pnvnonline@phunuvietnam.vn
Quán quân Sao Mai dùng âm nhạc quảng bá du lịch quê hương
Sèn Hoàng Mỹ Lam sinh ra ở huyện Bảo Thắng, Lào Cai. Bố mẹ cô là những người nông dân đam mê ca hát và tình yêu ấy đã ảnh hưởng sang con cái. Từ khi mới 3 tuổi, Mỹ Lam đã suốt ngày lẩm nhẩm hát một mình, đến nỗi người mẹ còn tưởng con gái bị làm sao, giục chồng đưa con đi khám. Bố cô còn dọa: "không được... xì xà xì xồ như thế, nếu không sẽ cho vào bao tải buộc lại, thả xuống suối". Nhưng bố vừa nhắc xong, cô lại tiếp tục lẩm nhẩm hát.
Năng khiếu và đam mê ca hát chính là "điểm cộng" để Sèn Hoàng Mỹ Lam được đặc cách vào học cấp 3 ở trường Hữu nghị Sơn Tây. Từ đó, cô thi vào trường Cao đẳng Nghệ thuật Thái Nguyên rồi về Hà Nội học Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Theo học tại những cái nôi đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp, cô như cá gặp nước, được phát huy khả năng của mình. Từ khi còn là sinh viên, Mỹ Lam đã được thầy cô đánh giá cao về chất giọng cũng như khả năng biểu diễn. Cô tham gia nhiều sân chơi chuyên nghiệp và giành giải như giải Ba cuộc thi Tiếng hát hay Hà Nội, giải Nhì cuộc thi Tài năng trẻ ca múa nhạc toàn quốc...
Cái tên Sèn Hoàng Mỹ Lam chỉ thực sự được nhắc đến trong làng ca nhạc vào năm 2017, khi cô tham gia cuộc thi Sao Mai và giành Quán quân dòng dân gian. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 20 năm của giải Sao Mai có một giọng ca vùng Tây Bắc đăng quang ngôi vị cao nhất. Sau giải thưởng danh giá này, Sèn Hoàng Mỹ Lam xác định mở rộng thị trường, không chỉ bó buộc vào cái "danh" Sao Mai mà nhiều người mặc định nó là học thuật, khó gần khán giả. Cô vào TPHCM dự thi chương trình truyền hình thực tế Người hát tình ca và đoạt giải Quán quân vào năm 2018. Giọng hát đa thể loại, tư duy âm nhạc nhạy bén, Sèn Hoàng Mỹ Lam đã tạo được những thiện cảm đối với khán giả Sài Thành và được giới chuyên môn nhìn nhận, đánh giá là một gương mặt đầy tiềm năng.
Ca ngợi vẻ đẹp Tây Bắc bằng âm nhạc
Sèn Hoàng Mỹ Lam chia sẻ: Tuổi niên thiếu của cô được tắm trong không gian thiên nhiên tươi đẹp, trong lành của rừng núi Tây Bắc. Đó là những buổi nắng chiều nhuộm vàng những thửa ruộng bậc thang, là những cánh đồng hoa tam giác mạch mơ màng, là những đồi mận trắng nối liền nhau bạt ngàn, là tiếng suối róc rách hòa thanh cùng tiếng chim lảnh lót... Rồi tiếng ru của bà, của mẹ, những câu hát ru của người Nùng, người Tày, người Thái, người Mông... dọc miền Tây Bắc đẹp như cổ tích.
Với cô gái họ Sèn, Tây Bắc luôn là tình yêu sâu đậm, thủy chung. Đến khi lập nghiệp, thành danh ở Hà Nội và TPHCM, tình yêu đó vẫn không thay đổi. Chính vì thế, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, cô đã âm thầm cùng ekip thực hiện dự án âm nhạc Mời anh về Tây Bắc với mục đích quảng bá du lịch miền đất mà cô gắn bó, để ngay sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát là ra mắt khán giả.
Album Mời anh về Tây Bắc gồm 8 ca khúc được các nhạc sĩ viết riêng cho Mỹ Lam, chưa từng ai hát trước đó. Đó là những ca khúc khai thác chất liệu dân gian của các tỉnh vùng Tây Bắc cùng với nội dung ngợi ca vẻ đẹp của thiên nhiên và con người nơi đây như Lào Cai thành phố trên mây (nhạc Nguyễn Tùng, lời Hoàng Hồng Ngọc), Sơn La – Tình ca phiên chợ ngày xuân (Nguyễn Tùng), Về Yên Bái múa điệu Xòe hoa (Nguyễn Thanh Minh)... Sèn Hoàng Mỹ Lam với giọng hát trong trẻo, cao vút, mang đậm âm hưởng dân gian Tây Bắc khi cất lên những ca khúc ngợi ca quê hương mình, thực sự tạo thành những thanh âm tươi trẻ, nồng say và đầy quyến rũ.
Bên cạnh CD, ca sĩ họ Sèn cũng phát hành MV Mời anh về Tây Bắc. Ca khúc này là một sáng tác của nhạc sĩ Hà Quang Anh, ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên và con người vùng cao Tây Bắc với âm nhạc đặc trưng mà chỉ cần giai điệu cất lên là người ta nhận ra ngay đó là chất liệu âm nhạc của vùng này. Những hình ảnh đẹp như tranh vẽ trong MV cùng câu chuyện tình yêu dễ thương của cô gái vùng cao như một lời mời gọi du khách đến với miền đất Tây Bắc.