'Rải' sổ tiết kiệm khắp nơi để 'tiền đẻ ra tiền'

20/02/2019 - 17:10
Nhiều người chọn gửi tiết kiệm để đảm bảo an toàn cho khoản tiền của mình. Song, cũng có người chọn gửi tiết kiệm như một kênh để sinh lời. Nếu muốn kiếm thêm một khoản từ gửi tiết kiệm, bạn có thể tham khảo kinh nghiệm "rải" sổ tiết kiệm khắp nơi, để "tiền đẻ ra tiền" sau đây.
Nghỉ hưu nhưng sau Tết, bà Nguyễn Thị Liễu (Q.Tây Hồ, Hà Nội) còn bận rộn hơn cả dân công sở. Liên tục đi lại giữa các ngân hàng gần nhà để tìm hiểu thông tin về lãi suất huy động, các chính sách ưu đãi của các ngân hàng, bà Liễu cho biết, nếu chịu khó tính toán, lựa chọn ngân hàng, số tiền lãi từ sổ tiết kiệm của bà trong mấy tháng đầu năm cũng được kha khá. 
 
Sinh lời từ sổ tiết kiệm
 
Tiết kiệm được 800 triệu đồng nhưng bà Liễu không chọn gửi vào một ngân hàng mà tách thành nhiều sổ khác nhau. "Các cụ dạy rồi, không nên để hết trứng vào một giỏ", bà Liễu chia sẻ. Bà dành một nửa số tiền tiết kiệm (400 triệu đồng) gửi vào ngân hàng nhà nước có tính đảm bảo cao và gửi với kỳ hạn dài (1 năm) để lấy lãi tiết kiệm cao hơn các kỳ gửi ngắn hạn.
 
Với số tiền 400 triệu đồng còn lại, bà tách ra làm nhiều sổ, mỗi sổ 50 triệu, 100 triệu, đem đi gửi với nhiều kỳ hạn khác nhau, tại các ngân hàng khác nhau để lấy tiền lãi phụ vào tiền lương hưu chi tiêu, sắm sửa.
 
 
so-tiet-kiem-5.jpg
Chọn ngân hàng lãi suất cao để gửi tiền là cách bà Liễu áp dụng để sinh lời từ khoản tiền tiết kiệm

 

Theo kinh nghiệm của bà Liễu, các ngân hàng cổ phần, ngân hàng nhỏ thường có lãi suất cao hơn ngân hàng nhà nước. Như tại thời điểm này, lãi suất huy động của các ngân hàng đang duy trì ở mức cao. Với kỳ hạn 6 tháng, mức lãi suất dao động từ 5,5-8%/năm. Với kỳ hạn dài từ 1 năm trở lên, lãi suất phổ biến quanh mức 7-8,7%/năm. Trong đó lãi suất cao thuộc về các ngân hàng thương mại cổ phần như: ngân hàng Bản Việt lãi suất kỳ hạn tiền gửi 6 tháng là 7,8%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 8%/năm và kỳ hạn 24 tháng là 8,6%/năm. Ngân hàng VIB lãi suất kỳ hạn 12 tháng là 8,4%/năm; ngân hàng SHB kỳ hạn 24 tháng là 8,7%/năm. Tất nhiên, chọn ngân hàng cổ phần sẽ được hưởng lãi cao hơn.
 
Ngoài ra, một số ngân hàng tư nhân còn có áp dụng các ưu đãi cho người cao tuổi, hưởng lãi suất thêm 0,5 hoặc 1%, hay ưu đãi khi gửi tiền online… Những chương trình này, khi giao dịch tại quầy, bà Liễu luôn hỏi các nhân viên ngân hàng. Ngân hàng nào có lãi suất cao, ưu đãi nhiều là bà gửi. Tuy nhiên, gửi tiền ở các ngân hàng nhỏ cũng có những rủi ro, vì vậy, bà Liễu chỉ gửi trong thời gian ngắn hạn, 1 tháng, 3 tháng, tối đa là 6 tháng. Bà Liễu nói vui: "Sổ tiết kiệm của tôi đang rải ở khắp nơi để nhận ưu đãi".
 
 
so-tiet-kiem-2.jpg
Những chương trình tiết kiệm dự thưởng mức lãi suất thường không cao bằng tiết kiệm thường

 

Thêm một bí quyết chia sẻ của bà Liễu, khi gửi tiết kiệm, đặc biệt là trong dịp lễ, Tết, để thu hút người gửi tiền, các ngân hàng thường đưa ra nhiều chương trình quà tặng, bốc thăm trúng thưởng…. Nếu tham dự những chương trình này, lãi suất gửi tiền sẽ thấp hơn. Vì vậy, theo bà Liễu, không nên vì tham bộ bát, chiếc áo mưa hay cơ hội trúng nhà, trúng xe… mà tham gia gửi tiết kiệm dự thưởng. Tỉ lệ trúng rất thấp, mà lại bị hạ lãi suất của sổ tiết kiệm.
 
Để sinh lời từ lãi suất gửi tiết kiệm, điều quan trọng nhất là phải liên tục theo dõi lãi suất và tham khảo các ngân hàng cổ phần có lãi suất cao. Về hưu, nên bà có nhiều thời gian để tìm hiểu các thông tin về lãi suất. Bà Liễu cho biết thêm, hiện nay, ngân hàng nào cũng niêm yết lãi suất trên trang web, nếu không đến ngân hàng, bà vẫn có thể lên mạng để tìm hiểu. Ngoài ra, cũng cần theo dõi ngày đáo hạn của các sổ, để quyết định gửi tiếp hoặc rút tiền gửi sang ngân hàng khác.
 
 
so-tiet-kiem-3.jpg
Bí quyết của bà Liễu là liên tục theo dõi lãi suất và tham khảo các ngân hàng cổ phần có lãi suất cao

 

Bí quyết để "tiền đẻ ra tiền"
 
Nếu biết các tích cóp, số tiền tiết kiệm sẽ tăng lên hàng tháng. Bà Liễu cho biết, bà không giỏi buôn bán nhưng bằng cách chăm chỉ tích cóp từ khi còn đi làm, đến lúc về hưu, bà mới có được 800 triệu đồng gửi tiết kiệm như vậy.
 
Khi còn đi làm, mỗi lần có những khoản tiền thu nhập ngoài dự kiến như tiền làm thêm, tiền thưởng…, bà Liễu đều gửi vào tài khoản ngân hàng. Sau này về hưu cũng vậy, chi tiêu đã có tiền lương nên mỗi khi được các con biếu, bà lại mang gửi vào tài khoản. Được 5 triệu, 10 triệu là bà lại làm một sổ tiết kiệm nhỏ. 
 
swift-code-ngan-hang.jpg
Ảnh minh họa

  

Sau đó, khi các sổ tiết kiệm lớn gửi tại ngân hàng nào đến kỳ đáo hạn, bà tách ra để chi tiêu, mua quà cho con cháu. Phần gốc, bà gộp cùng với các sổ nhỏ 5, 10 triệu đó, để tăng thêm giá trị cho sổ tiết kiệm.
 
Chọn cách sinh lời từ sổ tiết kiệm, theo bà Nguyễn Thị Liễu, đây vừa là cách an toàn, vừa mang đến niềm vui và sự an tâm cho tuổi già của mình. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm