Ra vẻ ta đây ở chỗ đông người

04/08/2015 - 01:09
Ở chỗ đông người thì việc cần thiết hàng đầu vẫn là phép ứng xử tôn trọng “người ấy”. Đó cũng là một cách “làm sang” cho nhau, chẳng việc gì phải chứng tỏ “vai vế” của riêng mình.

Nên tôn trọng "nửa kia" của mình ở chỗ đông người (Ảnh minh họa)

Lúc chỉ có 2 người, bao giờ họ cũng ríu rít như chim khuyên, “gọi dạ bảo vâng” ngọt ngào không chê vào đâu được. Việc ai nấy làm theo nề nếp đã phân công, chẳng hề có chút tị nạnh, so đo gì. Dù không quy ước rõ ràng nhưng hầu như ai cũng mặc nhiên thừa nhận và làm tốt vai trò của mình. Có lúc cảm thấy bị thua thiệt một chút cũng chẳng sao. Việc nhà mình, mình biết chứ nào có ai khác xía mắt nhìn vào đâu mà xấu mặt, ngượng ngùng?

Thế nhưng, khi có người khác thì mối quan hệ ấy lại dẫn tới không ít chuyện oái oăm. Kỳ cục thật, lúc ấy tâm tính của vợ/chồng lại thay đổi theo chiều hướng khác. Trước mặt mọi người, vợ/chồng muốn làm “ra vẻ ta đây” khiến “nửa kia” phải răm rắp phục tùng. Khi chứng tỏ uy quyền đó, người đó ngầm chứng minh rằng, trong cái nhà này này mình mới là nhân vật chính, có quyền quyết định mọi việc, còn “nửa kia” chỉ đóng vai trò phụ thuộc.

Do suy nghĩ đó, có những trường hợp khiến nhiều người cảm thấy hụt hẫng. Lâu nay, dù đang là trưởng phòng một công ty lớn, nói ra một tiếng lập tức “lính tráng” nghe răm rắp nhưng lúc về nhà, anh là ôsin thứ thiệt. Mỗi chiều, tan sở là anh có nhiệm vụ đi đón con, đưa về rồi tắm rửa cho nó. Mà đã xong đâu, anh còn lụi hụi vào bếp chuẩn bị trước thực phẩm, cắm nồi cơm điện, để lúc vợ về là có thể thao tác nhanh cho bữa cơm chiều. Sau bữa ăn, ngày nào anh cũng tự giác thu dọn “bãi chiến trường”, nhiều khi còn cao hứng lau nhà, rửa xe cho vợ… Tất nhiên, cô vợ hài lòng và cảm thấy mình “tốt số” khi chồng có trách nhiệm.

Thế nhưng, “thời khóa biểu” ấy đảo lộn khi có người bà con từ quê vào thăm và ở chơi dăm hôm. Chẳng hiểu, tại sao những ngày ấy anh lại bất ngờ đổi tính trái nết. Đi làm thì thôi, chứ về nhà, bao giờ anh cũng ngang nhiên đóng vai “ông chủ”. Bất kỳ việc gì, anh cũng không thèm mó tay vào, hễ mở miệng ra chỉ là câu mệnh lệnh chứ không còn “cưng ơi, em à” ngân nga dấu chấm lửng trìu mến như mọi ngày. Ăn xong, anh đứng phắt dậy bước ra phòng khách, thỉnh thoảng ngoái đầu: “Em, tăm đâu?”, “Em, lấy cho anh tờ báo ngày hôm nay!” “Em, ngày mai đi chợ nhớ mua… nhá!”. Chưa hết, những lúc trò chuyện với khách, anh lại than phiền vợ vì một vài tính cách nào đó và không quên… đề cao mình như thể nếu không có anh thì mọi việc lớn bé hỏng bét hết! Sở dĩ thế vì anh ta muốn khẳng định vị trí cao nhất trong nhà.

Đôi lúc, bạn bè tụ tập lại nhà lai rai, theo phép lịch sự có người khen chủ nhà đôi câu vô thưởng vô phạt: “Chà, bộ ghế salon này, cái dàn máy nghe nhạc kia hợp với không gian nhà anh quá”. Lập tức, anh gân cổ oang oang: “Không có tớ thì sức mấy, bà xã còn lâu mới có gu thẩm mỹ tinh tế đó”. Cô vợ nghe nhưng nào dám cãi, chỉ len lén thở dài sườn sượt vì hóa ra lâu nay cô không là “cái đinh” gì à?

Có đôi vợ chồng lúc ở nhà thì chẳng sao, trong bữa ăn muốn nhâm nhi thêm chút bia nữa, anh chỉ việc nịnh vợ nấu thức ăn ngon, hợp khẩu vị là cô nàng châm chước ngay. Vậy mà những lúc xuất hiện nơi đông người, quái lạ, cô lại trở nên khó tính như… bà mẹ chồng xét nét từng chút, từ những việc cỏn con. Ai đời, lúc mọi người chạm cốc vui vẻ, chàng vừa hăng hái cầm ly, mới kề lên miệng thì bất ngờ nàng dằn ly: “Anh có biết đây là ly thứ mấy rồi không? Lại say xỉn như mọi lần, nói năng thiếu kiềm chế thì quê mặt”. Nghe thế, bao nhiêu hưng phấn, rộn ràng bỗng cụt hứng như xe không phanh lao dốc. Chưa hết, lúc chàng vừa cầm đũa gắp thức ăn, vợ đưa mắt: “Anh có nhớ bác sĩ đã cấm anh ăn thứ gì không?”. Nghe liên tiếp mấy chữ “không”, anh chồng choáng luôn, không muốn ngồi lại với bạn bè chút nào nữa!

Lúc chồng/vợ “chuyển tông” qua vai diễn khác rất “hách xì dầu”, dù không nói ra nhưng thiên hạ ngầm cười ruồi: “Người này” lắm lời, thiếu tế nhị; “người kia” nhu nhược quá. Dù rằng, có thể những hành động, lời nói ấy chỉ cố tình “lên gân” trong chốc lát chứ thâm tâm không hề có ý định đó nhưng rồi, người trong cuộc vẫn cảm thấy bị xúc phạm nặng nề.

Cách khôn khéo nhất, ở chỗ đông người thì việc cần thiết hàng đầu vẫn là phép ứng xử tôn trọng “người ấy”. Đó cũng là một cách “làm sang” cho nhau, chẳng việc gì phải chứng tỏ “vai vế” của riêng mình. Đừng quên, tùy thuộc vào ứng xử của mình mà thiên hạ có tôn trọng người chồng/người vợ hay không? Nếu có chuyện gì không hài lòng, cứ bình tĩnh đợi lúc chỉ có 2 người rồi “đóng cửa bảo nhau” vẫn tốt hơn. Hơn thua là với người ngoài, chứ đã ăn đời ở kiếp thì “lên mặt kẻ cả” phỏng có ích gì?

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm