pnvnonline@phunuvietnam.vn
Râu ngô được ví như “tiên dược” mùa hè, nhưng chị em uống vào thời điểm này dễ nguy hiểm
Trong đông y, râu ngô được ví là “tiên dược” bởi nó có nhiều tác dụng hỗ trợ cho sức khỏe con người, nhất là trong ngày hè. Một trong số những tác dụng mà nhiều người nhắc đến đầu tiên đó là giải nhiệt, đặc biệt trong điều kiện thời tiết ngày hè nắng nóng.
Theo các chuyên gia, trong râu ngô có vitamin và các vi chất ở dạng tự nhiên cần thiết cho cơ thể, chống oxy hoá tốt hơn bất cứ một loại thuốc bổ nào. Theo đó, râu ngô có vị ngọt, tính bình can, giúp lợi tiểu. Trong râu ngô có nhiều các vitamin K, A, B1, B2, B6, C, chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể. Đặc biệt là muối kali, lipidm tannin, tinh dầu, và các chất vi lượng khác nhau. Chính vì vậy, khi uống nước ngô thường có cảm giác ngọt và thanh mát.
Râu ngô rất tốt nhưng không nên dùng tùy tiện, đặc biệt là một số người có bệnh mãn tính.
Những ai không nên và hạn chế uống nước râu ngô
Dù được ví là "tiên dược" với nhiều công dụng nhưng theo lương y đa khoa Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội) mọi người không nên quá lạm dụng, uống nước râu ngô thường xuyên, thay nước lọc. Theo lương y Quốc Trung, tốt nhất chỉ nên dùng 10 ngày/1 tháng và không nên uống quá nhiều để tránh việc rối loạn điện giải.
Khi sử dụng cũng không nên dùng quá nhiều vào buổi tối vì râu ngô có tác dụng lợi tiểu, nếu dùng nhiều sẽ khiến khó ngủ, đi tiểu đêm nhiều lần. Còn với trẻ nhỏ, có thể dùng được nước râu ngô nhưng không dùng nhiều. Thông thường, lượng dùng râu ngô chỉ khoảng 20gram râu ngô tươi và 10 gram râu ngô khô. Trẻ nhỏ uống chỉ nên là 1-2 ly nhỏ khoảng 200-300ml mỗi ngày.
Đối với người lớn, vị lương y này cũng khuyến cáo không nên dùng nhiều, đặc biệt là với người bị máu đông vì râu ngô có tác dụng cầm máu. Ngoài ra, người cao tuổi bị mỡ máu cũng cần hạn chế uống nước râu ngô.
Đồng quan điểm trên, lương y Bùi Hồng Minh (Hội Đông y quận Ba Đình) cũng khuyến cáo tốt nhất khi uống râu ngô mọi người nên tự tay thu hái, rửa rạch uống tươi hoặc phơi khô bảo quản dùng dần. Hạn chế dùng một số loại cao râu ngô và không lạm dụng uống thay nước lọc kể cả mùa hè.
Chuyên gia hướng dẫn, nên dùng râu ngô tươi tốt hơn râu ngô khô.
Một vấn đề lương y Bùi Hồng Minh cũng hết sức lưu ý chị em, đó là những người đang trong giai đoạn có kinh nguyệt cũng không nên uống nước rau ngô, bởi nếu sử dụng sẽ làm tình trạng thêm nặng hơn. Theo lý giải của lương y Bùi Hồng Minh, râu ngô có tác dụng đông máu, vì thế phụ nữ đang hành kinh sử dụng dễ hình thành máu cục gây nên những biến chứng không mong muốn.
Để dùng râu ngô an toàn nên chọn nguồn râu ngô sạch, tin tưởng vì râu ngô có thể có tồn dư chất bảo vệ thực vật. Tốt nhất, nên chọn râu ngô sợi to, bóng, mượt và có màu nâu nhung. Để tăng hiệu quả tác dụng, cũng có thể phối hợp với các vị thuốc lợi tiểu khác như mã đề, cỏ xước, rễ tranh, rễ sậy, kim tiền thảo… Chỉ dùng loại ngô được trồng hữu cơ, không sử dụng phân hóa học. Dùng râu ngô tươi thì tốt hơn là râu ngô phơi khô.
Một số bài thuốc tham khảo từ râu ngô:
(Lưu ý, trước khi sử dụng cần có sự tư vấn, tham khảo từ bác sĩ)
Trị viêm thận, viêm bàng quang: Dùng râu ngô 100g, rau má, mã đề, ý dĩ, mỗi vị 50g, sài đất 40g. Sắc uống, ngày 1 thang, uống liền 2-3 tuần lễ.
Chứng phù: Râu ngô, rễ cỏ tranh, mỗi vị 50g, sắc uống hàng ngày, cho tới khi hết triệu chứng ; hoặc râu ngô, mơ lông (lá), kim tiền thảo, mỗi vị 30g. Sắc uống.
Trị viêm gan, viêm túi mật và sỏi mật, bệnh vàng da, xơ gan cổ trướng: Râu ngô, nhân trần, mỗi vị 30g, cỏ ngọt 10g. Sắc uống ngày 1 thang, uống liền 3-4 tuần lễ.
Bệnh đái tháo đường: Ngày dùng 30-40g, sắc uống nhiều lần trong ngày hoặc phối hợp với các vị thuốc khác: mạch môn, thiên môn, cỏ ngọt, tri mẫu…
Trị bệnh tăng huyết áp: Phối hợp với ngưu tất, hoa hòe, cỏ ngọt, câu đằng…