pnvnonline@phunuvietnam.vn
Quyết đoán trước những ngả rẽ cuộc đời
Đừng sợ lỡ cuộc chơi được bắt đầu từ câu chuyện của Yael Melamed. Sau khi tốt nghiệp đại học, Yael hoàn toàn không biết cô muốn làm gì tiếp theo. Phân vân giữa ngành luật và kinh doanh, Yael quyết định chưa đi làm ngay mà học thêm cả hai ngành trên để "tích lũy thêm lựa chọn", và trì hoãn quyết định nghề nghiệp thêm một thời gian nữa.
Trước tương lai nhiều bất ổn, Yael tin rằng càng nắm nhiều lựa chọn trong tay, cô càng an toàn. Nhưng tình thế nhanh chóng thay đổi khi Yael bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư da. Khi đối mặt với tình huống đáng sợ bất ngờ này, Yael mới bàng hoàng nhận ra rằng cô đã phí phạm quá nhiều thời gian mà "vẫn chưa tìm ra thứ mình thật sự mong muốn trong đời".
2 nỗi sợ làm lu mờ sự quyết đoán
Con người đứng trước hàng trăm nghìn quyết định mỗi ngày, và một phần trong số đó là những lựa chọn đặc biệt hệ trọng: Chọn một sự nghiệp để theo đuổi, một người bạn đời để kết hôn, chọn làm việc cho công ty hay khởi nghiệp kinh doanh riêng…
Điều đáng tiếc, trước những ngã rẽ quan trọng, những nghiên cứu về sinh học, tâm lý học và xã hội học chỉ ra, con người ta thường không hề sáng suốt.
Trong Đừng sợ lỡ cuộc chơi, cuốn sách bàn về những nỗi sợ tâm lý của con người khi ra quyết định, tác giả Patrick J. McGinnis đề cập đến hai nỗi sợ phổ biến nhất, có tác động nghiêm trọng nhất đến cách chúng ta đưa ra lựa chọn.
Thứ nhất là nỗi sợ người khác có lựa chọn tốt hơn. Từ năm 2001, Patrick đã gọi tên nỗi sợ này là FOMO (Fear of Missing out), nỗi sợ bỏ lỡ, ám chỉ "cảm giác lo lắng không mong muốn vì nghĩ rằng người khác đang có những trải nghiệm thú vị hơn bạn".
Một nghiên cứu gần đây của J. Walter Thompson chỉ ra, FOMO tác động đến 70% người trưởng thành thuộc thế hệ Millennials. Nếu tìm kiếm bạn sẽ có hơn 10 triệu kết quả cho từ khóa FOMO trên Google. Vì suốt ngày lo ngay ngáy về điều tốt đẹp của thiên hạ, người có hội chứng FOMO thường bị chi phối bởi ngoại lực mà đưa ra những quyết định không đúng với giá trị bản thân.
Nỗi sợ thứ hai là: Sợ còn có lựa chọn tốt hơn, FOBO (Fear of Better Option). Người mắc FOBO thường mãi chần chừ ra quyết định vì sợ rằng nhỡ đâu mình bỏ qua điều tốt hơn.
Cũng giống như Yael Melamed ở đầu cuốn sách, rất nhiều người đã trì hoãn trước những giao lộ quan trọng của cuộc đời và chỉ ngồi yên nhìn những lựa chọn dần vuột qua kẽ tay. "Mãi sau này, khi bỏ lỡ một cơ hội hoặc bị tụt lại phía sau, bạn mới nhận ra rõ ràng mình đã quá chậm chân", Patrick viết.
Ra quyết định như thể cuộc đời sẽ chấm dứt vào ngày mai
Trong Đừng sợ lỡ cuộc chơi, ngoài việc phân tích các nguyên nhân dưới cái nhìn tâm lý học lẫn xã hội học, Patrick còn cung cấp chi tiết cách ta có thể "đánh gục" cả FOMO lẫn FOBO, từ đó đưa ra lựa chọn sáng suốt và nhanh gọn nhất có thể.
Để ngăn ngừa nỗi sợ bỏ lỡ FOMO, điều cốt lõi nhất, theo Patrick, là có được thông tin và dữ liệu chuẩn xác, bỏ qua cám dỗ đến từ "cảm giác bầy đàn", và nhất là, suy xét kỹ động lực lẫn mục tiêu của bản thân.
Còn để không lâm vào cảnh chần chừ, trì hoãn vì bị FOBO níu chân, về căn bản, mỗi người cần "đấu tranh vượt qua nỗi sợ ra quyết định". Từ khóa ở đây là quyết đoán.
Trên hết, để khống chế cả hai nỗi sợ trên, mỗi người cần nhận thức được rằng mỗi lựa chọn trong đời luôn đi kèm với sự đánh đổi. Ta phải lựa chọn những gì mình thật sự mong muốn và can đảm bỏ qua tất cả những thứ khác. "Nếu không sẵn lòng đối mặt với nỗi thất vọng, hối tiếc, những cái giá phải đánh đổi tất yếu, hay thậm chí cả thất bại, bạn sẽ càng muốn lảng tránh việc đưa ra quyết định", Patrick cho hay.
Tác giả cũng thúc giục rằng thời gian, năng lượng của mỗi người có hạn và ta phải "nói đồng ý với việc mà chúng ta thật sự muốn dự phần" để tập trung vào "cuộc chơi" của chính mình trước khi quá muộn.
Như trong trường hợp của Yael, căn bệnh ung thư gõ cửa bất ngờ đã khiến Yael phải ngay lập tức nhìn lại hướng đi cuộc đời mình. "Cô nhận ra mình không muốn sống trong sợ hãi và nuối tiếc, rằng vì cuộc sống quá ngắn ngủi nên mỗi ngày ta đều phải sống thật hạnh phúc", Patrick thuật lại.
May mắn, Yael sau đó có cho mình một cái kết có hậu: Bệnh ung thư của cô được chữa khỏi, đồng thời cô quyết định sẽ theo đuổi ước mơ làm nhà trị liệu tâm lý, nghề nghiệp cô yêu thích thực sự.
Patrick kết thúc cuốn sách bằng câu nói nổi tiếng của Steve Jobs: "Việc nhắc nhở bản thân rằng mình có thể ra đi bất cứ lúc nào chính là công cụ đắc lực nhất giúp tôi đưa ra những lựa chọn quan trọng trong đời".
Nếu chỉ còn một thời gian ngắn ngủi để sống, bạn sẽ lựa chọn điều gì?
Patrick J. McGinnis là nhà văn, diễn giả, nhà đầu tư mạo hiểm người Mỹ, đồng thời là nhà sáng lập kiêm người dẫn chương trình của podcast FOMO sapiens. Ông tốt nghiệp đại học Georgetown và trường kinh doanh Harvard và từng đặt chân đến hơn 100 quốc gia trên thế giới.