Chỉnh dây là một công việc quan trọng giúp cân chỉnh chính xác tần số rung động âm thanh của mỗi nốt trên 88 phím đàn piano; khoảng cách giữa các chu kỳ chỉnh dây phụ thuộc vào tình trạng mỗi cây đàn và tần xuất sử dụng piano của người chơi, có thể từ 6 đến 12 tháng/lần. Thời gian chỉnh dây của kỹ thuật viên kéo dài trung bình từ 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng, tuỳ mức độ phức tạp của mỗi cây đàn.
Bên cạnh chỉnh dây, thì Voicing hay còn gọi là chỉnh âm sắc cũng là công việc rất quan trọng để có một cây đàn ưng ý. Mỗi cây đàn piano có âm sắc riêng: Dày, mỏng, ấm hoặc trong... tuỳ thuộc vào từng thương hiệu và sở thích của người chơi mà kỹ thuật viên sẽ xử lý Hammer (búa gõ) và Action (phần máy) để cho ra được những âm sắc hay nhất.
Với đàn mới, bạn nên lên dây đàn ít nhất là 4 lần trong năm đầu tiên. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, không phải mọi thợ chỉnh dây và âm sắc đàn piano đều có trình độ tay nghề như nhau. Việc đầu tiên là tìm cho được người thợ có tay nghề cao. Theo một số người có kinh nghiệm, có thể căn cứ vào phương thức và công cụ kỹ thuật khi thao tác. Hiện có 2 “trường phái” lên dây đàn: Dựa vào máy hoặc vào… đôi tai của người thợ. Trên thực tế, chỉ những người thợ có kinh nghiệm và tay nghề cao mới “dám” lên dây đàn bằng… tai. Bởi nếu sử dụng máy để đo lường cao độ của các nốt thì có thể mang lại độ chính xác tuyệt đối, nhưng âm sắc sẽ rất khô, cứng. Nếu lên dây đàn dựa vào độ thính nhạy của đôi tai thì mới vừa cho ra cao độ chuẩn, lại vừa có âm sắc mềm mại, mượt mà.
Khi tiếp cận với cây đàn, người thợ có thể thông báo ngay cho bạn các vấn đề liên quan đến chất lượng đàn, tư vấn những chỗ cần chỉnh sửa. Nếu không có vấn đề gì quá nghiêm trọng thì người thợ sẽ chỉ thực hiện công việc duy nhất là chỉnh dây. Công việc này giúp dàn dây của piano ổn định về cao độ, phím đàn hoạt động tốt, cân bằng âm sắc, khắc phục kịp thời các hiện tượng dính búa, dính phím,… Cần lưu ý: Người thợ chỉnh đàn sẽ lấy nốt La ở vị trí thứ 49 trên phím đàn để làm chuẩn. Bạn có thể sử dụng ứng dụng đo cao độ của smartphone để đối chiếu, khi thấy “đạt chuẩn” thì mới để thợ tiếp tục chỉnh các dây khác. Còn nếu như cây đàn có vấn đề khá trầm trọng ở các chi tiết ngoài bộ dây, như hệ thống búa gõ, hệ truyền động bằng gỗ, hay trục trặc trong bộ máy… thì bạn nên yêu cầu người thợ giải thích rõ ràng về những hỏng hóc và chứng minh bằng thực tế, ngay trên cây đàn của bạn.
Đối với đàn mới, các hãng sản xuất khuyến cáo lên dây ít nhất là 4 lần trong năm đầu tiên vì đây là thời gian các bộ phận của đàn thay đổi thường xuyên để thích nghi với môi trường khí hậu bên ngoài. Từ năm thứ 2 trở đi, sau khi đã đạt được độ ổn định tương đối, cây đàn cần được lên dây ít nhất 2 lần/năm, kéo dài tới 4-5 năm sau. Với những cây đàn cũ đã vận hành ổn định, thì tối thiểu 1 năm bạn cũng nên chỉnh dây 1 lần.
Nếu cây đàn của bạn được chơi 4 giờ hoặc nhiều hơn mỗi ngày, điều chỉnh 6 tháng một lần là cần thiết. Ngoài ra, sau mỗi lần di chuyển thì cũng cần phải cân chỉnh, lên dây lại. Một cây đàn được chỉnh dây đúng thì phải đảm bảo 4 yếu tố: Đúng cao độ (right pitch), hoạt động đồng bộ (overall), hòa âm tròn trịa và không lẫn tạp âm (harmony), đảm bảo sự ổn định (stable). Hãy căn cứ vào các yếu tố trên để yêu cầu người thợ phải hoàn thiện trước khi thanh toán tiền công.
Và nếu như bạn cảm thấy hài lòng với người thợ nào đó thì hãy lưu lại số điện thoại để lần sau còn liên hệ. Những người thợ có uy tín thường rất bận bịu, trung bình mỗi ngày họ có thể làm ở 4-5 chỗ khác nhau. Do đó, thường thì bạn phải hẹn trước 4-7 ngày họ mới có thể đến để “làm việc” với cây đàn của bạn được!
Địa chỉ cho bạn * Tại Hà Nội - Huy Quang Piano, Số 153 và 23 Hào Nam, quận Đống Đa, ĐT: 04.35123144 . - Piano Yamaha Hà Nội, Số 113 Vũ Tông Phan (Khương Trung mới), quận Thanh Xuân, ĐT: 0974.978.107. * Tại TPHCM - Piano4U, số 380/297 Phạm Văn Hai, phường 5, quận Tân Bình; ĐT: 0903.622.753. - Nguyễn Thanh Viêm, người từng chỉnh đàn cho danh cầm Richard Clayderman; ĐT: 08.38161532. - TOYO Piano Việt Nam, Số 105 Nguyễn Du, phường Bến Thành, quận 1; ĐT: 08.38226799. |