'Quy trình báo động đỏ' cứu bệnh nhân đột quỵ lúc rạng sáng

23/09/2016 - 09:25
Nửa đêm, anh Đỗ Văn Huy* (42 tuổi), bị liệt nửa người bên trái, méo mặt, khó nói, mắt đờ, đầu sang ngoẹo sang một bên. Anh được đưa đến BV Đại học Y Dược TP.HCM cấp cứu và được cứu sống nhờ 'quy trình báo động đỏ'.
Theo chia sẻ từ người nhà bệnh nhân, anh Huy, ngụ tại TP.HCM, là doanh nhân và có thói quen hút thuốc lá mỗi ngày từ 1,5 đến 2 gói trong suốt 10 năm qua. Cách đây 1 tuần, vào khoảng 2 giờ sáng, người nhà phát hiện anh Huy đột ngột khó nói, méo mặt, xoay mắt, liệt nửa người trái, không tiếp xúc… Ngay lập tức, người bệnh được đưa đi cấp cứu tại BV Đại học Y Dược TPHCM vào lúc 3g30 sáng.

Nhận thấy tình hình rất nguy kịch, đội ngũ bác sĩ trực lập tức kích hoạt 'quy trình báo động đỏ' về đột quỵ nhằm tranh thủ từng phút cứu người bệnh. Ê kíp với sự tham gia tổng lực của các y, bác sĩ đến từ khoa Cấp cứu, Đơn vị đột quỵ khoa Thần kinh, khoa Chẩn đoán hình ảnh và Can thiệp mạch máu não. Sau khi khám, chụp CT khẩn, bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu vùng thân não, tắc động mạch đốt sống thân nền (động mạch lớn trong não). Người bệnh được xử trí ban đầu, tiêm thuốc tiêu sợi huyết tĩnh mạch và chuyển ngay lên phòng can thiệp chỉ trong 1 giờ sau đó. 
bs-quc-tun-thm-bnh-02.jpg
 Sức khỏe của anh Huy đã hồi phục gần như bình thường
Trực tiếp tham gia ê kíp can thiệp, bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Quốc Tuấn, khoa Ngoại Thần kinh cho biết, các bác sĩ đã tiến hành tái thông động mạch bị tắc bằng kỹ thuật mới kết hợp hút bằng ống thông lớn và kéo huyết khối bằng stent. Quá trình tái thông thành công chỉ sau 30 phút, anh Huy phục hồi nhanh, khoảng 6 tiếng sau đã nói chuyện được.

Đến nay, anh Huy đã hồi phục gần như bình thường, nói chuyện rõ, không yếu liệt chi, tỉnh táo hoàn toàn. Theo bác sĩ Tuấn, các ca đột quỵ nói chung có nguy cơ tử vong khá cao (từ 10 đến 20%), nguy cơ để lại di chứng tàn tật vĩnh viễn rất cao (hơn 80%), nếu không được điều trị kịp thời. Với các tiến bộ trong điều trị đột quỵ hiện nay, nếu nạn nhân độ quỵ do tắc các mạch máu lớn trong não đến BV sớm trong thời gian 'vàng' từ 4 đến 6 giờ, được điều trị bằng thuốc tan huyết khối và can thiệp tái thông mạch não thì cơ hội hồi phục cơ bản đến hơn 50%.

Còn theo TS Nguyễn Bá Thắng, Trưởng đơn vị Đột quỵ của BV, phần lớn người bệnh đột quỵ không đến được BV trong thời gian 'vàng'. Tại BV Đại học Y Dược TP.HCM, tỉ lệ người bệnh đột quỵ nhập viện cấp cứu sớm trong vòng 6 giờ kể từ khi khởi phát chỉ khoảng 5%.

Vì thế, theo TS Thắng, khi phát hiện người thân bị đột quỵ, người nhà không nên tốn thời gian vào các sơ cứu tại nhà, bởi vừa làm mất thời gian, vừa có thể gây tổn thương thêm cho bệnh nhân. 'Cách tốt nhất là đưa bệnh nhân đến ngay BV. Nhiều người 'rỉ tai' nhau chích máu các đầu ngón tay hoặc tai đối với người đột quỵ, điều này sẽ gây thêm tổn thương, làm bệnh nhân đau đớn hơn, dẫn đến huyết áp thay đổi. Ngoài ra, kim chích chưa được vô trùng, dễ gây nhiễm độc cho bệnh nhân…”, TS Thắng chia sẻ.

*Tên bệnh nhân trong bài đã thay đổi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm