pnvnonline@phunuvietnam.vn
Quốc hội dự kiến thông qua dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính tại Kỳ họp thứ 9
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì cuộc họp nghe Ban soạn thảo báo cáo sơ bộ về tiến độ xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính
Thường trực Ủy ban Xã hội vừa tổ chức cuộc họp nghe Ban soạn thảo báo cáo sơ bộ về tiến độ xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính, các nội dung cơ bản trong dự án Luật và những vấn đề còn ý kiến khác nhau để chuẩn bị cho việc tổ chức các hoạt động thẩm tra dự án Luật Chuyển đổi giới tính.
Vấn đề chuyển đổi giới tính lần đầu tiên được quy định tại Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015, theo đó "việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan".
Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính, cho biết, Dự thảo Luật gồm 7 chương, 31 điều. Ban soạn thảo đã rà soát, xây dựng hồ sơ dự án Luật bảo đảm tính thống nhất với các luật như: Bộ luật Dân sự; Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Bình đẳng giới; Luật Hộ tịch; Bộ luật Lao động...
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung cho ý kiến, thảo luận về các nội dung như: các phương pháp thực hiện can thiệp y khoa để chuyển đổi giới tính; vấn đề được cấp giấy xác nhận giới tính mới khi chỉ cần điều trị bằng nội tiết tố; tư vấn tâm lý cho người thực hiện chuyển đổi giới tính; ưu và nhược điểm khi sử dụng các loại hooc môn giới tính; hồ sơ, thủ tục công nhận giới tính nam hoặc nữ sau khi can thiệp y khoa để chuyển đổi giới tính; quyền, nghĩa vụ của người chuyển đổi giới tính...
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết: dự án Luật Chuyển đổi giới tính sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Đây là dự án luật khó, phức tạp, cần được nhìn nhận trên nhiều khía cạnh như pháp lý, y tế, tâm lý, xã hội, văn hóa, vì vậy trong quá trình xây dựng, thẩm tra luật rất cần có sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu ở các lĩnh vực có liên quan.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án luật, đảm bảo đầy đủ các căn cứ pháp lý, thực hiện tổng kết đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến nội dung chính của dự án luật, đánh giá tác động của các chính sách dự kiến được trình, thực hiện rà soát các quy định pháp luật có liên quan, xây dựng báo cáo lồng ghép giới đối với dự án luật, dự thảo các văn bản quy định chi tiết... để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét đúng theo tiến độ.