Rừng tràm Trà Sư cổ tích

26/01/2016 - 12:53
Chỉ trong khoảng 3 tiếng đồng hồ ở Rừng tràm Trà Sư (xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, An Giang), bạn sẽ có cơ hội trải nghiệm mọi cung bậc cảm xúc với khung cảnh thiên nhiên vô cùng kỳ thú…
Dịp nghỉ lễ dài ngày vừa rồi, trong số rất nhiều điểm đến được đặt ra trong kế hoạch, rừng tràm Trà Sư là địa điểm mà tôi quyết tâm, bằng giá nào cũng phải đến. Đơn giản vì hình ảnh nhóm bạn trẻ với nụ cười tỏa nắng trên chiếc thuyền lướt nhẹ giữa không gian xanh biếc của nước sông, của lá tràm và của màu trời mây bảng lảng trôi trong một bức ảnh người bạn mang về từ vùng sông nước miền Tây cách đây vài năm như đã “ghim sâu” vào đầu tôi.

 Rừng tràm Trà Sư. Ảnh: Nguyễn Hữu Trọng, An Huy, ST

Từ Cần Thơ, chuyến xe sớm nhất đến An Giang là 6 giờ 15phút sáng. Sau hơn 2 giờ xe chạy, đến bến xe Châu Đốc (An Giang) bắt xe bus số 12 đi Tịnh Biên. Bạn nhớ nhắc nhà xe cho dừng ở cây xăng đường Trà Sư. Tại đây, có hai cách để bạn đến rừng tràm Trà Sư: Bắt thêm một tuyến xe bus đi Tri Tôn; hoặc gọi xe ôm (giá 100.000 đồng đi về và khoảng 3 tiếng chờ/người). Để tiết kiệm thời gian, nhóm tôi chọn cách thứ hai, từ cây xăng đi tắt qua vài km đường làng quanh co đến rừng tràm Trà Sư. Quãng đường này khá thú vị, khung cảnh làng quê Bắc Bộ như hiện hữu khi xuất hiện những bụi tre, hàng phi lao… chạy dọc theo dòng sông Trà Sư nước xanh biếc. Văng vẳng bên tai những nhóm trẻ nô đùa, tiếng cười ròn tan làm dịu đi cái nóng oi bức mùa hè… Dưới dòng sông, thi thoảng lại có một chiếc thuyền gỗ đậu, cảnh quá đỗi yên bình và nên thơ.

 Hành trình xuyên rừng tràm. Ảnh: Nguyễn Hữu Trọng, An Huy, ST

Vào đến rừng, việc đầu tiên bạn nên làm là đăng ký vỏ lãi (thuyền có gắn máy) để có thể bắt đầu hành trình xuyên rừng. Ở đây, giá cả được niêm yết công khai nên du khách không lo bị bắt chẹt. Đi theo nhóm đông, số tiền phải trả/người sẽ càng giảm. Hành trình của bạn sớm hay muộn tùy thuộc vào lượng khách đăng ký đông hay vắng. Nếu bạn đi ít người, trong khi khách quá đông thì nên chủ động tìm nhóm để xin ghép cho đủ số lượng (mỗi thuyền sẽ chở từ 6 đến 8 khách).
Khi bắt đầu hành trình khám phá, cũng là lúc bạn nghe không ngớt những lời trầm trồ trước cảnh thiên nhiên kỳ thú. Phía bên tay phải bạn là cánh đồng sen, cả dòng sông như được “nhuộm” bởi màu xanh dịu của những đám bèo tây, khiến cho bạn có cảm giác như đang lướt trên “con đường nước” xanh mướt một màu.

Thiên nhiên rừng tràm. Ảnh: Nguyễn Hữu Trọng, An Huy, ST

Khi tới một bến dừng chân trong rừng, du khách sẽ được chuyển sang một chiếc xuồng nhỏ. Đây có thể ví như trái tim của Rừng tràm Trà Sư bởi cảnh đẹp quá nên thơ. Người chèo xuồng sẽ đi rất chậm, để vẻ đẹp nơi này “ngấm dần” vào lòng du khách. Xen lẫn những gốc tràm cổ thụ nổi hẳn trên mặt nước là màu xanh của bèo tây, bèo tấm và hình ảnh những chú cò trắng mảnh mai đậu trên những thân tràm xanh mướt… Chị Tím, người đã có thâm niên 6 năm chèo xuồng đưa khách thăm quan Rừng tràm Trà Sư, chia sẻ: Rừng tràm đẹp nhất vào mùa nước nổi, từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm (khi đó, mực nước sẽ cao hơn thời điểm hiện tại gần 1m-PV). Bèo sẽ phủ xanh tất cả những nơi thuyền đi qua, hai bên đường tràm kết thành hình vòng cung, đẹp như cổ tích, tỏa bóng mát xuống cung đường.
Hành trình khám phá “trái tim rừng” khá ngắn, chỉ khoảng 10 đến 15 phút. Thú thật, nhiều lúc, tôi như nín thở trước khung cảnh đẹp như mơ này, vẻ đẹp thường chỉ thấy trong một bức tranh quá hoàn hảo mà người họa sĩ không còn muốn thêm vào bất cứ chi tiết hay màu sắc nào nữa, dù nhỏ…

Đài quan sát. Ảnh: Nguyễn Hữu Trọng, An Huy, ST

Kết thúc hành trình ngồi thuyền trong nuối tiếc có lẽ là cảm giác của số đông du khách. Nhưng, chưa hết, bạn sẽ tiếp tục được chiêm ngưỡng vẻ đẹp khác khi từ Đài quan sát nhìn toàn cảnh gần 850 ha Rừng tràm Trà Sư, với màu xanh kéo dài như vô tận... Bạn sẽ thỏa sức ghi lại trong mắt mình, tim mình và đừng quên “nhờ” máy ảnh lưu giữ lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp trong không gian tĩnh lặng ở nơi này.
Dưới chân đài quan sát có phục vụ ăn uống. Bạn có thể dùng bữa, hoặc chỉ đơn giản ngồi nghỉ chân, ăn trái cây, uống nước thốt nốt… với giá cả rất phải chăng. Sau khi “hồi sức”, bạn xuống bến để chờ thuyền về lại nơi xuất phát ban đầu. Nhiều bạn trẻ, trong đó có Phạm Minh Chi (đến từ Phú Thọ) vì quá thích thú với hành trình rong ruổi sông nước ở đây đã muốn mua vé đi thêm vòng nữa, nhưng vì khách quá đông nên đã không thể thực hiện được ý định này. Gọi đây là khu rừng cổ tích, tôi thấy hình như vẫn còn chưa… đủ.


Thông tin cho bạn
* Từ Hà Nội có chuyến bay hằng ngày đến Cần Thơ hoặc TPHCM rồi đi xe khách đến An Giang.
* Nếu đi từ Cần Thơ, bạn tới bến xe Ngang Metro (hay còn gọi là Bến xe 91B Cần Thơ) và bắt xe đi An Giang. Có thể gọi điện đặt chỗ trước nếu đi xe Phương Trang, được đón/đưa về miễn phí trong phạm vi 10km (Số điện thoại: 0710.3769768).
 
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm