pnvnonline@phunuvietnam.vn
Quảng Ninh: Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế
Cán bộ Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh và Hội LHPN huyện Bình Liêu thăm, tặng quà gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn Chìu Si Múi (thôn Khe Mọi, xã Đồng Văn).
Chị Chìu Si Múi, thôn Khe Mọi, xã Đồng Văn cho biết, gia đình mình mới đây đã được ở trong căn nhà mới vững chãi, thay cho ngôi nhà lụp xụp bấy nhiêu năm qua từ nguồn kinh phí chương trình xây dựng Nông thôn mới của huyện, cùng sự giúp đỡ ngày công của phụ nữ trong thôn. "Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN huyện đã đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kinh phí và định hướng cho gia đình phát triển mô hình chăn nuôi, kết hợp trồng trọt. Đây là động lực để gia đình tôi vươn lên thoát nghèo bền vững", chị Múi chia sẻ thêm.
Chị Chang Min Sa, xã Đồng Tâm cho biết, gia đình chị được Hội phụ nữ hỗ trợ nuôi dê sinh sản nên giờ kinh tế đã khấm khá hơn. Nếu trước đây, gia đình phải chạy ăn từng bữa thì nay chị đã lo được việc học hành cho con cái. Con lớn đang học đại học ở Hà Nội. Chị còn mua được xe máy, tậu tivi…
Chị Lài Thị Hiền, Chủ tịch Hội LHPN huyện Bình Liêu, cho biết:"Hàng năm, các cấp hội thực hiện rà soát, thống kê số lượng hộ phụ nữ nghèo và hộ nghèo có phương án hỗ trợ phát triển kinh tế; tăng cường các phong trào thi đua nhằm phát huy vai trò nòng cốt trong giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc của địa phương".
Cán bộ Hội các cấp đã "đi từng ngõ, gõ từng nhà" nắm tình hình, lập sổ theo dõi, tư vấn cho các hộ về kiến thức phát triển kinh tế gia đình, chủ động xây dựng mô hình phù hợp. Hội LHPN huyện trực tiếp định hướng và phát triển 22 mô hình phát triển kinh tế (trồng miến dong, hồi, sở; nuôi dê sinh sản; nuôi gà thương phẩm); phối hợp duy trì các tổ vay vốn tại cơ sở; tín chấp các nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế của Hội LHPN tỉnh; giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho hội viên, phụ nữ…
Trong 5 năm qua, các cấp hội phụ nữ huyện đã giúp đỡ 620 hộ phụ nữ thoát nghèo có địa chỉ, góp phần đẩy lùi tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chủ động vươn lên thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện.
Hằng năm, các cấp hội phụ nữ huyện chủ động kết nối các nguồn lực xã hội hóa hỗ trợ hộ phụ nữ nghèo xây mới, sửa chữa nhà ở cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, đơn thân. Cũng nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân dần được cải thiện.
Ngoài ra, huyện cũng đang duy trì hoạt động hiệu quả 9 mô hình thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, thể dục, thể thao; 22 Câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ truyền thống tại 7/7 xã, thị trấn do phụ nữ tự quản lý. Trong đó, nhiều mô hình, câu lạc bộ mang đậm bản sắc của địa phương, thu hút nhiều hội viên, phụ nữ tham gia, như: Bóng đá nữ, bóng chuyền hơi, hát then - đàn tính, Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc... tạo sân chơi, giao lưu văn hóa lành mạnh, nâng cao đời sống tinh thần cho hội viên, phụ nữ và nhân dân.
Với cách làm thiết thực, sáng tạo, đổi mới hướng hoạt động về cơ sở, các cấp hội phụ nữ huyện, đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, phụ nữ và nhân dân, không ngừng phát huy vai trò của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.