"Sài Gòn - thị thành hoang dại", chuyện kể về người nhập cư

30/01/2016 - 10:11
Đâu đó, trong trái tim những người nhập cư ở Sài Gòn, họ mang theo những giấc mơ về tình yêu, khát vọng và nhiệt huyết của tuổi trẻ. Nhưng, cũng ở Sài Gòn hoa lệ đó, không ít người đã sống trong nỗi bất an, tổn thương, gục ngã và đánh mất chính mình.

“Chúng ta có căm giận thành phố hơn không khi nó đẩy mình ra ngoài kia, choáng váng vì cô đơn không lên tiếng được? Mất đi bản thể của mình, mất đi ý nghĩa được là mình, mất đi cả cảm giác là một ai đó quan trọng với người khác. Không kết nối. Đơn độc hoàn toàn”. Tác giả trẻ Khải Đơn đã mở đầu cuốn tản văn “Sài Gòn – thị thành hoang dại” dài hơn 200 trang của mình như vậy. Với 4 phần: Thị thành hoang dại, Sài Gòn - tại sao để yêu, Chợ giấc mơ, Kỷ niệm đóng đinh vào phố, cuốn sách đã khắc hoạ những lát cắt về Sài Gòn, về những người nhập cư đã rời xa quê hương để đi tìm một “miền đất hứa”. Họ thắp lửa trong tim, mang vào thành phố. Có người tìm thấy tổ ấm, tình yêu và sức mạnh của mình giữa Sài Gòn. Nhưng cũng có người đã gục ngã, tổn thương và đánh mất chính mình.

IMG_7554.jpg
 Cuốn tản văn Sài Gòn - Thị thành hoang dại vừa ra mắt bạn đọc.

Với phần Thị thành hoang dại, Sài Gòn trong mắt Khải Đơn là một thế giới như "miền Viễn Tây", với đủ những hỗn loạn, nỗi sợ, sự bất an, cả những mất mát khi một người nhập cư sống ở Sài Gòn. Đó là một Sài Gòn ngập ngụa kênh đen, nơi trở thành điển hình của những mỏi mệt trong cuộc sống hàng ngày, là gương mặt của những người trẻ ẩn nấp trong quán cafe - hay thực ra là một giờ khắc bình an hiếm hoi giữa cuộc sống mưu sinh hàng ngày vất vả. Thông qua từng trang viết của mình, tác giả trẻ Khải Đơn đã đưa người đọc đến với một Sài Gòn với những bất an không giấu diếm. Thành phố triệu dân và quá tải phải chịu đựng những phần xấu xí nào nó, rồi ám ảnh lên con người, làm người đến mưu sinh vất vả hơn bao giờ hết. Họ sống với Sài Gòn nhưng không thể yêu nó, bởi trái tim để ở quê nhà, họ đợi chờ ngày tháng để rời bỏ nó, về lại với yêu thương quê mùa. Sài Gòn hỗn loạn đó, khủng khiếp đó, dữ dội đó, nhưng cô đơn biết bao.

IMG_7673.jpg
 Tác giả Khải Đơn ký tặng bạn đọc trong buổi ra mắt sách. 

Không bi quan đến thế vì những bất an của thành phố, "Sài Gòn - tại sao để yêu" và "Kỷ niệm đóng đinh vào phố" trong cuốn tản văn lại là những nốt trầm mềm mỏng, như thể tác giả tự nhắc nhở mình vì sao Sài Gòn vẫn đáng yêu, dù nó luôn quá tải khói bụi, kẹt xe, dịch vụ và thậm chí là quá tải cả sự nhức nhối, đơn độc... 

Đó là bởi vì Sài Gòn luôn có những điều thật đặc biệt . Sài Gòn hiện ra với những tiệm sách cũ đầy ắp bí mật, hàng hoa bán vỉa hè chỉ 2000đ/cành và cánh hoa đã cũ, dập nát, đó là bình trà đá miễn phí căng mình ra giữa mùa hè ngột ngạt. Người bán vé số, phát tờ rơi, dân làm ve chai ở Sài Gòn phơi mình dưới nắng mùa hè hẳn thấm thía cái khốn khổ của thiếu miếng nước uống, thiếu bóng râm mát nghỉ chân. Những người tốt lành đâu đó đã xuất hiện, ẩn danh và tự nhiên, họ "gieo" những bình trà đá miễn phí trên cung đường, treo cả cốc giấy, bỏ trà tươi... tiếp sức cho người lao động nghèo. Sự lương thiện đó làm giảm đi áp lực của hỗn loạn, làm người xa xứ bớt sợ, khiến họ được nâng đỡ bước chân để sinh tồn được giữa thành phố lạ. Khải Đơn đã viết về những điều đáng yêu đó, để thuyết phục người đọc tin rằng tại sao Sài Gòn đáng sống đến vậy.

IMG_7575.jpg
Tác giả Khải Đơn chụp hình cùng bạn đọc. 

Một phần những bài viết trong tập "Thị thành hoang dại" được viết lại từ những phỏng vấn Khải Đơn thực hiện với những người tình nguyện để cô ghi lại câu chuyện. Bằng cách đối thoại, Khải Đơn gặp những người bạn xa lạ ở quán cafe, họ kể cho cô nghe những tâm sự, tình cảm hay cả những kỉ niệm đắng với thành phố. Ghi lại, ẩn danh, hay viết lại hoàn toàn thành một chuyện hư cấu, Khải Đơn cố gắng chuyển tải những tâm sự mà cô bắt gặp từ người nhập cư đến Sài Gòn sinh sống và cuộc chiến mưu sinh họ phải đối mặt hàng ngày.

Tập tản văn "Sài Gòn - thị thành hoang dại" cố gắng chạm tới những phần sâu kín trong tâm thức một người nhập cư lui tới Sài Gòn. Họ đơn độc, gồng mình lên để cứng cỏi, tàn nhẫn, nhưng rồi cũng chính họ lại chìa tay ra, giúp đỡ một ai đó xa lạ hệt như mình, để cảm thấy bớt cô đơn, cảm thấy bớt bấp bênh trước những điều không lường tới được hàng ngày. Vì vậy, trong con mắt của Khải Đơn, theo một cách nào đó, Sài Gòn đẹp vì nó như một cái cù lao, phù sa bốn phương trôi theo con nước vào bờ, người ta chở theo ước vọng, giấc mơ, cả tài hoa để về thành phố mưu sinh, thăng hoa. Nhờ có thế, Sài Gòn trở thành một nét văn hoá - cái văn hoá "hoang dại", bất cần, thư thả và mạnh mẽ không gì kìm hãm được.

Mời bạn đọc lắng nghe câu chuyện Rực rỡ nhất Sài Gòn, được trích trong cuốn tản văn "Sài Gòn - Thị thành hoang dại" qua giọng đọc của chính tác giả Khải Đơn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm