Rủi ro từ mũi tiêm trẻ hoá da cấp tốc

Bài, ảnh: An Khê
31/07/2024 - 16:08
Rủi ro từ mũi tiêm trẻ hoá da cấp tốc

Bác sĩ Chuyên khoa II Cao Ngọc Duy thăm khám cho bệnh nhân

Nghe một người bạn giới thiệu tiêm mesotherapy (tiêm meso vi điểm) giúp làm căng da nhanh chóng, chị Trần Thanh Huyền (43 tuổi, ở thành phố Hải Phòng) quyết định đến một cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ ở Hà Nội để tiêm. Sau khi tiêm 2 ngày, chị bắt đầu thấy vùng tiêm bị sưng tấy, lấm tấm nổi lên một số u hạt.

Chị Huyền vội quay trở lại cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ trên để hỏi thì nhân viên tư vấn ở đây cho biết, hiện tượng này sẽ hết trong vài ngày. Chưa hết lo lắng với lời giải thích này, chị Huyền liền đến bệnh viện để khám. 

Tại đây, bác sĩ cho biết do người thực hiện tiêm meso cho chị Huyền làm không đúng kỹ thuật nên dưỡng chất phân bổ không đều. Nếu để lâu ngày, da có thể bị kích ứng sưng bầm, nặng hơn có thể bị nhiễm trùng và hoại tử da.

Với mong muốn có làn da trắng sáng, căng bóng, chị Hà Thị Cúc (50 tuổi) đã tìm đến một cơ sở thẩm mỹ để thực hiện tiêm BAP 5 điểm. Thực hiện liệu trình đến lần tiêm thứ 2, chị thấy khuôn mặt của mình có vẻ như bị lệch. 

Khi chị quay lại cơ sở thẩm mỹ để điều chỉnh thì kết quả vẫn không được như ý. Nhân viên tại cơ sở phẫu thuật này cho biết, mặt chị không cân là do… cơ địa. Ngậm đắng nuốt cay, chị Cúc tìm đến một bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ để cải thiện tình trạng khuôn mặt.

Nhu cầu làm đẹp là chính đáng nhưng lựa chọn làm đẹp như thế nào và ở đâu là vấn đề "đau đầu" của nhiều người khi các trung tâm thẩm mỹ, spa nhan nhản mà chất lượng thì chỉ có người dấn thân rồi mới có thể kiểm chứng. 

Rủi ro từ mũi tiêm trẻ hoá da cấp tốc- Ảnh 1.

Chỉ bác sĩ được cấp giấy phép hành nghề từ Bộ Y tế, Sở Y tế mới được thực hiện kỹ thuật thẩm mỹ.

Chính vì vậy, không ít người đã gặp sự cố khi quyết định "làm mới" gương mặt mình. Đơn cử, dùng corticoid kéo dài dẫn đến teo da hay với những can thiệp như tiêm filler (chất làm đầy) không đúng cách có thể dẫn đến lệch các vị trí trong khuôn mặt, nghiêm trọng hơn có thể gây mù do filler gây tắc mạch máu... 

Bên cạnh đó, tai biến do nhân viên thực hiện can thiệp không phải bác sĩ, cơ sở không được cấp phép. Còn nhiều biến chứng khác do lạm dụng thẩm mỹ nhưng vẫn chưa cảnh tỉnh được nhiều người.

Theo Thạc sỹ - bác sĩ Chuyên khoa 2 Cao Ngọc Duy, Trưởng khoa Phẫu thuật - Tạo hình thẩm mỹ (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang), nhiều chị em chỉ cần nghe quảng cáo, nghe qua bạn bè mà không nghĩ đến hậu quả có thể xảy ra vì không phải mọi phương pháp đều phù hợp với bản thân. 

Đôi khi họ bị rơi vào "ma trận" dẫn đến lạm dụng thẩm mỹ và phải gánh những hậu quả khó lường. Bác sĩ Cao Ngọc Duy lưu ý rằng, một trong những nguyên nhân gây biến chứng là sự hạn chế về kỹ thuật tiêm. 

Khi kỹ thuật viên tiêm không đúng cách, tiêm nhanh với áp lực tiêm mạnh vào nhánh của động mạch, hoặc tiêm nhầm vào mạch máu sẽ gây tắc mạch, từ đó dẫn đến hoại tử vùng mô mà mạch máu bị tắc nuôi dưỡng… 

Bác sĩ Cao Ngọc Duy cũng lưu ý, chị em cần nhận thức rõ về các rủi ro và tác dụng phụ có thể gặp phải khi sử dụng một thủ thuật, thông báo với bác sĩ về các bệnh lý hoặc tiền sử bệnh lý mà bản thân mắc phải, cũng như các loại thuốc hay thực phẩm chức năng đang sử dụng. Một số thành phần trong các loại thuốc đó có thể ảnh hưởng lên tính chất cũng như tác dụng của filler.

Mesotherapy là phương pháp tiêm vitamin, enzyme, hormone và chiết xuất thực vật để làm trẻ hóa, săn chắc da và loại bỏ mỡ thừa. Michel Pistor, một bác sĩ người Pháp, chính là "cha đẻ" của phương pháp này. Kỹ thuật mesotherapy ra đời vào năm 1952. Mục đích ban đầu của nó là để giảm đau. Ngày nay, phương pháp mesotherapy còn được sử dụng với các mục đích như: Xóa mờ nếp nhăn, làm săn chắc da, sáng da.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm