Theo lương y Vũ Quốc Trung, Phòng khám Đông y chùa Cảm ứng (Hà Nội), để thanh nhiệt cơ thể, có nhiều cách: “Thanh nhiệt lương huyết” là làm sạch và mát máu; “thanh nhiệt giải độc” là làm mát và giúp cơ thể đào thải chất độc ra ngoài; “thanh nhiệt tả hỏa” là làm mát cơ thể trên cơ sở làm phát nhiệt trong người ra. Do đó, phải tùy theo mục đích thanh nhiệt mà sử dụng các thảo dược hoặc thực phẩm. Ví dụ, khi trúng nắng, phải dùng thuốc, thức ăn giúp thanh nhiệt tả hỏa; trường hợp rôm sảy mụn nhọt thì cần dùng thanh nhiệt giải độc; với những người “máu nóng”, biểu hiện mặt đỏ bừng, hay ra mồ hôi... thì lại cần dùng “thanh nhiệt lương huyết”.
Mặt khác, mỗi dược liệu hay thực phẩm đều mang 1 trong 4 tính là “hàn, nhiệt, ôn, lương” và tác động vào 1 tạng phủ nhất định trong cơ thể. Do đó, tùy theo từng biểu hiện nhiệt mà cần dùng loại dược liệu để thanh nhiệt khác nhau. Chẳng hạn, atiso tác động vào gan, khi bị mẩn ngứa do nóng gan thì nên dùng; râu ngô, rau má lại tác động vào bàng quang, thận, do đó dùng để thanh nhiệt khi bí tiểu, đi tiểu màu đỏ…
Phải hiểu cách dùng mới tận thu được những mặt tốt của các thảo mộc có tác dụng thanh nhiệt
Tuy các thảo mộc có nhiều công dụng tốt với sức khỏe nhưng nếu lạm dụng thì cũng có thể gây hại cho cơ thể, nhất là khi cơ thể đang mắc một số bệnh mạn tính. Theo y học cổ truyền, nếu thể chất người bệnh thuộc hàn mà lại thường xuyên dùng các loại thuốc thanh nhiệt thì sẽ rất nguy hiểm, có thể gây tiêu chảy, mất nước... Việc dùng nhiều hoặc lâu dài các thảo dược lợi tiểu có thể làm mất cân bằng điện giải, tăng đào thải, kém hấp thu một số vi chất cần thiết cho cơ thể như canxi, kali... lâu ngày sẽ có hại cho thận, dẫn tới suy thận.
Tránh “rước bệnh”
Cũng theo lương y Vũ Quốc Trung, mọi người, đặc biệt là người già và trẻ em, nên thận trọng với đồ uống mát, có tính giải nhiệt cao, vì chức năng tiêu hóa không ổn định, khả năng hấp thụ cũng kém hơn. Nếu uống nhiều nước mát, nhẹ sẽ dẫn đến rối loạn tiêu hóa gây chướng bụng, tiêu chảy, chán ăn, nặng hơn thì có thể gây ra một số bệnh về đường ruột...
Phụ nữ có thai phải thận trọng thậm chí trong nhiều trường hợp tuyệt đối không được uống nhân trần
Với phụ nữ mang thai, nếu không có bệnh lý về gan, không được bác sĩ chỉ định thì tuyệt đối không dùng nhân trần, cam thảo, bởi uống nhiều thứ nước này sẽ gây hại cho cả mẹ và em bé trong bụng. Ngoài ra, do nhân trần lợi tiểu nên sẽ dẫn đến tiểu nhiều, mất chất, khiến thai bị suy dinh dưỡng, dễ bị đẻ non, thiếu cân…
Để tránh “rước bệnh” khi sử dụng các thảo dược, người dùng cần cẩn trọng. Chẳng hạn, với tạng người nóng do bí kết nước trong người, phải dùng thực phẩm giải biểu, thoát nước thì cơ thể mới mát được. Hay người tỳ vị hư hàn (rối loạn chức năng tiêu hóa do lạnh) thì không nên dùng mướp đắng có tính mát. Đặc biệt, cần tránh dùng dược liệu “kị nhau” sẽ làm mất tác dụng, dễ gây hại. Chẳng hạn không nên kết hợp cam thảo với nhân trần, vì cam thảo giúp giữ nước, trong khi nhân trần lại giúp đào thải.
Sử dụng đồ uống hiệu quả - Không nên uống nước, trà thanh nhiệt thay cho nước lọc. - Không có chuẩn mực chung cho từng người, song sản phẩm khô chỉ nên dùng dưới 20g/ngày, sản phẩm tươi có thể dùng lượng gấp 3-5 lần. - Tránh uống các loại nước như trên quá nhiều vào buổi tối. - Đề phòng mua phải thảo mộc bị ẩm mốc và đã để quá lâu. Tốt nhất là nên mua đồ tươi về nấu nước uống hoặc tự phơi sấy khô, bảo quản cẩn thận để dùng dần. |