Răng bị mẻ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách xử lý

Tiểu Quyên
21/09/2021 - 14:08
Răng bị mẻ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách xử lý
Răng bị mẻ là tình trạng nhiều người gặp phải. Tuy không phải là vấn đề quá nghiêm trọng nhưng đây cũng là tình trạng cần được xử lý sớm để tránh các tổn thương khác trên răng.

Men răng hay còn gọi là lớp vỏ cứng bên ngoài của răng là một trong những bộ phận rắn nhất trong cơ thể. Tuy nhiên, men răng cũng có giới hạn chịu đựng tác động. Một cú đánh mạnh hoặc mài mòn quá mức có thể khiến răng bị mẻ. Cuối cùng, bề mặt răng bị biến dạng, lởm chởm hoặc yếu hơn.

1. Nguyên nhân khiến răng bị mẻ

Răng bị mẻ có thể do nhiều nguyên nhân gây nên. Tuy nhiên, các nguyên nhân gây mẻ răng phổ biến thường bao gồm:

- Cắn phải các chất cứng, chẳng hạn như đá hoặc các loại thức ăn quá rắn;

- Tai nạn xe hoặc bị ngã;

- Chơi các môn thể thao tiếp xúc mà miệng không được bảo vệ;

- Do tình trạng nghiến răng khi ngủ;

Răng bị mẻ: Nguyên nhân, yếu tố nguy cơ và cách xử trí - Ảnh 1.

Răng bị mẻ có thể do nhiều nguyên nhân gây nên - Ảnh: alangoldendds

2. Các yếu tố nguy cơ đối với tình trạng răng bị mẻ

Có khá nhiều yếu tố khiến răng dễ bị mẻ hơn so với bình thường. Đầu tiên là do răng bị yếu cộng với một số yếu tố khác như:

Sâu răng: Tình trạng sâu răng khiến men răng bị mòn là yếu tố khiến răng bị mẻ dễ dàng nhất. Các miếng trám lớn ở răng bị sâu cũng có xu hướng khiến răng bị yếu hơn.

Nghiến răng: Thói quen nghiến răng khi ngủ về lâu dài có thể làm mòn men răng, dễ gây sứt mẻ răng khi có va chạm.

Chế độ ăn nhiều thực phẩm tạo ra axit: Một số loại thực phẩm như nước hoa quả, đồ ăn cay, cà phê có thể khiến men răng bị phá vỡ và làm lộ bề mặt răng ra ngoài.

Trào ngược axit hoặc ợ chua: Hai căn bệnh ở đường tiêu hóa này có thể đưa axit từ dạ dày lên miệng của người bệnh, khiến men răng bị hỏng đi.

Tuổi tác: Men răng sẽ bị mòn dần theo thời gian. Do đó, tuổi tác cũng khiến sức khỏe răng yếu dần đi. Nhiều nghiên cứu cho thấy, gần 2/3 người bị nứt răng đều trên 50 tuổi.

3. Các triệu chứng của răng bị mẻ

Nếu vị trí răng bị mẻ không ở răng cửa, người bệnh có thể hoàn toàn không biết việc răng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, các triệu chứng của chiếc răng bị mẻ có thể xảy ra bao gồm:

Răng bị mẻ: Nguyên nhân, yếu tố nguy cơ và cách xử trí - Ảnh 2.

Nếu vị trí răng bị mẻ không ở răng cửa, người bệnh có thể hoàn toàn không biết việc răng bị ảnh hưởng - Ảnh: wmsmile

- Cảm thấy bề mặt lởm chởm khi dùng lưỡi lướt trên răng;

- Vùng nướu xung quanh chiếc răng bị mẻ có cảm giác bị kích ứng;

- Lưỡi bị kích thích do thói quen dùng lưỡi chà xát lên vùng răng bị mẻ và thô ráp;

- Cảm giác đau do áp lực tác động lên răng khi cắn. Ngoài ra, cơn đau có thể dữ dội nếu vị trí mẻ ở gần các dây thần kinh của răng.

4. Chẩn đoán răng bị mẻ

Việc chẩn đoán một chiếc răng bị mẻ khá đơn giản, bác sĩ có thể chẩn đoán dễ dàng thông qua kiểm tra răng miệng thông thường. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ hỏi về các triệu chứng và các tác động lên răng để xác định vị trí của răng bị mẻ.

Nếu cơn đau của bạn quá trầm trọng, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số kiểm tra khác, chẳng hạn như chụp X-quang hàm để xác định vùng bị ảnh hưởng.

5. Các lựa chọn điều trị răng bị mẻ

Răng bị mẻ phải làm sao là lo lắng của hầu hết mọi người khi gặp phải tình trạng này. Tuy nhiên, việc điều trị răng bị mẻ còn phụ thuộc vào vị trí, các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của chiếc răng đó. Trừ trường hợp mẻ răng gây ra cơn đau dữ dội, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường thì răng bị mẻ không phải là trường hợp khẩn cấp cần được cấp cứu.

Răng bị mẻ: Nguyên nhân, yếu tố nguy cơ và cách xử trí - Ảnh 3.

Răng bị mẻ phải làm sao là lo lắng của hầu hết mọi người khi gặp phải tình trạng này - Ảnh: downtowndentist

Tuy nhiên, việc thăm khám với bác sĩ càng sớm sẽ càng tốt trong việc phòng tránh nhiễm trùng hoặc các tổn thương khác cho răng. Nếu răng chỉ bị một vết nứt nhỏ, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng cách đánh bóng răng khá đơn giản.

Đối với trường hợp răng bị mẻ miếng lớn, bác sĩ có thể đề nghị một trong các phương án điều trị sau:

5.1. Gắn lại răng

Nếu bạn vẫn còn giữ mảnh vỡ của răng, hãy đặt nó vào một cốc sữa để duy trì tình trạng ẩm. Sau đó, hãy đem mảnh vỡ đến gặp bác sĩ ngay lập tức. Bác sĩ có thể thực hiện gắn mảnh vỡ lại với răng khá nhanh chóng.

5.2. Gắn sứ veneer

Gắn sứ veneer cho răng ngày nay khá phổ biến để tái tạo thẩm mỹ lại cho những chiếc răng bị mẻ. Trước khi gắn sứ veneer, bác sĩ sẽ mài đi một ít men răng để tạo khoảng trống cho lớp veneer. Thông thường, men răng sẽ bị cạo đi dưới 1mm.

Sau đó, nha sĩ sẽ lấy dấu răng của người bệnh và gửi đến phòng thí nghiệm để tạo lớp sứ veneer. Sau khi veneer sẵn sàng, bác sĩ sẽ gắn lớp sứ này vào răng của người bệnh. Vật liệu này được đánh giá giá bền, có thể tồn tại đến 30 năm.

5.3. Lớp phủ nha khoa

Răng bị mẻ: Nguyên nhân, yếu tố nguy cơ và cách xử trí - Ảnh 4.

Lớp phủ nha khoa có thể tồn tại khá lâu lên đến vài thập kỷ - Ảnh: robertwilcoxdmd

Nếu phần bị mẻ chỉ ảnh hưởng đến một phần răng của bạn, nha sĩ có thể gợi ý thực hiện một lớp phủ nha khoa lên răng. Lớp phủ này thường được dùng cho bề mặt răng hàm. Người bệnh có thể được gây mê để bác sĩ thao tác trên răng, đảm bảo có chỗ cho lớp phủ phía trên.

Lớp phủ răng này có thể được thực hiện ở phòng thí nghiệm sau khi người bệnh được bác sĩ thực hiện lấy dấu răng; có thể được làm ngay trong ngày và không quá phức tạp. Lớp phủ nha khoa có thể tồn tại khá lâu lên đến vài thập kỷ, tuy nhiên vẫn còn phụ thuộc vào việc bạn có ăn nhiều thực phẩm khiến lớp phủ bị bào mòn hay không.

6. Chăm sóc răng bị mẻ

Mặc dù việc đến bác sĩ thăm khám và chỉnh sửa răng bị mẻ là điều vô cùng cần thiết, nhưng bạn có thể thực hiện một số bước giúp giảm chấn thương cho răng như sau:

- Đặt một vật liệu giúp trám răng tạm thời, chẳng hạn như kẹo cao su không đường hoặc sáp nha khoa lên mép răng bị mẻ để bảo vệ lưỡi và nướu.

- Trong trường hợp bị đau, người bệnh có thể dùng thuốc giảm đau chống viêm như ibuprofen.

- Chườm đá bên ngoài má ở vị trí răng bị mẻ nhằm giảm kích ứng cho khu vực này.

Răng bị mẻ: Nguyên nhân, yếu tố nguy cơ và cách xử trí - Ảnh 5.

Hạn chế tối đa việc nhai bằng răng bị mẻ

- Dùng chỉ nha khoa để vệ sinh răng, giúp loại bỏ thức ăn còn sót lại trên các kẽ răng. Điều này ít nhiều giúp giảm áp lực lên chiếc răng bị mẻ khi nhai.

- Hạn chế tối đa việc nhai bằng răng bị mẻ.

- Nên đeo miếng bảo vệ miệng khi chơi thể thao hoặc đeo ban đêm nếu bạn thường xuyên nghiến răng.

Tóm lại, răng bị mẻ là một chấn thương khá phổ biến. Trong hầu hết các trường hợp, răng mẻ không gây đau đớn quá mức và có thể điều trị bằng nhiều thủ thuật nha khoa khác nhau. Mặc dù đây không được xếp vào trường hợp khẩn cấp, tuy nhiên việc điều trị sớm sẽ giúp hạn chế các vấn đề răng miệng khác phát sinh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm