Sẽ về phố biển sau những ngày giãn cách

Truyện ngắn của Bùi Đế Yên
15/08/2021 - 09:32
Sẽ về phố biển sau những ngày giãn cách

Ảnh minh họa

Ngay khi Sài Gòn thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, công ty của Nhi đã cho phép nhân viên làm việc online. Nhi chưa kịp mừng thì dịch bùng phát mạnh. Chung cư nơi Nhi thuê ở có ca dương tính.

Tít tít... Tiếng chuông tin nhắn vang lên trong buổi sáng. Nhi đờ đẫn quờ tay lấy cái điện thoại. Bluezone thông báo về tình hình Covid-19. Mới sáng ra đã hơn ngàn ca F0 rồi. Sài Gòn đã qua ngày giãn cách thứ 10 còn Nhi nếu không tính buổi sáng chủ nhật đi mua đồ mà không mua được gì thì đã phải ở trong nhà 24 ngày liên tiếp.

Hồi năm ngoái khi dịch bùng phát lần thứ nhất, công ty, nơi Nhi đã làm gần 4 năm, phải đóng cửa vì mấy tháng không ký được hợp đồng mới. Bố mẹ gọi điện, thuyết phục mãi Nhi mới đồng ý về nhà tránh dịch. Nhà Nhi ở Vũng Tàu. Ở đấy Nhi có một người bác không chồng chăm chỉ, một người cha chất phác, một người mẹ lam lũ, một đứa em gái ngoan và tất cả đều rất yêu quý Nhi, nhất là Nhiên, cô em gái kém Nhi 6 tuổi.

Gia đình Nhi ở Vũng Tàu đã gần 20 năm. Hồi bố mẹ từ Thái Bình vào Vũng Tàu lập nghiệp, Nhi mới lên 5 tuổi, em Nhiên còn chưa có mặt trên đời. Bố đi làm thợ hồ, làm ngày nào lĩnh tiền ngày đó. Mẹ vừa chăm em Nhiên vừa đưa đón Nhi đi học. Bác Lê đi phụ việc cho một quán ăn. Sau một thời gian bưng bê rửa chén, bác Lê quyết định thuê mặt bằng gần nhà trọ và mở một quán phở. Phần lớn thời gian Nhi ở với bác. Vài năm sau, bố mẹ Nhi mua được ngôi nhà cấp bốn trong khu xóm liều. Nhi và em Nhiên đã sống gần chục năm ở đó.

Tám năm trước, khi Nhi chuẩn bị vào đại học, bác Lê rút hết sổ tiết kiệm đưa cho bố mẹ Nhi gần 1 tỷ, nói để bố mẹ lo cho Nhi học đại học. Nhi bảo: "Con có học trường quốc tế như con người ta đâu mà hết từng ấy tiền". Số tiền ấy, bố mẹ Nhi thêm vào mua được gần ngàn mét vuông đất trên đường Phước Thắng. Ý của bác Lê và bố mẹ là cả nhà sẽ chuyển lên đó ở và trồng rau khi chủ nhà lấy lại mặt bằng quán phở để xây nhà. May mà năm đó chủ đất hoãn việc xây nhà vì chưa được tuổi, Phước Thắng lại xa quá nên kế hoạch chuyển nhà lên đó gác lại.

Nhi lên Sài Gòn học đại học, chi phí mỗi tháng vừa học vừa ăn ở, đi về hết mười mấy triệu đồng. Bốn năm học mất khoảng 500 triệu đồng. Cầm tấm bằng đỏ trên tay, Nhi đắn đo mãi. Vũng Tàu yên bình, có gia đình và bạn bè thân yêu nhưng về Vũng Tàu, với điều kiện của bố mẹ như thế, Nhi làm sao xin được việc. Chẳng lẽ lại đi bưng bê phở hay lên Phước Thắng trồng dưa, vừa lãng phí tiền đi học lại còn dễ bị coi thường. Nhi quyết định ở lại Sài Gòn.

Bác Lê, bố mẹ và em Nhiên buồn và thất vọng vì quyết định của Nhi, nhưng Nhi mặc kệ. Sài Gòn hoa lệ mới là chân ái của đời Nhi. Rồi Nhi cũng xin được việc với mức lương bằng nửa chi phí đi học mỗi tháng trước đây. Nhi không về, em Nhiên quyết định sẽ học nghề ở Vũng Tàu. Nhi biết như vậy là em đã gánh trách nhiệm chăm sóc bác và bố mẹ thay Nhi.

Cả gia đình vất vả lăn lộn như thế nào mới có được căn nhà khang trang, khu vườn xanh mướt và hàng ngàn gốc dưa lưới đang vào vụ thu hoạch ấy, Nhi không được chứng kiến. Chỉ biết khi Nhi về thì đã có nhà để ở, có rau xanh, trái sạch để ăn. Nhi ở nhà loanh quanh ra vào chẳng làm được gì, thế nhưng ai cũng mừng, cũng mong Nhi về hẳn, hỗ trợ Nhiên trong việc kinh doanh dưa lưới.

Nhi một phần vì ngại, một phần vì đã quen với cuộc sống tự do một mình nên dịch vừa bớt, Nhi quay lại Sài Gòn ngay. Loay hoay gần tháng nộp hồ sơ, phỏng vấn Nhi mới vào được công ty này. Nhi đi làm chưa được 3 tuần thì dịch Covid-19 tái bùng phát.

Đây là đợt dịch thứ tư. Số ca nhiễm tăng lên mỗi ngày. Ngay khi Sài Gòn thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, công ty của Nhi đã cho phép nhân viên làm việc online. Nhi chưa kịp mừng thì dịch bùng phát mạnh.

Chung cư nơi Nhi thuê ở có ca dương tính. Liễu, bạn cùng phòng với Nhi, người đã có kinh nghiệm về vụ cách ly năm trước, vội xách vali đi trước khi có lệnh phong tỏa khu chung cư. Nhi ở lại một mình với khá nhiều đồ tiếp tế Nhiên mới gửi lên.

Sẽ về phố biển sau những ngày giãn cách - Ảnh 1.

TPHCM trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Ảnh minh họa

Làm việc online, hàng ngày Nhi vẫn dậy lúc 6 giờ, lướt qua tin tức, làm gói mì ăn sáng rồi ngồi vào bàn làm việc. Buổi trưa, Nhi gọi "shipper" mang đồ ăn tới. Buổi tối, Nhi cắm nồi cơm, cho vào quả cà chua, bóc ra hộp thịt đổ vào là xong ngày. Thời gian đầu, việc không phải thay đồ, trang điểm, đi ra đường khiến Nhi cảm thấy thoải mái vô cùng.

Thỉnh thoảng lại thấy Ban quản lý chung cư nhắn xuống lấy đồ, khi thì bịch gạo, khi chai nước tương, vài quả trứng, lúc lại mấy củ khoai, nửa cái bắp cải. Mẹ gọi lên hỏi, Nhi bảo: "Bác và bố mẹ đừng quá lo, con làm online, không phải đi làm mà vẫn có lương. Người ta hỗ trợ cho con gạo, mỳ tôm, trứng, rau, đầy đủ cả!".

Dịch căng thẳng hơn. Nhiên tuy bận tối tăm mặt mũi gom rau, củ, quả gửi cho chị nhưng vẫn không quên gọi điện hỏi xem chị có cần gì để gửi lên tiếp. Nhi bảo: "Chị vẫn còn đồ ăn, mà mai chung cư gỡ bỏ phong tỏa rồi, thiếu cái gì thì ra chợ mua. Giá rẻ bèo à!". "Nhưng em nghe người ta nói nhiều chợ truyền thống bị đóng cửa rồi mà". "Thì ra siêu thị thôi". "Vâng, thế chị nhớ cẩn thận". "Em cũng vậy đấy!".

Chung cư vừa có quyết định dỡ phong tỏa thì thành phố lại thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Hàng quán đóng cửa hết. Bạn bè, đồng nghiệp lên các nhóm zalo, facebook kêu trời. Nhi chỉ cười mấy cô nàng hay ăn hàng, đến cái nồi cơm điện cũng không chịu sắm. Nhi may mắn có sẵn bếp, xoong, nồi nên chỉ đợi ngày nghỉ, đi siêu thị mua thực phẩm về, tới bữa nấu lên thôi. Đồ trong nhà vẫn còn thì ra ngoài nhiều làm gì cho nguy hiểm.

Thế nhưng sáng chủ nhật đi mua thực phẩm thì Nhi thực sự cáu. Xếp hàng chờ đợi cả tiếng đồng hồ, tới khi vào được siêu thị thì chỉ còn lèo tèo mấy thứ đồ khô. Trứng, thịt, rau xanh, bánh mì, tôm, cá đều hết sạch. Nhi biết mọi người đang lo tích trữ đồ nhưng tích làm gì lắm thế. Hàng hóa vẫn được nhập về mỗi ngày chứ có đổ hết đi đâu mà mua một lúc cả trăm quả trứng, cả chục con gà.

Nhi gọi cho Liễu: "Dỡ phong tỏa rồi, mày có về không?". "Để xem thế nào đã chứ tao ở nhà bà chị cũng ổn. Mà mày cần ăn uống cho đàng hoàng mới có sức đề kháng". "Ok! Để tao dốc hết đồ trong tủ lạnh làm một bữa hoành tráng luôn. Mai thứ hai, người ta đi làm, tao đi mua một lèo luôn".

Thế nhưng hôm sau khi Nhi xuống dưới tầng trệt, xe cứu thương vừa hụ còi đi khỏi. Chung cư đang bị chăng dây phong tỏa trở lại. Bảo vệ thông báo có ca dương tính trên lầu bốn. Khốn khổ cho Nhi, nhà gần như hết sạch đồ. Lúc này, Nhi giận mình biết bao vì sáng qua đã không mua mấy thứ còn lại ở siêu thị. Nhi gọi lại cho Liễu. Liễu mang đến nửa ký thịt bò, bó rau muống, ít bột mỳ, vỉ sữa chua, băng vệ sinh, thuốc hạ sốt, nói: "Hàng thiết yếu đấy".

Đổi bữa được 2 ngày, Nhi quay lại với cơm tôm khô, cà rốt. Nhi không phải là đứa thích ăn rau. Ở Sài Gòn hay ở nhà, mỗi bữa Nhi cũng chỉ nấu một món rau là cùng. Bác và mẹ hay mắng Nhi vì ăn ít rau, quả nên người mới sắt lại, da mới khô, nhăn. Nhiên thì nói về một trăm công dụng của rau, quả nhưng Nhi chỉ bảo: "Thời gian đâu mà cầu kỳ".

Bây giờ, sau gần cả tuần không có rau xanh, trái cây, Nhi mới thấy sự quan trọng của nó. Môi Nhi khô, miệng lở. Nếu ở nhà, chắc mẹ sẽ pha bột sắn dây cho Nhi uống, chỉ mấy ly là đỡ nhưng trên này thì chịu. Giờ thì Nhi thấy thèm rau xanh lắm rồi. Nhi nhớ những ngọn rau đay xanh mướt ở góc sân nhà. Nếu trưa đi làm về muộn, chỉ cần hái vội nắm rau, thêm quả mướp non thái vát bỏ vào thì chẳng cần tôm hay cua, món canh thuần rau đó vẫn ngọt thanh vô cùng.

Ngày thứ 28, Nhi gọi cho Nhiên: "Công ty gửi email xin lỗi tới tất cả nhân viên rồi, mới giảm lương thôi nhưng chắc chị sắp thất nghiệp nữa rồi. Ban quản lý chung cư vừa thông báo kết quả test PCR toàn chung cư tuần trước âm tính, mai là chung cư chị dỡ phong tỏa. Chị đã nghĩ thông rồi. Thành phố hết giãn cách, chị sẽ về hẳn Vũng Tàu cùng em nha!".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm