Rơi vào “tầm ngắm” của lao phổi

07/08/2015 - 17:31
Sau lần điều trị lao phổi đầu tiên vào giữa năm 2012, chị Võ Thị Thơm (28 tuổi), quê Tiền Giang, tưởng rằng có thể bắt đầu lại cuộc sống với dự định sinh con sau 6 năm kết hôn. Song, cơn đau ngực kèm triệu chứng ho ra máu khiến chị lại phải nhập viện.

Làm công nhân cho một công ty chuyên gia công giày da tại Bình Dương từ khi 19 tuổi, trong suy nghĩ của cô gái trẻ Võ Thị Thơm lúc bấy giờ là có thể giúp gia đình bớt khó khăn về kinh tế. 3 năm sau, Thơm kết hôn với người đồng nghiệp quê miền Bắc. Dự định của vợ chồng chị là sẽ “kế hoạch” 1 năm, đợi dành dụm được tiền sẽ sinh con. Thế nhưng, hết 1 năm “kế hoạch”, khi vợ chồng chị đã sẵn sàng để có thêm thành viên mới thì mọi thứ lại không như mong đợi. 1 năm, 2 năm, rồi 5 năm qua đi, dù đã “vái tứ phương” nhưng “tin vui” vẫn chưa đến.

Số tiền dành cho việc sinh con dần được chuyển sang cho những lần vợ chồng chị đi khám và chữa trị hiếm muộn. Song, đến đâu vợ chồng chị cũng được trấn an: “Không có gì bất thường, chịu khó ăn uống điều độ, tránh áp lực công việc”. Giữa lúc đang chán nản, phó mặc chuyện con cái cho số phận thì ba của chị Thơm phải nhập viện vì lao lực. Chị kể: “Khi đó, ba tôi vừa bước sang tuổi 58, triệu chứng ho kéo dài khiến người ba trở nên ốm nhách chỉ trong vài tuần. Mọi người đưa ba vào Bệnh viện đa khoa Tiền Giang, bác sĩ kết luận ba tôi bị lao lực. 4 năm trôi qua, ba vẫn phải kiên trì điều trị theo phác đồ của bệnh viện nhưng vẫn chưa khỏi hẳn. Tôi bắt đầu bị ám ảnh bởi căn bệnh này, nó làm cho sức khỏe của ba cứ “chết mòn”. Nào ngờ giờ mình lại mắc phải căn bệnh này”.

Đó là một ngày giữa tháng 7/2012, chị Thơm bỗng cảm nhận cơn đau ngực dữ dội, tiếp theo đó là những tràng ho dài không ngớt khiến chị có linh cảm về chuyện chẳng lành. Chị xin nghỉ làm giữa chừng và một mình đến bệnh viện khám. Cầm trong tay tờ giấy xét nghiệm, chị bần thần trước kết quả dương tính với lao phổi. “Tôi phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TPHCM), được 3 ngày thì chuyển về Bệnh viện đa khoa Tiền Giang. Vài ngày sau, tôi được xuất viện về nhà, nhưng vẫn phải tiếp tục uống thuốc 6 tháng tiếp theo và 2 tháng chích thuốc. Kết thúc điều trị chưa được bao lâu, vợ chồng tôi tiếp tục nuôi hy vọng sinh con thì bệnh lại tái phát với mức độ nghiêm trọng hơn. Tôi đau ngực dữ dội và bắt đầu xuất hiện ho ra máu. Nỗi ám ảnh ngày nào khi chứng kiến ba mình bị căn bệnh này hành hạ lại xuất hiện, tôi sợ bệnh ảnh hưởng đến đường con cái, lỡ đâu cả đời tôi không khỏi bệnh, sợ nó sẽ di căn sang các bộ phận khác khiến việc điều trị cảng khó khăn”, chị nói trong tâm trạng đầy lo lắng.

Chị Võ Thị Thơm phải nhập viện gấp vì tình trạng ho ra máu kèm cơn đau tức ngực (Ảnh chụp 8/7/2013)

 

Bệnh gia tăng ở phụ nữ

Khi tôi liên hệ với bác sĩ Nguyễn Ngọc Hải, Trưởng khoa B3, anh nhìn tôi với sự e dè rồi lấy một hộp khẩu trang y tế, đưa cho tôi 4 chiếc kèm theo lời khuyến cáo: “Mang cả vào cho chắc ăn! Vi trùng lao rất dễ lây nhiễm”. Dẫn tôi tới phòng bệnh của chị Thơm nằm ở giữa hành lang, bác sĩ Hải cho hay: “Bệnh nhân Thơm là nặng nhất vì đã chuyển sang giai đoạn ho ra máu, những bệnh nhân còn lại thì nhẹ hơn”.

Bác sĩ Hải cho biết: “Theo ghi nhận của chúng tôi, tỉ lệ nữ mắc bệnh lao nặng có chiều hướng tăng mạnh hơn so với nam. Nguyên nhân có thể do nữ tham gia các hoạt động lao động không kém nam ở nhiều lĩnh vực, thậm chí nặng nề hơn, nên họ mất sức nhiều trong khi thể lực của chị em lại yếu - đó là cơ hội tốt để vi trùng lao tấn công”.

Chị Thơm thở dài: “Ông xã tôi làm ở Bình Dương, chiều tối mới lên rồi sáng lại về sớm cho kịp giờ làm. Nói thiệt là tôi cũng không muốn ảnh lên, phần vì sợ ảnh bị lây bệnh, phần khác đi lại nhiều tội nghiệp quá. Khi còn khỏe, hai vợ chồng làm giờ hành chính cũng được khoảng 9 triệu đồng/tháng, tháng nào tăng ca thì khoảng 10 triệu hơn. Bây giờ tôi xin nghỉ nằm viện, chắc công ty cho thôi hợp đồng luôn chứ hy vọng gì đi làm lại. Mọi khoản chi tiêu, viện phí giờ dồn cả trên vai ảnh. Hôm bữa đóng 2 triệu tiền viện phí, không biết khi xuất viện phải đóng thêm bao nhiêu”. Vì căn bệnh này mà tương lai của chị trở nên vô cùng mờ mịt…

Lao là một bệnh truyền nhiễm do trực khuẩn Koch gây nên, chúng lây chủ yếu qua đường hít thở (trực khuẩn có trong không khí do người bệnh khạc nhổ, ho, hắt hơi...).

Ai cũng có thể mắc bệnh lao phổi. Trẻ sơ sinh chưa có miễn dịch bảo vệ nên rất dễ mắc bệnh. Phụ nữ mang thai, cho con bú, người có “H”, đái tháo đường, người đang dùng các thuốc ức chế miễn dịch điều trị một số bệnh khác... là những người có nguy cơ cao dễ mắc lao phổi hoặc lao các cơ quan khác.

Triệu chứng thông thường là: Ho, có thể sốt nhẹ về chiều tối và vã mồ hôi về đêm, ăn uống kém, gầy sút dẫn đến triệu chứng khác là ho ra máu. Nếu không phát hiện kịp thời, bệnh sẽ phát triển nặng, lan sang nhiều cơ quan khác như màng não, xương khớp, lao vũ, buồng trứng, tử cung... đôi khi có thể gây vô sinh ở phụ nữ.

Phương pháp điều trị bắt buộc phải sử dụng thuốc kháng lao cho bệnh nhân, thời gian điều trị khoảng 8 tháng.

Để phòng, tránh bệnh lao, cần: Tích cực phát hiện AFB/đàm dương tính để điều trị và chặn nguồn lây; Nâng cao hiểu biết của cộng đồng về bệnh lý lao thông qua các hoạt động tuyên truyền; Cần nâng cao thể lực, điều kiện sống của bản thân để có thể tự giúp nâng cao hệ miễn dịch.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hải, Trưởng khoa B3, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, TPHCM

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm