Ở xã Phước An, nhắc đến tên ông Lê Thanh Bình hầu như ai cũng biết, bởi lẽ người dân đã quen với hình ảnh người đàn ông một mắt, lúc nào cũng loay hoay với công việc của mình. Trong ngôi nhà khang trang, ông tâm sự với chúng tôi về những tháng ngày gian khổ trước đây.
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, năm 1983, ông Bình theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường nhập ngũ và được điều động đến đóng quân tại Sư đoàn 471 (Mặt trận 579). Sau đó, ông tham gia làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia và phục viên năm 1987. Trở về quê hương, năm 1990, ông Bình lập gia đình và sinh được 2 người con. Vợ chồng ông đi làm thuê cuốc mướn nhưng cuộc sống vẫn thiếu trước hụt sau.
Năm 2001, ông Bình bị tai nạn trong lúc làm thợ đá, đôi mắt bị tổn thương nặng. Bác sĩ chỉ định phẫu thuật cắt bỏ mắt bên trái, mắt bên phải thì bị suy giảm 50% thị lực. “Lúc đó tôi nghĩ mình còn trẻ, 2 con nhỏ dại mà chỉ còn nửa con mắt thế này thì nản quá. Nằm ở bệnh viện, hàng ngàn câu hỏi được đặt ra trong đầu, với sự bế tắc không biết ngày mai mình sẽ sống ra sao”, ông Bình nhớ lại những ngày bi đát.
Sau tai nạn, gia đình ông Bình lâm vào cảnh túng quẫn, các con có nguy cơ bỏ học. Đáng buồn nhất, gia đình ông rơi vào danh sách hộ nghèo của địa phương từ năm 2005 đến năm 2007. “Hồi đó, mọi gánh nặng đều đè lên vai vợ. Để có tiền nuôi chồng con, vợ tôi đạp xe đi làm ở lò gạch, mỗi tuần chỉ về được một lần. Tôi vừa làm cha, vừa thay vợ làm mẹ để chăm các con”, ông Bình nhớ lại.
Cứ tưởng một tai nạn như thế là quá đủ, nào ngờ trong một lần làm ở lò gạch, bà Hồ Thị Thảo (51 tuổi, vợ ông Bình) ngã quỵ tại nơi làm. Sau khi đưa đến bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán bà bị u vú và phải cắt bỏ vú trái. Những ngày tháng sau đó, gia đình ông rơi vào cảnh cùng cực khi tiền hóa trị, xạ trị cho vợ lên đến hàng trăm triệu đồng.
Vươn lên làm giàu
Mãi đến năm 2008, khi sức khỏe dần hồi phục trở lại, ông Bình quyết tìm cách khôi phục kinh tế gia đình. Không đủ điều kiện để đi làm công, ông tìm cách để tự tạo việc làm cho mình. Ông mạnh dạn vay mượn tiền bạc rồi dựng chuồng nuôi bò, lợn nái sinh sản và gà.
Thời gian đầu chưa có kinh nghiệm, cộng với thị lực nửa con mắt còn nhìn hạn chế, đi lại cũng khó khăn nên việc làm ăn của ông Bình gặp nhiều gian nan. Thế nhưng ông cùng với vợ tự động viên nhau vượt qua khó khăn. “Thấy ông ấy chỉ còn nửa con mắt mà cứ cặm cụi ngoài vườn, rồi đến chuồng bò, chuồng lợn, tôi vừa thương, vừa lo. Xót nhất là mỗi khi thời tiết thay đổi hay mưa giông hơi đất bốc lên, mắt ông ấy lại lên cơn đau nhức nhưng cắn răng chịu đựng để đi che chắn cho đàn gà, đàn lợn khỏi ướt mưa”, bà Thảo tâm sự.
Trước khi quyết định làm gì, ông Bình đều chịu khó nghiên cứu kỹ càng, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, đọc sách vở, đầu tư trang thiết bị cần thiết. Cũng nhờ vậy mà việc chăn nuôi của ông ít bị rủi ro. Rồi trời cũng không phụ lòng người, sự chăm chỉ, nghị lực của ông cũng mang lại hiệu quả. Năm 2010, gia đình ông bắt đầu có của ăn của để.
Kiếm sống đối với người tàn tật đã khó, làm giàu lại là chuyện càng khó hơn. Vậy mà ông Bình đã làm được, cơ ngơi của vợ chồng ông là căn nhà khang trang xây năm 2011, các con đều ăn học đến nơi đến chốn, có công ăn việc làm ổn định. Với những cố gắng của mình, ông Bình đã được Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam tặng Bằng khen vì đã có thành tích vượt khó vươn lên trong lao động, học tập giai đoạn 2013 - 2015.
Chia sẻ với người đồng cảnh ngộ
Ông Bình hiện là Chi hội phó Chi hội khuyết tật Đoàn Kết huyện Tuy Phước. Chi hội có vai trò trợ giúp những hộ khuyết tật nghèo về sinh kế, học nghề, vận động tặng quà, xây nhà tình thương... Công việc mang tính tự nguyện, không có trợ cấp này với ông Bình là cơ hội để ông được chia sẻ, động viên những người không may mắn giống mình.
Thấy ông không có thời gian nghỉ ngơi vì phải “vác tù và hàng tổng”, bà Thảo nhiều lúc xót nửa con mắt còn lại của chồng vốn đã yếu ớt nay lại hay đau nhức, chảy nước mắt khi đọc tài liệu, nay lại thường xuyên ngồi máy tính làm việc. Tâm ý của bà chỉ mong ông xong việc bò, lợn, ruộng vườn, rồi dành thời gian nghỉ ngơi cho hồi phục sức khỏe. Nhưng ông cười xòa: “Còn làm được gì đó cho những người giống mình bớt khó khăn, có thêm động lực, tôi vẫn làm. Đó là niềm vui cuộc đời, giúp tôi thấy mình sống ý nghĩa”.
* Tháng 4/2016, ông Bình là 1 trong 5 gương mặt người khuyết tật tiêu biểu của tỉnh Bình Định được biểu dương tại Hội nghị Người khuyết tật toàn quốc ở Hà Nội. * Ông Phan Thanh Dũng - Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Bình Định: “Ông Bình là tấm gương mà những người bình thường cũng cần phải học hỏi, bởi ông luôn vượt lên trên khó khăn và giúp đỡ nhiều người khác''. |