'Quy tắc quần lót' giúp trẻ an toàn

29/04/2016 - 10:22
Cho con mặc quần lót khi đến trường và dạy con về PANTS rules (Quy tắc quần lót) sẽ giảm nhiều nguy cơ lạm dụng trẻ em.
Vụ việc bé gái 5 tuổi (Biên Hòa - Đồng Nai) vừa bị một học sinh lớp 8, là con của giáo viên trường mầm non, nơi bé đang học, ôm, sờ vào vùng nhạy cảm khi cậu này đến trường chơi, khiến không ít phụ huynh lo ngại. Trước đó, cũng có hàng chục học sinh ở một trường tại Lào Cai đã bị bảo vệ lạm dụng tình dục trong thời gian dài. Điều đó cho thấy, vấn đề lạm dục tình dục trẻ em đang ngày càng phổ biến, khiến nhiều phụ huynh lo lắng, liệu con cái họ có an toàn khi đến trường? Tuy nhiên, làm thế nào để nói chuyện với con, dạy con cách tự bảo vệ mình thì không phải ai cũng biết.

Chị Hồng Mai (36 tuổi), quận 7 (TPHCM) có hai con gái nhỏ đang học lớp 4 và lớp 1. Chị cho biết, ngay từ khi các bé được 4 tuổi, bắt đầu đến trường, vợ chồng chị đã dạy cho con một số nguyên tắc cơ bản để bảo vệ bản thân, trong đó đặc biệt không để cho người lạ đụng vào người. Chị Mai chia sẻ: "Trẻ cần được biết những điều gì sẽ gây nguy hiểm cho mình, vì vậy, chúng tôi giải thích cho con hiểu. Nhưng quy tắc chúng tôi dạy con như: Không để người khác đụng vào cơ thể; không cho phép bất kỳ ai thay quần lót hoặc cởi đồ; không được tự ý ngồi lên lòng bất kỳ ai, trừ ba mẹ; không nhận quà, ôm hôn người lạ... Những điều đó tuy đơn giản nhưng lại rất hữu ích để bảo vệ con".

Còn chị Huỳnh Thị Mười, ngụ tại TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) thì tâm sự, vợ chồng chị có con trai 7 tuổi, bé rất hiếu động và thân thiện. Nhưng sau nhiều  lần bị hàng xóm sàm sỡ, con trai chị bỗng trở nên ít nói, khó gần. "Vợ chồng tôi chưa bao giờ nói chuyện nói với con về tình trạng lạm dục tình dục vì nghĩ rằng bé là con trai, còn quá nhỏ và mọi chuyện vẫn còn trong tầm kiểm soát của bố mẹ. Nhưng không ngờ, trong lần tắm, bé không cho ba đụng vô người, gặng hỏi mãi, bé nói hàng xóm thường xuyên cho đồ chơi, đụng vùng kín. Vợ chồng tôi mới vỡ lẽ", chị Mười cho biết.

Theo các chuyên gia về tâm lý, việc giáo dục giới tính cho trẻ phải được thực hiện ngay từ khi trẻ còn mầm non. Nhiều phụ huynh cho rằng, giáo dục giới tính chỉ là vấn đề cơ quan sinh sản, điều này là vô cùng sai lầm. Bởi, giáo dục giới tính chính là giáo dục để trẻ sống đúng giới tính của mình, biết bảo vệ bản thân mình và tôn trọng người khác, bắt đầu từ những việc nhỏ như mặc quần lót trước khi đến trường.

Quy tắc quần lót (PANTS rules) mà tổ chức NSPCC (một tổ chức chuyên bảo vệ trẻ em tại Anh), kêu gọi các phụ huynh nên dạy cho con của mình, sẽ giúp trẻ an toàn và có thể bảo vệ chính mình.
clipboard03.jpg
 Quy tắc quân lót được tổ chức NSPCC đưa ra nhắm kêu gọi phụ huynh nên dạy cho con. Ảnh: shoppersbase.com
Theo đó, các quy tắc quần lót phụ huynh cần dạy cho trẻ bao gốm:
P – Private (Riêng tư): Nói với trẻ rằng không một ai có thể được nhìn hay chạm vào "vùng kín" của bé, trừ một số người như bác sĩ, y tá hay bố mẹ. Tuy nhiên, bác sĩ, y tá cần phải mặc đồng phục và đang trong giờ khám chữa bệnh, phải giải thích được cho con là họ cần chạm vào để làm gì và cần có sự đồng ý của con.
A – Always remember your body belongs to you (Luôn nhớ cơ thể con thuộc về con): Hãy cho trẻ biết rằng, cơ thể trẻ thuộc về chính bé. Không ai có quyền làm bất cứ điều gì với cơ thể bé mà khiến bé khó chịu. Nếu ai cố tình, trẻ cần biết nói “Không”.
N – No means no (Không là không): Giúp trẻ nhận thức được rằng, trẻ có quyền nói “không” với những động chạm bé không thích từ bất cứ ai, kể cả các thành viên trong gia đình.
T – Talk (Nói về những điều bí mật khiến con buồn): Cha mẹ giải thích cho con về sự khác biệt giữa những bí mật "tốt" và "xấu". Những câu như: “Đây là bí mật của riêng hai chú cháu mình" thường của những kẻ lạm dụng khiến trẻ con cảm thấy lo lắng và sợ không dám kể cho ai khác nghe. Những bí mật "tốt" có thể là món quà hay bữa tiệc. Những bí mật "xấu" là cái khiến con cảm thấy buồn, lo lắng, sợ hãi. Con cần nói ra.
mother-daughter-talking_1351181238571_317228_ver10_640_480.gif
 Hãy nói chuyện với con về những bí mật "tốt và "xấu". Ảnh minh họa.
S – Speak up (Lên tiếng): Nói với con khi nào bé cảm thấy buồn, lo lắng, sợ hãi, bé nên lên tiếng với người bé tin tưởng, có thể nói với bố mẹ, hay chị gái, cô giáo...
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm