Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị quyết về EVIPA

PV
18/06/2020 - 13:12
Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị quyết về EVIPA

Các đại biểu Quốc hội nhấn nút biểu quyết thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, sáng 18/6, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và thông qua Nghị quyết về EVIPA; cả hai nội dung này đều có tỷ lệ biểu quyết tán thành trên 90%.

Với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, 92,96% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành thông qua dự thảo luật này.

Trước đó, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết: Về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL): Có ý kiến đề nghị quy định rõ hơn về thời gian cơ quan chủ trì soạn thảo gửi văn bản tới Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) và phạm vi, chủ thể, thời hạn thực hiện phản biện xã hội của MTTQVN để bảo đảm tính khả thi.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo như sau: hiện nay, việc phản biện xã hội đối với dự thảo VBQPPL đang được thực hiện theo quy định của Luật MTTQVN. Dự thảo Luật đã tiếp thu, bổ sung quy định về hoạt động phản biện xã hội của MTTQVN và các tổ chức thành viên trong quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL tại Điều 6. 

Các vấn đề về thời gian gửi văn bản, phạm vi, chủ thể, thời hạn phản biện xã hội thuộc trình tự, thủ tục thực hiện phản biện xã hội, hiện đang được quy định tại Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu ý kiến của các ĐBQH để chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, quy định rõ trong Nghị quyết liên tịch số 403.

Về thẩm quyền ban hành VBQPPL của HĐND và UBND cấp huyện, cấp xã (Điều 30): Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định HĐND và UBND cấp huyện, cấp xã được ban hành VBQPPL để quyết định những vấn đề được phân quyền, để thực hiện phân cấp hoặc quy định những biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, đặc điểm riêng của địa phương. Việc chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã ban hành VBQPPL để quyết định những vấn đề đặc thù ở địa phương không phải là phổ biến, chỉ phát sinh ở một số ít địa phương và thực tế đã có giải pháp để xử lý.

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị quyết về EVIPA - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Đối với trường hợp luật phân quyền cho chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã, nếu cần thiết ban hành VBQPPL để thực hiện thì luật phải giao cụ thể, do đó đây không phải là vấn đề mới. 

Riêng trường hợp HĐND, UBND cấp huyện ban hành VBQPPL để phân cấp cho chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước cấp dưới theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì chưa được quy định trong Luật Ban hành VBQPPL. Vì vậy, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho bổ sung quy định chính quyền địa phương cấp huyện được ban hành VBQPPL để phân cấp cho cấp dưới như thể hiện tại Điều 30 của dự thảo Luật.

Về xử lý mâu thuẫn, xung đột pháp luật: Có ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần cụ thể hóa cơ chế bảo hiến trong Hiến pháp hoặc bổ sung quy định về trách nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao trong việc xử lý xung đột, mâu thuẫn trong áp dụng nguyên tắc tại Điều 12 và Điều 156 của Luật BHVBQPPL. Có ý kiến đề nghị tại Điều 156 bổ sung quy định "trường hợp văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước có quy định ưu tiên áp dụng pháp luật đối với vấn đề đó thì áp dụng quy định của văn bản ban hành trước".

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng còn xảy ra một số mâu thuẫn, chồng chéo trong quy định giữa các luật là do ngay từ giai đoạn tổng kết, đánh giá, xây dựng dự thảo văn bản mới, các cơ quan liên quan chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc rà soát, phát hiện và xử lý kịp thời các nội dung có quy định khác nhau trong các văn bản luật ban hành trước. 

Trong hệ thống pháp luật của chúng ta, nguyên tắc xử lý xung đột đã được thống nhất và áp dụng nhất quán từ Luật BHVBQPPL năm 1996 đến nay là trong trường hợp các VBQPPL do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản ban hành sau. 

Nếu nay bổ sung nguyên tắc "ưu tiên áp dụng pháp luật" thì sẽ mâu thuẫn với nguyên tắc nêu trên, đồng thời khi có xung đột xảy ra giữa các luật thì không có cơ sở để xác định luật nào được áp dụng. 

Do đó, để hạn chế và khắc phục tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo ngay từ khâu xây dựng văn bản, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung vào dự thảo Luật quy định hồ sơ dự án gửi thẩm định, thẩm tra, trình Quốc hội phải có báo cáo về rà soát các VBQPPL có liên quan đến dự án, dự thảo; đồng thời bổ sung vào khoản 2 Điều 12 quy định "trường hợp VBQPPL đã ban hành có quy định khác với văn bản mới nhưng cần tiếp tục được áp dụng thì phải được chỉ rõ trong văn bản mới đó".

Cũng trong sáng nay (18/6), với 95,03% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam- EU và các nước thành viên EU (EVIPA).

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày Hiệp định có hiệu lực.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm