Rắc rối không nhỏ 'vùng sàn chậu' sau sinh

23/08/2016 - 14:20
Sau khi sinh nở, chị em dễ gặp những tình huống dở khóc, dở cười liên quan đến vùng sàn chậu nhưng ngại không đi khám.
BS Nguyễn Thị Tân Sinh, nguyên Phó Trưởng khoa Sản, BV Bạch Mai cho biết: Các cơ của vùng sàn chậu có chức năng rất quan trọng là nâng đỡ và giữ các tạng ở phần bụng dưới như bàng quang, trực tràng tử cung. Các cơ của sàn chậu còn có chức năng quan trọng khác là đóng mở đường thoát nước tiểu, thoát phân và khép kín âm đạo.

Khi các cơ vùng sàn chậu không còn săn chắc, nhiều hậu quả có thể xảy ra như đường tiểu không được đóng kín gây tiểu không tự chủ. Són tiểu xảy ra ngay cả khi ho, hắt hơi, cười, lên xuống cầu thang, bế con, tập thể dục… Hậu môn không được đóng kín gây són phân, trung tiện không tự chủ; âm đạo không co khít làm giảm khoái cảm khi sinh hoạt tình dục; các tạng ở phần dưới ổ bụng như bàng quang, tử cung, trực tràng có thể sa ra ngoài, gây vướng víu, cản trở sinh hoạt hàng ngày. Nặng hơn còn bị viêm loét đau đớn, táo bón…
san.jpg
Chị em tập vậy lý trị liệu hỗ trợ trị bệnh ở sàn chậu
Đưa ra nguyên nhân của tình trạng trên, BS Nguyễn Thị Tân Sinh cho rằng, sự suy yếu cơ sàn chậu là do thai nghén, sinh đẻ, mãn kinh, thừa cân béo phì. Tỷ lệ mắc các rối loạn kể trên chiếm 25% ở phụ nữ Việt Nam ở tuổi sinh đẻ, tăng đến 36% khi mãn kinh. Nhiều chị em thường phải âm thầm chịu đựng vì chưa có một phương pháp điều trị nào có hiệu quả hoặc e ngại khi đi khám. Các bệnh lý rối loạn chức năng sàn chậu cũng có thể gặp ở trẻ em, người trưởng thành, người sau phẫu thuật gây ra tình trạng rối loạn tiểu tiện, đại tiện (són tiểu, són phân, táo bón...), ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và sinh hoạt trong cuộc sống.
 
“Trẻ em mắc bệnh ở sàn chậu dễ gây stress về tâm lý, hạn chế việc tham gia các hoạt động tập thể, thậm chí có thể phải bỏ học do bạn bè xa lánh; còn người trưởng thành gây nhiều phiền toái trong cuộc sống, tự ti, xấu hổ, ảnh hưởng lớn tới quan hệ vợ chồng và hạnh phúc gia đình”, BS Nguyễn Thị Tân Sinh chia sẻ thêm.
 
Cần điều trị tổng thể
Nếu điều trị được sa sàn chậu thì giải quyết được các rối loạn của 3 cơ quan vùng chậu cùng thời điểm. Các rối loạn xảy ra trên 3 trục sàn chậu thường là: Tiết niệu (đi tiểu khó, tiểu mất tự chủ…); sản phụ khoa (sa sinh dục, giao hợp khó...); hậu môn trực tràng (rối loạn thoát phân, đi cầu mất tự chủ…).

“Để chẩn đoán chính xác các tổn thương gây ra chứng bệnh này cần có các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, đo chức năng hoạt động của các cơ sàn chậu, phương pháp kích thích điện… Còn điều trị không khó nhưng có thể kết hợp tập luyện phản hồi sinh học tại phòng tập phục hồi chức năng sàn chậu, dưới sự hướng dẫn của bác sĩ sẽ giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi, nâng cao chất lượng cuộc sống”, BS Nguyễn Thị Tân Sinh cho biết.

Do đây là bệnh xảy ra ở phụ nữ, các triệu chứng bao gồm cả về tiết niệu, phụ khoa và hậu môn nên biểu hiện của bệnh đa dạng. Khi có triệu chứng về tiết niệu, các bác sĩ sẽ phải thăm khám cả phần phụ khoa lẫn hậu môn để không bỏ sót các thương tổn này. Các chuyên khoa hậu môn và phụ khoa cũng vậy, sẽ chú ý đến cả triệu chứng của các phần khác ở vùng chậu. Khi làm được như vậy mới có phương pháp điều trị tổng hợp về sàn chậu cho bệnh nhân. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm