pnvnonline@phunuvietnam.vn
Rau má giải nhiệt mùa hè: Người mắc bệnh nào không nên ăn rau má?
Rau má được dùng để chế biến thành nước rau má, canh rau má... để thanh nhiệt trong mùa nắng nóng. Dù chỉ là một loại rau dại “sau hè nhà”, nhưng rau má có chứa khá nhiều dưỡng chất thực vật (phytonutrients) rất quý.
Rau má có nhiều công dụng tốt với sức khỏe.
Theo các sách thuốc cổ như Bản thảo cương mục, Dược tính luận, Nam dược thần hiệu, rau má có vị đắng, tính hàn, vào 3 kinh can, tỳ và thận, có công dụng thanh nhiệt, lợi thấp, tiêu thũng giải độc, dùng chữa các chứng tiết tả mùa hè, bệnh lỵ, vàng da do thấp nhiệt, sỏi đường tiết niệu, bỏng, khái huyết, thổ huyết đau mắt đỏ dị ứng mẩn ngứa…
Còn theo y học hiện đại, rau má có chứa glucorit như asiaticoside cenlelloside các saponin như Brahmic axit, madasiatic axit và một số chất khác như carotrnoids, meso… insositol.
Mặc dù rất tốt cho sức khỏe nhưng không phải bất cứ ai cũng nên dùng rau má.
Những người mắc bệnh sau không nên dùng rau má
Phụ nữ trước và trong khi mang thai
Phụ nữ dự định mang thai hoặc đang mang thai tốt nhất nên tránh ăn rau má bởi nó có thể làm giảm khả năng thụ thại nếu sử dụng lâu dài. Ngoài ra các chất cho trong rau má có thể dẫn đến khả năng sảy thai.
Người bị tiêu chảy
Rau má có tính hàn, có công dụng giải nhiệt nhưng cũng dễ gây ra đầy bụng và tiêu chảy nếu sử dụng nhiều. Đặc biệt với người có thân nhiệt thấp, hay bị lạnh bụng thì càng dễ tiêu chảy. Do đó, những người này nếu muốn ăn rau má nên dùng thêm một lát gừng để ấm bụng, trung hòa tính hàn của rau má.
Người bị tiêu chảy không nên dùng rau má. (Ảnh minh họa)
Người bị tiểu đường, cholesterol cao
Những ngày thời tiết nắng nóng cực điểm, nhiều người thích uống nước rau má để giải nhiệt nên ngày nào cũng dùng. Tuy nhiên, dùng quá nhiều rau má sẽ làm tăng lượng cholesterol và lượng đường trong máu. Điều này rất nguy hiểm, dẫn đến nhiều căn bệnh khác. Đặc biệt, người bị tiểu đường càng không nên ăn nhiều rau má.
Khi đang dùng thuốc
Rau má có thể tương tác với các thuốc gây buồn ngủ và thuốc chống co giật, barbiturat, benzodiazepin, thuốc mất ngủ, và các thuốc chống trầm cảm... Do đó, không nên ăn rau má khi sử dụng các loại thuốc này. Ngoài ra, nó cũng có thể làm giảm hiệu quả của insulin và thuốc tiểu đường uống khác, cũng như các thuốc hạ cholesterol.
Tác dụng của rau má với sức khỏe
Theo Healthline, dưới đây là những tác dụng của rau má:
Cải thiện trí nhớ
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn rau má mỗi ngày có thể giúp tăng cường sự tỉnh táo và trí nhớ và làm trẻ hóa não. Đặc biệt, rau má có khả năng tăng cường trí nhớ và chức năng thần kinh, mang lại tiềm năng trong điều trị bệnh Alzheimer. Một nghiên cứu năm 2012 trên chuột cho thấy chiết xuất rau má có tác động tích cực đến những bất thường về hành vi ở những con chuột mắc bệnh Alzheimer. Tuy nhiên nghiên cứu này vẫn cần tiến hành thêm.
Tốt cho hệ miễn dịch
Rau má có thể giúp hệ thống miễn dịch của chúng ta khỏi độc tố, huyết áp cao, suy tim sung huyết, bệnh hoa liễu và nhiễm trùng đường tiết niệu,.... Do đặc tính kháng sinh của nó, nó có khả năng thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương.
Hơn nữa, rau má có thể cải thiện lưu lượng máu trong khi cũng củng cố các tĩnh mạch và mao mạch làm cho chúng mạnh hơn. Nó có hiệu quả trong việc hạ sốt và điều trị bệnh lỵ ở trẻ em, đây là một dạng tiêu chảy nghiêm trọng.
Nước rau má cũng có công dụng tốt như giải nhiệt, giải độc. (Ảnh minh họa)
Giảm rạn da, giảm sẹo
Các terpenoids có trong rau má làm tăng sản xuất collagen trong cơ thể. Điều này có thể giúp ngăn ngừa các vết rạn da mới hình thành, cũng như giúp chữa lành mọi dấu vết hiện có.
Nghiên cứu năm 2015 của Hàn Quốc trên chuột phát hiện ra rằng băng vết thương có chứa rau má có tác dụng chữa lành vết thương.
Mặc dù đầy hứa hẹn, cần nghiên cứu thêm để xác nhận những phát hiện này.
Giảm đau khớp
Các đặc tính chống viêm của rau má có thể hữu ích trong điều trị viêm khớp. Trong thực tế, một nghiên cứu năm 2014 của Viện khoa học y tế Ấn Độ trên chuột thấy rằng những con chuột uống rau má làm giảm viêm khớp, xói mòn sụn và ăn mòn xương.
Một số bài thuốc từ rau má
Cảm nắng: Lấy 1 nắm rau má tươi rồi rửa sạch, giã lấy nước cốt pha loãng, thêm muối rồi uống. Hoặc hòa nước cốt rau má với nước bột sắn, đường phèn để uống. Bã đắp lên trán và thái dương lấy khăn buộc lại.
Giải nhiệt: Giã hoặc xay 30-100g rau má lấy nước uống hàng ngày (có thể chần qua nước sôi). Phối hợp với rau sam, kinh giới giúp giải nhiệt, trị mụn nhọt, rôm sẩy,... rất tốt.
Viêm họng, viêm amidan: Rau má tươi 60g rửa sạch, giã nát, ép lấy nước hòa với một chút nước ấm, uống từ từ.
Đau bụng kinh, đau lưng: Rau má khô tán bột, mỗi ngày uống 2 thìa cà phê gạt ngang.
Bột rau má cũng có thể sử dụng làm thuốc. (Ảnh minh họa)
Giải ngộ độc thuốc hoặc thực phẩm: Rau má tươi giã nát vắt lấy nước uống, có thể pha thêm một chút đường phèn.
Chấn thương phần mềm gây sưng nề: Giã nát 2-39g rau má để lấy nước hòa với một chút rượu uống.
Trẻ biếng ăn, còi cọc, đi ngoài phân sống: Rễ rau má 1 nắm to rửa sạch để cho thật ráo nước, sao khô, tán bột cho vào cháo hoặc nấu chung với bột gạo thành cháo. Có thể phối hợp bột củ mài.
Sốt xuất huyết: Rau má tươi 30 - 100g sắc uống có thể thêm cỏ mực.