pnvnonline@phunuvietnam.vn
Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc vào cuộc giải quyết tình trạng già hóa dân số tại Việt Nam
Bà Naomi Kitahara, trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam (trái) và đại diện Viện Nghiên cứu Mitsubishi (MRI) tại lễ ký thỏa thuận quan hệ đối tác mới
Quan hệ hợp tác mới này sẽ tập trung vào vấn đề già hóa dân số và các vấn đề dân số khác như quyền và sức khỏe sinh sản và tình dục, chăm sóc sức khỏe cho thanh thiếu niên, bình đẳng giới.
Bà Naomi Kitahara, trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, bày tỏ: "Hai bên sẽ cùng hợp tác chặt chẽ để thúc đẩy quyền và phẩm giá của người cao tuổi, thông qua việc cải thiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và xã hội cũng như tạo môi trường thuận lợi cho người cao tuổi".
Sau lễ ký kết, UNFPA và MRI sẽ có kế hoạch xác định những mô hình cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi phù hợp nhất cho Việt Nam.
Việt Nam chính thức bước vào "giai đoạn già hóa dân số" vào năm 2011 và được dự báo sẽ trở thành một xã hội có dân số "già" vào năm 2036. Hiện tại, số người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) tại Việt Nam là 12,6 triệu người, chiếm 12,8% tổng dân số. Dự kiến, con số này sẽ tăng lên 22 triệu người vào năm 2038, tương đương 20% tổng dân số.
Điều này khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới.
Già hóa dân số là một hiện tượng toàn cầu, là một phần của những thay đổi lớn đang diễn ra trên thế giới. Trong giai đoạn 2015 - 2050, ước tính số người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên trên toàn thế giới sẽ tăng từ 703 triệu người lên khoảng 1,5 tỉ người, chiếm 15,5% tổng dân số thế giới.
Phát biểu tại lễ ký kết, ông Kenji Yabuta, chủ tịch MRI, cho biết dân số của Nhật Bản bắt đầu già đi nhanh chóng từ những năm 1980, tỉ lệ người cao tuổi trên tổng dân số của Nhật Bản hiện nay là hơn 28%, mức cao nhất trên thế giới.
"Trong hơn 30 năm qua, MRI đã thử nghiệm nhiều biện pháp, rút kinh nghiệm để tìm ra phương án tối ưu cho mục tiêu xây dựng một xã hội nơi mọi người đều có thể tận hưởng một cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc", ông Yabuta nói.