Quỹ, phí oằn vai khiến dân thành 'Chúa chổm'

09/09/2016 - 06:30
Các loại quỹ, phí mà cả UBND xã, thôn đè ra thu theo nhân khẩu bất kể lớn bé hay ốm đau bệnh tật đang khiến nhiều hộ dân xã Hà Vinh (Hà Trung, Thanh Hóa) trở thành "Chúa chổm". Những vụ "siết nợ" do xã, thôn tổ chức là nỗi kinh hoàng của nhiều người dân.

(PNVN)- Ngay khi Báo PNVN đăng loạt bài phản ánh về tình trạng lạm thu và việc “siết nợ” bằng cách treo sổ hộ nghèo của hộ dân ở xã Trường Sơn, huyện Nông Cống (Thanh Hóa), Tòa soạn nhận được thông tin của độc giả gửi tới phản ánh: Ở xã Hà Vinh (huyện Hà Trung, Thanh Hóa) tình trạng lạm thu và cung cách siết nợ còn khủng khiếp hơn nhiều. Các hộ dân nợ tiền đóng góp sẽ bị chính quyền xã bắt trâu, bò, thu tivi, xe máy…  Khoảng hơn 1 năm trở lại đây, thay vì việc “siết nợ” bằng vật chất, chính quyền xã chuyển sang hình thức “phong tỏa con dấu” (không đóng dấu vào giấy tờ nếu chưa nộp đủ tiền). Pv đã tìm về Hà Vinh tìm hiểu và sự thật là...

1.jpg
Nợ tiền đóng góp, gia đình anh Đoán, chị Hoa từng bị lãnh đạo xã đến "cưỡng chế" mất bò

Xã Hà Vinh nằm cuối huyện Hà Trung, “kẹp” giữa các huyện Hoằng Hóa, huyện Bỉm Sơn (tỉnh Thanh Hóa) và huyện Yên Mô (tỉnh Ninh Bình). Không quá xa huyện lị nhưng Hà Vinh vẫn được xem là xã khó khăn của huyện Hà Trung. Đường vào xã Hà Vinh đoạn đi qua nhà máy xi măng Bỉm Sơn đang thi công nên đất đá lởm chởm, bụi bay mù mịt.

Theo địa chỉ của độc giả cung cấp, chúng tôi tìm về thôn 11 xã Hà Vinh. Dù không có bất kỳ một cuộc hẹn trước nào nhưng khi Pv vừa đặt chân đến xã đã bị cán bộ thôn, sau đó là công an xã theo sát như hình với bóng.

Mặc dù đã giới thiệu là Pv về xã Hà Vinh tìm hiểu về đời sống của người dân nơi đây nhưng ông Hoạt - công an xã Hà Vinh nói rằng, vì thời gian gần đây có nhiều đối tượng tiếp thị đến xã Hà Vinh mời chào mua hàng nên… công an xã phải cảnh giác! Sau khi Pv xuất trình thẻ nhà báo, ông Hoạt và người đi cùng mới chịu rời đi.

Theo sự giới thiệu của người dân, chúng tôi đến thăm gia đình anh Đặng Văn Đoán (SN 1970), thôn 11, xã Hà Vinh. Nhà anh Đoán thuộc diện nghèo “truyền đời”. Anh Đoán nói rằng, bố mẹ anh trước đây cũng vì nghèo nên nợ tiền sản liên miên do đó bao nhiêu ruộng đất bị tịch thu hết. Sau khi bố mẹ qua đời, của hồi môn ông bà để lại cho anh Đoán chỉ là 1 sào ruộng. “May” trước đây nhà anh Đoán có cái danh hộ nghèo nên được hỗ trợ tiền và cất được ngôi nhà khá khang trang. Bây giờ trên danh nghĩa nhà anh Đoán đã thoát nghèo.

Cũng như nhiều gia đình theo đạo thiên chúa ở xã Hà Vinh, nhà anh Đoán rất đông con. Hiện đã có đến 7 người con, 2 trai, 5 gái, đứa bé nhất mới 3 tuổi nhưng vợ chồng anh Đoán cũng “không chắc là còn đẻ nữa hay không”.

Đông con đồng nghĩa với đói nghèo và các con thất học. Các con anh Đoán hầu hết bỏ học từ rất sớm. Có cháu năm nay 16 tuổi nhưng đã có “thâm niên” nhiều năm đi rửa bát thuê kiếm tiền phụ giúp gia đình.

4.jpg
Vụ chiêm năm 2015, gia đình anh Đoán phải nộp gần 13 triệu đồng

Anh Đoán nói rằng, việc phải “ném” con ra ngoài xã hội sớm cũng là việc cực chẳng đã. Cách đây mấy năm, vì ở quê đất chật, người đông nên vợ chồng anh Đoán quyết định “Nam tiến” với hy vọng đổi đời. Hai vợ chồng vào tân Tây Nguyên làm thuê. Thế nhưng, chuyến đi đó trở thành ác mộng. Trong một lần đi đào sắn cho chủ về, ngồi trên thùng xe tải, chiếc xe bị lật và vợ anh Đoán là chị Nguyễn Thị Hoa (SN 1973) đã bị dập nát một cách tay.

Vụ tai nạn ấy, chị Hoa phải nằm viện mấy tháng trời và khi trở về quê, một cánh tay của chị đã tật nguyền vĩnh viễn. Vợ đã thế, anh Đoán lại mắc bệnh đau lưng kinh niên và phải sống chung với thuốc. Hai vợ chồng không thể lao động như trước nên giờ phải trông chờ vào mấy đứa con tuổi đời mới mười sáu, đôi mươi.

3.jpg
Từ ngày chị Hoa bị tai nạn khiến một cánh tay bị tật nguyền cuộc sống càng trở nên khó khăn

“Các con đi làm nhưng tiền gửi về không đủ đóng góp cho thôn, cho xã. Quanh năm suốt tháng chỉ lo đến việc đóng sản. Thật sự chúng tôi bị ám ảnh bởi những khoản thu quá nặng. Mỗi năm xã, thôn thu 2 vụ, vụ chiêm và vụ mùa nhưng chưa vụ nào nhà tôi đủ tiền đóng góp. Vụ nào cũng mang nợ trên vai”, chị Hoa chia sẻ.

Lôi từ trong tủ ra tập phiếu thu được cất giữ từ nhiều năm. Nhìn vào những phiếu thu ghi chi chít các khoản đóng góp Pv cũng hoa hết mặt mày. Theo con số trên phiếu thu: Vụ chiêm năm 2014, với 8 khẩu nhà chị Hoa phải đóng tổng cộng 8,8 triệu đồng. Vụ Chiêm năm 2015 số tiền nhà chị Hoa phải đóng lên đến 12,9 triệu đồng, riêng xã thu 3,6 triệu. Phải đóng số tiền lớn như vậy là do từ vụ mùa 2014 nhà chị Hoa còn nợ thôn 3,8 triệu đồng.

2.jpg
Dù đã xây được ngôi nhà mới nhưng cuộc sống gia đình anh Đoán vẫn rất khó khăn

Sang vụ mùa năm 2015, nhà chị Hoa tiếp tục phải đóng hơn 7 triệu đồng. Nhà chị Hoa chỉ đóng được hơn 2 triệu, nợ lại gần 5 triệu. Sang đến vụ chiêm năm 2016, vì không còn phải đóng tiền làm đường nên số tiền phải đóng đã “nhẹ” hơn những năm trước. Theo đó, vụ chiêm năm 2016 chị Hoa phải đóng 8,2 triệu (gồm gần 5 triệu tiền nợ từ vụ trước). Nhà chị Hoa mới nộp được 5 triệu, 3,2 triệu còn lại vẫn nợ thôn.

Nợ thì phải chịu tiền lãi. Từ lâu, thôn 11 tự đưa ra quy định, nhà nào nợ tiền sẽ bị tính lãi 1,2%/tháng. Vì nợ liên miên nên vụ nào nhà chị Hoa cũng phải chịu tiền lãi suất. Tháng 7/2016, nhà chị Hoa vừa phải thanh toán 475 nghìn đồng lãi suất.

Do phải đóng góp số tiền mỗi vụ rất lớn nên rất nhiều gia đình ở xã Hà Vinh phải chấp nhận phận “chúa chổm”. Tuy nhiên, theo chị Hoa việc thôn cho nợ và tính lãi suất vẫn còn “nhân đạo” hơn rất nhiều so với việc cưỡng chế tài sản trước đây. Nhà chị Hoa từng bị cán bộ xã đến nhà dắt mất bò vì nợ tiền đóng góp. Có lần, thấy cán bộ đến, anh Đoán phải vội vàng ôm ti vi chạy trốn nếu không đã bị cán bộ "bắt" rồi...

(Còn nữa)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm