“Đổi gió”, ra nước ngoài mua sắm cho “oách” (hình chỉ mang tính minh họa) |
- Chẳng biết tự bao giờ, mua sắm đã trở thành nhu cầu thiết yếu, không thể thiếu trong cuộc sống, nhất là đối với phụ nữ. Mua sắm hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, hàng năm hoặc vào những dịp đặc biệt. Mua sắm ở vỉa hè, chợ, siêu thị; tận vườn, tận vựa cả trong lẫn ngoài nước. Mua sắm trong nước là chuyện thường ngày, “như cơm bữa”. Lâu lâu phải “đổi gió”, ra nước ngoài mua sắm cho “oách”. Nhiều tiền thì đi Mỹ, châu Âu. Ít hơn thì đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc). Ít nữa thì đi Malaysia, Thái Lan, Singapore… Cứ vào các outlet để “săn” hàng giảm giá, tha hồ lựa chọn. Nhưng rẻ và dễ mua nhất là đi Campuchia.
Thường shopping ở các nước, chủ yếu là hàng may mặc, mỹ phẩm hoặc điện tử. Campuchia có thêm hàng tiêu dùng và thực phẩm. Phnom Penh chỉ cách TPHCM 240km, sáng đi là trưa tới. Lý tưởng nhất là 2 ngày nghỉ cuối tuần. Nên đi theo tour mua sắm, để được tư vấn, hướng dẫn và đảm bảo việc ăn uống nghỉ ngơi và thỏa sức shopping. Kinh tế Campuchia mạnh nhất là dệt may xuất khẩu, từ năm 2003 đã được hưởng quy chế tối huệ quốc của Mỹ. Sau dệt may là thủy hải sản, du lịch, nông lâm nghiệp và dịch vụ. Mua sắm ở Phnom Penh rất đa dạng, từ quần áo, cả xuất khẩu và nội địa; mỹ phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ cho đến thủy hải sản và lương thực thực phẩm.
- Dân mua sắm có kinh nghiệm thường so giá các mặt hàng ở Việt Nam trước khi xuất ngoại shopping. Không phải hàng nào ở nước ngoài cũng rẻ hơn Việt Nam. Không khéo còn “tha củi về rừng” mua nhầm hàng Việt Nam xuất khẩu. Tùy theo dự tính mà bạn có sự chuẩn bị tương thích. Thông thường người Việt thích bắt chước, hay mua theo kiểu phong trào. Muốn mua sắm Phnom Penh, ngoài việc nắm giá các loại mỹ phẩm thì nên ra chợ Tân Bình so giá quần áo, đến chợ Hồ Thị Kỷ (Q.10) hỏi giá các hàng khô của Campuchia để tính toán. Nếu không biết thì trước khi mua, gọi điện thoại về Việt Nam hỏi giá. Điện thoại Mobitel (của Viettel) ở Campuchia gọi về Việt Nam rất rẻ, chỉ nhỉnh hơn cước di động trong nước chút đỉnh.
Phnom Penh có nhiều chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Phải biết sắp xếp thời gian thế nào cho hợp lý. Sáng, rời Sài Gòn; trưa, ăn xong, nhận phòng là đi chơ Mới (phsar Thmey). Chợ bán sản phẩm may mặc, quần áo và giày, các loại hàng lưu niệm, đá quý, nhất là đồng hồ. Trong chợ có món chè thốt nốt lạnh kèm nước cốt dừa, sữa, sầu riêng “ngon bá cháy”. Chủ quán là người Việt với hàng chục món chè lạ, có độc chiêu “không rửa chén” nhưng rất vệ sinh và độc đáo (dùng plastic proof lót chén rồi lột bỏ). Chợ còn bán món trứng kiến (để chiên trứng hoặc nấu canh chua) - hàng hiếm nên thường phải dặn trước. Quanh chợ có nhiều cửa hàng bán điện thoại di động. Cách chợ vài trăm mét là trung tâm thương mại Sorya bề thế. Từ 17h chợ đóng cửa nên 16h, quanh chợ đã tấp nập các món BBQ hải sản thơm điếc mũi. Tối thong dong vào AEON - siêu thị Nhật Bản được xem là lớn nhất ASEAN, tha hồ “nghía” và rinh đồ về.
Sáng hôm sau đi chợ Nga (phsar Toul Tum Puong) mua hàng hiệu và đồ xuất khẩu. Phải có thời gian rảo và lựa vì các cửa hàng kiểu outlet có khi không đủ size. Chợ Nga còn bán đồ giả cổ và nhiều mặt hàng lưu niệm lạ mắt. Chợ Cây Tre (phsar Orussey) bán lương thực thực phẩm, các loại khô. Gạo Campuchia chưa lạm dụng phân bón và thuốc trừ sâu. Các mặt hàng khác như đậu xanh, đậu phộng, hạt sen, măng, nấm… đều rẻ hơn ở Việt Nam. Phổ biến nhất là khô cá lóc, cá tra phồng (vì khi chiên da cá phồng lên), cá sủ, cá kết, lạp xưởng, trứng cá lóc muối… Mắc nhất là cá leo, giá 50 - 70 USD/kg. Lạp xưởng của Siem Reap loại 1, giá chừng 10 USD/kg trở xuống (có 3 loại). Rẻ nhất là tôm khô. Buổi trưa sau khi ăn “đã đời” với lẩu băng chuyền suky, nếu còn nhu cầu mua sắm bổ sung, bạn cứ dành thêm vài giờ tùy thích, chỉ là về trễ, tốn thêm bữa ăn chiều ở Bò tơ Xuân Đào, Củ Chi.
Nếu biết tính toán, tiền lời mua hàng còn hơn cả tiền tour, ăn ở 3 sao trọn gói. Nhớ “rinh” vài thùng bia Angkor về đãi bạn.