Quy định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức trong thực hiện dân chủ ở cơ sở

PVH
14/06/2022 - 11:55
Quy định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức trong thực hiện dân chủ ở cơ sở

Đại biểu Chamaléa Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận, thảo luận tại hội trường

Sáng ngày 14/6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo luật chưa phản ánh được một cách rõ nét, đầy đủ vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội trong việc tổ chức để nhân dân thực hiện quyền dân chủ ở cơ sở.

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đại biểu Chamaléa Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận, cho rằng, thực tế đã xảy ra trường hợp "phép vua thua lệ làng" như cộng đồng dân cư tự bàn bạc, đưa ra các quyết định trái pháp luật, chẳng hạn như lập rào chắn cho các xe, không cho các xe vận chuyển trong các tuyến đường thôn, xóm hoặc là thu các loại phí ngoài quy định mà khi chính quyền cơ sở biết được thì có sự việc đã đi quá xa, gây hậu quả cho xã hội.

Đại biểu Chamaléa Thị Thủy đề nghị cần nghiên cứu cụ thể về công việc khác trong nội bộ cộng đồng dân cư để bảo đảm cho nhân dân thực hiện quyền dân chủ, trực tiếp là bàn và quyết định theo Hiến pháp và pháp luật. Đồng thời phải có chế tài cụ thể đối với các hành vi sai trái, trách nhiệm của người đề xuất các vấn đề nội bộ của cộng đồng dân cư, trách nhiệm của chính quyền địa phương, thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Đại biểu Chamaléa Thị Thủy đề nghị sửa lại khoản 6, Điều 13 theo hướng cụ thể như sau: Các vấn đề tác động đến môi trường, sức khỏe của cộng đồng, trật tự an toàn xã hội và những vấn đề làm ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích cộng đồng dân cư nhưng không được trái với quy định của pháp luật và phải phù hợp với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội. Về trách nhiệm, vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức chính trị xã hội với phương châm Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ thì vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức chính trị xã hội là rất quan trọng trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa phản ánh được một cách rõ nét, đầy đủ vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội trong việc tổ chức để nhân dân thực hiện quyền dân chủ ở cơ sở.

Do đó, theo đại biểu Chamaléa Thị Thủy, dự thảo Luật cần quy định rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị xã hội trong việc làm nòng cốt để người dân thực hiện các quyền dân chủ cơ sở theo hướng là vai trò, trách nhiệm cho việc hướng dẫn, chủ động hỗ trợ nhân dân thực hiện quyền dân chủ ở cơ sở theo đúng quy định của pháp luật; chủ động đề xuất và tổ chức thực hiện hiệu quả các vấn đề cần dân bàn, kiểm tra, quyết định theo đúng quy định của pháp luật. Vai trò của Mặt trận trong giám sát việc thực hiện các vấn đề của dân, quyết định của dân, kiến nghị và yêu cầu các phương thức để thực hiện tốt các hoạt động giám sát xã hội theo các kiến nghị, đề xuất yêu cầu của nhân dân và hỗ trợ nhân dân tham gia đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thực chất và có hiệu quả.

Thảo luận về dự án luật này, đại biểu Bố Thị Xuân Linh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận, cho rằng, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở vẫn còn hình thức, chưa rộng khắp, đồng đều ở các địa phương, khu vực và chưa tiến hành thường xuyên, liên tục, dân chủ ở cơ sở. Các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập cũng chưa được phát huy mạnh mẽ.

Đại biểu tán thành quy định của Dự thảo tại Điều 10 quy định 8 hình thức thông tin công khai để cho dân biết, đồng thời tán thành về hình thức công khai qua mạng xã hội như Zalo, Facebook, Viber. Đây là một hình thức mới, tiến bộ và hiện đại nhưng chỉ áp dụng đối với người sử dụng điện thoại thông minh. Do đó, đại biểu Bố Thị Xuân Linh cho rằng, nên chọn hình thức công khai bắt buộc như niêm yết công khai thông tin tại trụ sở Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, nhà văn hóa thôn, tổ dân phố và điểm sinh hoạt cộng đồng.

Quy định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức trong thực hiện dân chủ ở cơ sở - Ảnh 1.

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận, thảo luận tại hội trường

Còn đại biểu Nguyễn Danh Tú - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang, cho biết: Dự thảo Luật quy định 2 hình thức Nhân dân kiểm tra và 4 hình thức Nhân dân giám sát.

Theo đại biểu, mô hình Nhân dân kiểm tra, Nhân dân giám sát có đặc điểm riêng với chủ thể đối tượng trình tự, thủ tục, hệ quả pháp lý là khác nhau. Tuy nhiên, dự thảo Luật còn quy định rất chung về trình tự, thủ tục nhân dân kiểm tra, nhân dân giám sát theo hướng dẫn, chiếu trung sang các quy định có liên quan.

Do đó, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn về trình tự, thủ tục Nhân dân kiểm tra, Nhân dân giám sát phù hợp với mỗi hình thức kiểm tra, giám sát của Nhân dân; nhất là trình tự thủ tục Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát để làm cơ sở thực hiện thống nhất trong thực tiễn và cũng là cơ sở để Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm