La mắng
Đây không phải là cách hiệu quả để đối thoại với con cái, dù con bạn ở tuổi nào đi nữa. Điều này càng đúng khi trẻ đến tuổi thiếu niên. Lúc bạn bắt đầu quát tháo, con trẻ sẽ đóng sập "cánh cửa" giao tiếp và không còn muốn nghe xem phụ huynh nói gì nữa. Thế nhưng nhiều bậc cha mẹ vẫn thường quát mắng con hết lần này đến lần khác. Nguyên nhân có thể là do họ cảm thấy thất vọng khi không thể tiếp cận được con cái. Nếu bạn có cảm giác như vậy, tốt hơn hết là hãy để một thời gian cho đến khi cảm thấy đủ bình tĩnh để trò chuyện với con một cách hiệu quả hơn.
Không lắng nghe
Việc lắng nghe mỗi khi con nói chuyện là hết sức quan trọng. Ở tuổi này, không phải lúc nào trẻ cũng sẵn sàng mở lòng với cha mẹ, vì thế bạn cần nắm lấy từng cơ hội trò chuyện với con. Đây là bài học mà nhiều bậc phụ huynh đã rút ra khi con đến tuổi “dở dở ương ương”. Có thể rất khó lắng nghe con trong khi bạn còn đang bận túi bụi với vô số công việc, song điều này rất cần thiết. Nhờ đó mà bạn sẽ luôn muốn trò chuyện cùng con mỗi khi trẻ cởi mở với cha mẹ.
Việc lắng nghe mỗi khi con nói chuyện là hết sức quan trọng. Ảnh mang tính minh họa |
Quá bận rộn trong thế giới riêng
Bậc cha mẹ nào cũng có cuộc sống của riêng mình. Chúng ta có công việc, có những vấn đề tài chính cần giải quyết, có cuộc hôn nhân cần nuôi dưỡng và nhiều nhiều thứ khác ngoài việc làm cha mẹ. Những thứ đó rất dễ khiến bạn chìm đắm trong thế giới riêng mà quên mất những điều khác. Những chúng ta không nên làm vậy. Bạn cũng cần phải tìm ra cách để bước vào thế giới của con cái nữa. Hãy nói chuyện với con, tán dóc cùng con và luôn có mặt bên cạnh con với bất cứ cách nào mà con mong muốn.
Ảo tưởng về con
Có không ít bậc phụ huynh phải trả giá cho sai lầm này. Họ tin rằng đứa con ngoan ngoãn của mình không thể mắc những lỗi lầm mà con của người khác mắc phải. Họ nghĩ rằng con mình không thể nào nói dối, không thể trộm đồ hay làm những việc tồi tệ hơn. Tuy việc nghĩ đến điều tốt nhất của con và dành nhiều hy vọng cho chúng là tốt, song bạn cũng phải luôn thực tế và thừa nhận rằng thế giới bên ngoài đầy những cám dỗ. Sẽ không thừa nếu công nhận rằng con bạn có thể dính vào những hành vi xấu và biết cách nhận ra những dấu hiệu đó để phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời.
Không giám sát
Nhiều bậc cha mẹ tin rằng nếu con cư xử tốt thì chúng hoàn toàn đáng tin cậy và không cần phải giám sát chặt chẽ. Đây là một sai lầm. Tuy chúng ta thừa nhận khi con đưa ra những quyết định đúng, song bạn vẫn phải nhớ đến tuổi và mức độ trưởng thành của trẻ. Tuổi "teen" thường có những hành vi bồng bột nguy hiểm có khi là đúng lúc cha mẹ ít để ý nhất. Hãy luôn đảm bảo rằng con trẻ được giám sát theo cách phù hợp với nhu cầu cụ thể của trẻ.
Tránh nói trước về những chuyện khó xử
Nhiều bậc cha mẹ có con ở tuổi teen nghĩ rằng họ không cần phải đề cập đến những chuyện khó xử với trẻ. Có thể bạn cũng nghĩ như vậy. Tuy nhiên, chúng ta nên nói hết với trẻ về những việc này, ngay cả khi bạn cho rằng đó không phải là điều mà con sẽ phải đối mặt hay có ý định thực hiện. Thà có những cuộc trò chuyện không mấy dễ chịu và có thể vô ích với trẻ, còn hơn là đến một lúc nào đó, bạn phải hối hận khi phát hiện ra rằng con mình đã không nhận được sự chỉ bảo đúng lúc.