pnvnonline@phunuvietnam.vn
Rộ tin nước chanh "diệt ung thư tốt hơn hoá trị": Tác dụng thực sự ra sao?
Theo các thông tin trên mạng, "nước chanh có khả năng làm giảm sự sinh trưởng của tế bào ung thư, làm suy yếu và tiêu diệt tế bào ác tính". Chưa dừng lại ở đó, nhiều tài khoản mạng còn lan truyền thông tin như sau: "Uống nước chanh có sức mạnh chống ung thư tốt hơn so với hóa trị. Người bệnh ung thư chỉ cắt 2-3 lát chanh cho vào cốc, nước từ tính axít sẽ biến thành nước có kiềm. Loại nước này chỉ diệt tế bào ung thư và bảo tồn tế bào lành tính".
Trước các thông tin trên, PGS.TS.BS. Lâm Vĩnh Niên - Trưởng Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cho biết đến nay, nước chanh không được xem là giải pháp điều trị ung thư. Chưa có công trình khoa học nào chứng minh nước chanh có thể tiêu diệt được tế bào ung thư.
Theo chuyên gia, nước chanh là đồ uống giải nhiệt trong những ngày hè, cung cấp lượng vitamin C khá dồi dào cho cơ thể. Nước chanh có thành phần axit citric, điều này giúp chanh có vị chua, kích thích bài tiết dịch vị.
Theo PGS.TS.BS Niên, do nước chanh có chứa axit citric nên nếu lạm dụng có thể gây ra tổn thương niêm mạc dạ dày, đặc biệt ở những người có bệnh lý viêm dạ dày thì điều này có thể gây ra những cơn đau cấp tính.
Ngoài ra, do nước chanh có tính axit, sử dụng nhiều kéo dài có thể gây ra mòn men răng (do axit có tính ăn mòn).
"Nước chanh nếu biết sử dụng đúng cách sẽ trở thành một thực phẩm tốt cho sức khoẻ. Trong dinh dưỡng, vấn đề điều độ vừa phải là rất quan trọng. Mùa hè uống nước chanh cũng là cách cung cấp nước, vitamin cho cơ thể. Khi uống nước chanh, cần uống với mức độ chua vừa phải theo cảm nhận của mỗi người. Không nên uống nước chanh quá chua.
Khi pha nước chanh cần lưu ý vấn đề cho thêm đường vào nước chanh vì sử dụng quá nhiều đường sẽ không tốt cho sức khoẻ", PGS,TS.BS Niên chia sẻ.
Thực hư ăn thực phẩm có tính kiềm giúp 'đẩy lùi bệnh tật'?
Hiện nay, trào lưu ăn những thực phẩm có tính kiềm và hạn chế thực phẩm có tính axit được mọi người rỉ tai nhau là 'đẩy lùi mọi bệnh tật, trong đó có ung thư'.
Bác sĩ Niên nêu quan điểm: Cho đến nay có một số các thực phẩm có tính kiềm nhưng các bằng chứng về lợi ích cho sức khoẻ cũng chưa rõ ràng và đầy đủ. Do vậy, trong dinh dưỡng cũng không đề cập tới thực phẩm có tính axit hay tính kiềm.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Khám và tư vấn Dinh dưỡng người lớn (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), chế độ ăn chỉ thiên về một thực phẩm sẽ tạo ra sự xáo trộn dinh dưỡng trong cơ thể. Đặc biệt với những người có bệnh lý mãn tính, bệnh lý ung thư, khi thực hiện bất cứ chế độ ăn nào cần phải xin ý kiến của bác sĩ điều trị và bác sĩ dinh dưỡng.
Ung thư hiện nay vẫn là một gánh nặng của ngành y tế vì đa số các trường hợp mắc ung thư đều được phát hiện ở giai đoạn muộn. Khi điều trị ung thư, cần phải có chế độ ăn để nâng đỡ cơ thể.
Theo các chuyên gia, bệnh nhân ung thư trong khi điều trị cần tuân thủ theo chế độ ăn của bác sĩ điều trị. Sau điều trị, bệnh nhân cần ăn đa dạng dinh dưỡng, đủ năng lượng, cân đối các chất (tinh bột, chất đạm, vitamin và khoáng chất). Việc ăn đúng sẽ giúp cơ thể hoạt động và phát triển, duy trì sức mạnh của con người, sức mạnh cơ bắp, phòng chống được nguy cơ bệnh tật. Đối với người đã bị bệnh, ăn uống đúng sẽ giúp kiểm soát được bệnh, hạn chế nguy cơ biến chứng.