pnvnonline@phunuvietnam.vn
Quan tâm tới tiền công, phụ cấp cho người tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19
Lực lượng tham gia hoạt động lấy mẫu xét nghiệm, tiêm chủng COVID-19. Ảnh minh họa: KT
Chiều 2/12, Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức phiên họp mở rộng để nghe Bộ Y tế báo cáo về việc trình một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù trong phòng chống dịch COVID-19; tiến độ xây dựng và trình Quốc hội các dự án luật năm 2022.
Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết: Về nhân lực tham gia tiêm chủng, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị người nhiễm COVID-19, Bộ Y tế đã huy động lực lượng tham gia xét nghiệm trên diện rộng, tăng cường các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19. Trong đó có nhiều trường hợp thực hiện các nhiệm vụ không phù hợp, thậm chi trái với phạm vi hành nghề được ghi trong chứng chỉ hành nghề. Cụ thể như học sinh, sinh viên chuyên ngành y là đối tượng chưa có chứng chỉ hành nghề tham gia các hoạt động lấy mẫu xét nghiệm, tiêm chủng COVID-19, chăm sóc người bệnh COVID-19...
Theo ông Trần Văn Thuấn, các hoạt động nêu trên chưa phù hợp với quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Do đó, để giải quyết thực tiễn, kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép Bộ Y tế và các địa phương được điều động, sử dụng nhân lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 mà không phụ thuộc vào phạm vi hành nghề và phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề.
Về chính sách tiền lương, tiền công, phụ cấp và chế độ chính sách đối với người được điều động tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đã chỉnh lý quy định tại Điều 7 của Nghị quyết theo hướng quy định về nguyên tắc chi trả tiền lương, tiền công, phụ cấp và chế độ chính sách đối với người được điều động tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 và giao Chính phủ hướng dẫn thi hành.
Thảo luận tại phiên họp, về vấn đề về nhân lực tham gia tiêm chủng, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị người nhiễm COVID-19, một số đại biểu đề nghị cần làm rõ thẩm quyền cho phép việc điều động những nhân lực này? Nếu có sự cố y khoa xảy ra với các nhân lực này thì sẽ xử lý ra sao? Nhiều trường hợp tham gia thực hiện công việc mà bị lây nhiễm hoặc hi sinh thì chế độ sẽ như thế nào?
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, các ý kiến của các đại biểu đồng tình với việc ban hành Nghị quyết về thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên Nghị quyết này là văn bản có tính quy phạm cao, đối tượng áp dụng rộng, do đó cần xác định rõ phạm vi cơ chế chính sách; đối tượng áp dụng, phạm vi điều chỉnh; cần nhất quán, mạch lạc các nội dung.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nêu rõ, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc lấy ý kiến đối tượng tác động chưa nhiều, đề nghị Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện thêm hồ sơ, trong đó tiếp thu góp ý của các đại biểu tại buổi làm việc; bổ sung đánh giá tác động về tài chính, về tổ chức thực hiện...