Rào cản với nạn nhân bạo lực tình dục ở Thái Lan

14/03/2016 - 07:00
Nhiều phụ nữ Thái Lan khổ sở vì bị lạm dụng hay chịu cảnh bạo lực tình dục nhưng khi họ đủ dũng cảm lên tiếng tố cáo kẻ phạm tội, lại vô tình trở thành “miếng mồi câu khách” của những tay săn ảnh vô cảm trong giới truyền thông.

Một phụ nữ trẻ bước vào đồn cảnh sát, theo sát cô là nhóm phóng viên ảnh đang tách tách bấm máy, cứ như đang bám theo một minh tinh màn bạc, dù người phụ nữ đã cố gắng che giấu khuôn mặt của mình dưới một chiếc nón rộng vành. Một tay nhiếp ảnh thậm chí còn quỳ hẳn xuống đất để nghiêng ống kính hy vọng chộp được cái nhìn thoáng qua khuôn mặt của nạn nhân. “Họ đã hành động như thể tôi là một diễn viên nổi tiếng đang gây ra một vụ scandal”, cô nói.

Người phụ nữ trẻ này không phải người nổi tiếng và cũng không làm gì sai trái. Cô là nạn nhân 23 tuổi bị hiếp dâm đã can đảm thu thập đủ chứng cứ để tố cáo kẻ phạm tội. Nhân viên cảnh sát hướng dẫn cô cách trả lời báo giới trước khi cô nộp đơn tố cáo. Không một ai nói cho cô biết cô có quyền từ chối bị chụp hình hoặc trả lời phỏng vấn. Cảnh sát không cho nạn nhân một lời khuyên phải làm gì tiếp theo và cũng không nói rõ những quyền của họ. “Tôi đã khóc vì quá áp lực”, cô gái nói.

 Những trải nghiệm của cô gái đáng thương kia hầu như không có gì bất thường ở Thái Lan. Mở một tờ nhật báo Thái hay lướt qua những trang thông tin trên Internet, người ta thường thấy những hình ảnh của nạn nhân bị hiếp dâm được thể hiện gợi đến cảnh khiêu dâm nhiều hơn. Những bức ảnh bị chỉnh sửa, thêm các hiệu ứng hoặc đơn giản chỉ tô đen đôi mắt. Thông tin cá nhân của nạn nhân như tên đầy đủ và địa chỉ nhà cũng bằng cách nào đó xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, khiến bất kỳ nỗ lực bảo vệ quyền riêng tư trở thành vô nghĩa.

Sự công khai này đã gây những hậu quả nghiêm trọng tại Thái Lan, nơi hiếp dâm bị che đậy bởi sự kỳ thị và văn hóa đổ lỗi cho nạn nhân khá phổ biến. Người phụ nữ trong câu chuyện trên là một ví dụ, cô đã bị yêu cầu thôi việc tại công ty viễn thông ngay sau khi ông chủ nhận ra cô trên tivi. Một cô gái khác ở miền Trung Thái Lan cũng bị từ chối phục vụ tại một nhà hàng địa phương sau khi tố cáo kẻ hiếp dâm. Mặc dù Thái Lan nổi tiếng với ngành công nghiệp tình dục phóng túng song văn hóa bảo thủ vẫn ăn sâu trong xã hội phụ quyền.

Theo thống kê được Hoàng gia Thái Lan cung cấp, trong năm 2014, chỉ có khoảng 3.000 nạn nhân hiếp dâm dám đứng ra tố cáo và chỉ hơn 2.000 kẻ phạm tội bị bắt – một tỷ lệ rất nhỏ so với thực tế. Một trong những nguyên nhân cản trở nạn nhân tố cáo kẻ phạm tội đó chính là việc những nạn nhân tố cáo thường bị cáo buộc rằng họ đang tìm cách để tống tiền những kẻ tấn công mình. Liên quan đến những phi lý này, Ang Intasa, người làm việc cho tổ chức Phong trào Phụ nữ và Đàn ông, một tổ chức tập trung về bình đẳng giới, còn cho biết thêm: “Mỗi khi báo chí giật tít, họ thường sử dụng các từ ngữ ám chỉ những “sai lầm của các cô gái tuổi mới lớn” để mô tả những nạn nhân bị lạm dụng tình dục. Đây là một phần những gì dẫn đến việc người ta hiểu lầm rằng phụ nữ là chủ thể gây ra lỗi lầm”.

 

Ảnh minh họa 

Hội đồng báo chí Thái Lan từ lâu đã cấm những tay săn ảnh chụp hình những nạn nhân tình dục trước đồn cảnh sát. Theo văn bản hướng dẫn thực hiện ra đời năm 2006, báo chí không được nêu tên và hình ảnh phụ nữ và trẻ em bị xâm hại tình dục. Tuy nhiên, gần 10 năm sau, hướng dẫn này vẫn bị bỏ qua. Trong một ví dụ điển hình, một bài báo xuất bản năm 2011, đã 5 năm sau khi hướng dẫn được thông qua, mà vẫn chụp hình và công khai đăng tải bức ảnh một phụ nữ bị xâm hại đang ngất trên bãi biển. Bài báo được thực hiện chỉ vài giờ sau khi cô gái bị hãm hiếp tỉnh lại. Điều đáng nói, bài báo không đi vào đúng bản chất sự việc mà tiêu đề bài báo lại mô tả vụ việc như là “một bài học về luân lý” cho “một phụ nữ say xỉn.”

Chai Patakamin, thành viên của Hôi đồng báo chí và một biên tập viên của tờ Daily News, một tờ báo lớn, thừa nhận rằng, những bài báo lá cải loại này vẫn còn tồn tại nhưng đã ít gặp hơn so với trước đây. Ông nói: “Tôi không thấy nhiều hình ảnh trong các vụ việc hiếp dâm nữa và tốt nhất, không nên công bố bất kỳ hình ảnh nào của nạn nhân”. Tuy nhiên, gần đây, ít nhất có 4 tờ báo lớn của Thái Lan đã công bố những bức ảnh trên website của họ về một nạn nhân hiếp dâm đang bị thẩm vấn bởi cảnh sát trong nhà của cô.

Sự thất bại của giới truyền thông trong việc bảo vệ quyền riêng tư của những nạn nhân bị lạm dụng tình dục có thể bắt nguồn từ một phần của mối quan hệ thâm tình giữa các phóng viên và cảnh sát. Những câu chuyện về tội phạm trên báo chí thường chỉ được cung cấp từ phía cảnh sát. Tuy nhiên, một quan chức cao cấp của cảnh sát Thái Lan cho biết, họ không bắt buộc phải thông tin tất cả các sự vụ tới báo giới, trừ khi nó đem lại lợi ích trong việc điều tra.

Giống như báo chí, lực lượng cảnh sát Thái Lan cũng là một tổ chức do nam giới thống trị nên thái độ của nhiều người trong số họ với những nạn nhân vẫn còn cổ hủ. “Những nhân viên cảnh sát thường cố gắng thuyết phục nạn nhân giải quyết “nội bộ” thay vì tố cáo vì theo quan điểm của họ hiếp dâm chỉ đơn giản là vấn đề cá nhân”, Jaded Chouwilai, Giám đốc của Phong trào Phụ nữ và Đàn ông cho biết. “Cảnh sát nam cũng thường có thái độ đổ lỗi cho nạn nhân. Họ thường hỏi nạn nhân những câu hỏi như “Cô có ăn mặc phù hợp không?”, ông Jaded cho biết thêm.

Khung pháp lý được xây dựng để bảo vệ những nạn nhân sống sót sau khi bị tấn công tình dục đã phát triển vững chắc hơn trong những năm gần đây nhưng các nhân viên xã hội nói rằng, việc thực thi vẫn còn hạn chế. Nhiều cán bộ cảnh sát thậm chí chỉ gần đây mới thực sự biết nạn nhân có quyền đòi Chính phủ bồi thường. Cảnh sát thường không bao giờ thông báo cho các nạn nhân quyền này trước đó. Bộ Tư pháp của Thái đã phải công khai nhắc nhở cảnh sát về luật này gần đây nhất là cuối tháng 11 năm ngoái. Tương tự như vậy, khi nạn nhân tới tố cáo tội phạm có quyền yêu cầu được thẩm vấn bởi cảnh sát nữ nhưng chỉ có 315 nữ cảnh sát trong toàn lực lượng trên toàn quốc nên không bao giờ đáp ứng đủ.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm