Quay lén "Cô ba Sài Gòn" tại rạp: Xử lý hay cho qua?

14/11/2017 - 15:24
Vụ việc bộ phim "Cô ba Sài Gòn" bị livestream và phát tán trên cộng đồng mạng cũng như giọt nước tràn ly. Tình trạng vi phạm vốn xảy ra như cơm bữa với các phim chiếu rạp, nhưng để xử lý đến nơi đến chốn vẫn là bài toán chưa có lời giải thỏa đáng.

Vi phạm như cơm bữa

Chiều 13/11, một trang mạng xã hội bất ngờ quay trực tiếp (livestream) một cách lén lút bộ phim Cô Ba Sài Gòn ngay trong rạp. Người này khi thực hiện hành vi còn kêu gọi mọi người: “Phim chiếu rạp (Cô ba Sài Gòn). Xem nhanh kẻo xóa nha mọi người”. Ngay lập tức, đoạn livestream này thu hút hơn 5.000 lượt xem trong thời gian chưa đầy 30 phút.

co-ba-ao-dai-jpg-1496287348.jpg
Ngô Thanh Vân vào vai Thanh Mai, truyền nhân thứ 9 của nhà may Thanh Nữ - Ảnh: VAA


Khi sự việc xảy ra, ekip đã phát hiện và trực tiếp nhà sản xuất Ngô Thanh Vân bình luận ngay trong đoạn clip: “Em làm vậy là em đang giết phim Việt đó!”. Sau đó, cô đã phải nhờ ban quản lý rạp cũng như cơ quan công an vào cuộc.
Thủ phạm gây ra sự việc đã bị phát hiện, được yêu cầu làm biên bản. “Hôm nay, tôi có xem phim tại rạp (phim Cô ba Sài Gòn) và có livestream phim, bị nhân viên phát hiện. Và tôi đã xóa ngay sau đó. Tôi cam đoan sự việc trên là có thật và sẽ chịu mọi hình thức xử lý theo quy định pháp luật” - người vi phạm này viết. Hiện, cơ quan công an đang bàn bạc phương án xử lý trước khi các bên cùng thống nhất để đưa ra quyết định cuối cùng.

Việc các bộ phim, đặc biệt phim Việt bị quay lén và phát tán vốn xảy ra như cơm bữa. Phim Việt nào càng hot, càng được nhiều quan tâm từ công chúng càng dễ trở thành nạn nhân của những hình thức vi phạm, mà hiện nay phổ biến nhất là livestream.
Trước đây, có thể kể đến hàng loạt trường hợp như: Em chưa 18, Vòng eo 56, Chạy đi rồi tính, Hương Ga, Mỹ nhân kế... Một bộ phim khác của Ngô Thanh Vân cũng rơi vào tình cảnh éo le này là Tấm Cám: Chuyện chưa kể. Khi đó, một khán giả cũng quay lén phim và phát tán lên mạng xã hội. Sự việc cũng nhanh chóng được phát hiện và xử lý kịp thời.

Không chỉ các phim Việt chiếu tại rạp mà các phim sau một thời gian, được chiếu lại trên truyền hình hay nhiều chương trình truyền hình cũng là nạn nhân của tình trạng vi phạm bản quyền ngày càng gia tăng. Hiện nay, các đơn vị sản xuất đều đau đầu vì những hành vi vi phạm ngày càng tinh vi. Một thước phim hay một chương trình bị vi phạm mức độ phát tán có thể nhanh đến chóng mặt và hậu quả để lại sẽ khôn lường.

Thẳng tay

hopbaocobasaigon28_knwr.jpg
Dàn người đẹp trong buổi ra mắt Cô Ba Sài Gòn


Việc quay lén phim và phát tán trên các trang mạng xã hội hay web xem phim trực tuyến chắc chắn là hành vi vi phạm bản quyền đã được quy định trong luật pháp Việt Nam. Hiện nay, theo quy định tình trạng vi phạm nói trên có 3 hướng giải quyết. Thứ nhất, đó là hình thức kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính như phạt tiền, tịch thu tang vật. Đây là hình thức chủ yếu nhưng mức độ quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Theo quy định tại điều 27, Nghị định 131/2013, hành vi sao chép bản ghi âm, ghi hình mà không được phép của chủ sở hữu, quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình sẽ bị phạt tiền từ 15 - 35 triệu đồng. Trước đây từng ghi nhận một trường hợp trang web xem phim trực tuyến vi phạm và bị xử phạt khoảng 40 triệu đồng.

Thứ hai, hình thức dân sự. Khi phát hiện hành vi vi phạm bản quyền, chủ sở hữu bản quyền có thể khởi kiện đối tượng vi phạm theo quy định. Tuy nhiên, trường hợp này chưa có tiền lệ tại Việt Nam vì các vụ kiện sẽ kéo dài rất lâu và khi có kết quả thì thiệt hại của chủ sở hữu cũng đã rất lớn.
Cuối cùng, mức độ cao nhất như đã nói ở trên là xử lý về mặt hình sự nhưng đòi hỏi bên nguyên đơn (chủ bản quyền) phải chứng minh được quy mô thương mại của việc vi phạm bản quyền. Nếu quay phim lén rồi phát tán gây thiệt hại về kinh tế cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan thì có thể bị xử lý theo điều 170a bộ luật Hình sự. Theo đó, ngoài số tiền phạt cao nhất có thể lên tới 1 tỉ đồng, người phạm tội có thể bị phạt tù tới 3 năm. Hình thức này cũng chưa một lần xuất hiện tại Việt Nam.

Đối với trường hợp của Cô ba Sài Gòn, theo ekip thực hiện: “Việc đã có hơn 5.000 lượt xem thì tổng thiệt hại cho nhà sản xuất có thể đã lên xấp xỉ hơn 250 triệu đồng. Đó là chưa kể những lượt chia sẻ và lưu trữ trong thời gian 30 phút”. Những con số nói trên chỉ là ước chừng, còn thiệt hại thật sự, khó có thể đong đếm cụ thể. 

Việt Nam từng tổ chức không ít hội thảo quốc tế liên quan đến vấn đề bản quyền và vi phạm bản quyền. Trong hội thảo diễn ra vào tháng 6 vừa qua, nằm trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế phim và công nghệ truyền hình - Telefilm 2017, đại diện cơ quan chức năng khẳng định hoạt động quản lý bản quyền dù có những tín hiệu tích cực nhưng chưa theo kịp sự phát triển về mặt công nghệ.

Diễn viên Hồng Ánh chia sẻ: “Đó là nỗi lo thường trực của mọi ekip và luôn trong tâm thế phải tìm mọi cách để bảo vệ”. Chị đưa ra một dẫn chứng, khi phát hành phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, nó đã bị phát tán một cách chóng mặt. Điều đáng nói hơn, phim gốc có phụ đề tiếng Anh nhưng trong bản lậu còn có cả phụ đề tiếng Pháp cho thấy, việc vi phạm này có chủ đích và tính toán kỹ lưỡng. “Chế tài về tiền và phạt chưa đủ sức răn đe”.

Vi phạm ngày một tinh vi, mức độ thiệt hại do đó cũng không thể lường trước. Nhiều khán giả, đặc biệt khán giả trẻ không ý thức được hành vi của mình là phạm pháp vì chỉ nghĩ đơn giản, quay cho vui hoặc để chia sẻ với bạn bè ở nhà. Do đó, khi sự việc xảy ra, các chủ sở hữu thường chỉ biết cầu cứu đến báo chí, kêu gọi mọi người cùng chung tay nâng cao ý thức khán giả.  

Trong sự việc của Cô ba Sài Gòn khi mà phía Ngô Thanh Vân đã hơn 1 lần chịu tổn thất, nhiều người động viên cô hãy làm đến nơi đến chốn để đưa sự việc ra ánh sáng và là bài học thấm thía đối với những người vi phạm. Điều này có lẽ rất cần thiết, bởi nếu vẫn chỉ áp dụng những hình thức như cảnh cáo, phạt tiền ở mức độ nhẹ, có lẽ, tình trạng vi phạm sẽ vẫn còn tái diễn, thậm chí những thiệt hại sẽ còn lớn hơn rất nhiều.   

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm