lôi kéo làm khổ đau, sống khắc kỷ, giữ gìn bản thân, cung kính, khiêm nhường, chọn làm điều chính, tránh điều tà, phải tập nhẫn nại thì hạnh phúc sẽ tự đến. Và khi mỗi cá nhân tu tâm để dứt hết khổ não sẽ đạt được niết bàn…
Diễn giải lời Đức Phật, theo Đại đức Thích Quảng Phú, mỗi người cần hiểu hạnh phúc không tồn tại độc lập, nó chỉ đến khi có nỗi khổ đau song hành. Khi chúng ta nhận diện, biết được khổ đau thì mới cảm nhận được giá trị của hạnh phúc. Phật dạy, cái tâm không được tà, không quan hệ với kẻ xấu, gần mực thì đen gần đèn thì sáng, khi chơi thì chọn bạn mà chơi, chọn bậc trí, hiền, tài, có đức. Khi đến một nơi nào đó, chúng ta phải chọn được đúng chỗ thích hợp cho mình. Khi nói sẽ nói những lời thích hợp. Khi chọn nghề nghiệp thì phải giỏi, nhất nghệ tinh, nhất thân vinh, phải giỏi nghề mới phục vụ mình, mang lại hạnh phúc cho mình, cho người được. Khi sống trong xã hội cũng cần phải thông suốt các luật lệ lễ nghi, làm ở đâu thì phải theo quy định ở đó, nếu làm ngược thì khổ đau sẽ đến. Phải biết bố thí, hành pháp, giữ chính mạng trong đời. Bố thí là biết giúp đỡ người khác, quan tâm chăm sóc người khác, đem tâm chia sẻ bớt cho hoàn cảnh khó khăn, giúp ích cho những người xung quanh. Hạnh phúc là không chỉ biết nhận, nếu chỉ "nhận" là mong manh, nhất thời. Hạnh phúc bền lâu là cần phải "cho đi"...
Theo Đại đức Thích Quảng Phú: "Phật dạy, để sống hạnh phúc là phải biết cho và nhận"
Riêng trong lĩnh vực gia đình, theo Đức Phật, để đạt được cuộc sống hạnh phúc, mỗi cá nhân cần phải hiếu thuận với bậc sinh thành, cung kính mẹ cha, yêu thương vợ chồng con cái, không làm gia đình xáo trộn. Mỗi cá nhân hãy đừng yêu bản thân mình quá mà cần phải yêu thương, tạo ra hạnh phúc cho nhau.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm