“Sao con hiếu động quá vậy?”

04/08/2015 - 00:52
Một đứa trẻ hiếu động khiến bạn “luôn tay luôn chân” và mệt mỏi. Nhiều lúc bạn chỉ muốn hét thật to, muốn quát mắng con, thậm chí là đòn roi chỉ để bé biết nghe lời hơn. Nhưng liệu đó có phải là phương pháp đúng đắn?

Người mẹ nên chia sẻ gánh nặng với người thân (Ảnh minh họa)

Con trai tôi lên 3 tuổi mà tôi cứ ngỡ mình có một tiểu đội lính trong nhà vậy. Những tiếng chạy huỳnh huỵch, tiếng kéo lê đồ đạc trên sàn nhà, tiếng va chạm của các đồ vật, âm thanh của rơi, vỡ, va đập vào tường gắn với sự có mặt của thằng bé.

Đôi khi, sự hiếu động của con làm tôi mất kiểm soát, thậm chí trở thành bà mẹ nói năng thô lỗ và phạt đòn bé rất đau. Tôi đã thử một số phương pháp nhưng sau một thời gian, mọi thứ lại trở về vị trí xuất phát. Tôi cần làm gì để bản thân mình mạnh mẽ, dẻo dai và kiểm soát hơn đối với hành vi của mình? Tôi chỉ mong lúc nào cũng ôm con vào lòng mà thì thầm “Mẹ yêu con rất nhiều!”chứ không phải là một “cảnh sát trưởng” bắt ne bắt nẹt con.

Bạn có nhận ra câu chuyện này có gì đó quen thuộc và gần gũi với mình không? Hy vọng, một vài lời khuyên của Deepak -  chuyên gia tâm lý, tác giả của gần 50 cuốn sách tâm lý viết cho các bậc cha mẹ - có thể trở nên hữu ích với bạn.

Tôi thực sự thông cảm với những khó khăn trong việc chịu đựng một đứa trẻ hiếu động. Nó không dừng lại ở tương lai gần mà sẽ là sự chịu đựng dài hạn. Muốn kiểm soát cảm xúc của mình với con, tôi nghĩ rằng bạn cần phải cân bằng giữa nhu cầu của con với nhu cầu của riêng bạn. Cần nhiều nỗ lực và kiên nhẫn gấp đôi để phát triển các kỹ năng cần thiết cho một đứa trẻ lúc nào cũng phân tán tư tưởng, muốn nhảy cẫng lên và không đủ thời gian nghe lời mẹ nói dù chỉ 3 từ “Mẹ yêu con!”.

Thứ nhất, cần có khoảng thời gian của riêng bạn ở nhà. Nếu con chưa đến trường, ở nhà với bạn cả ngày thì điều đó càng trở nên cần thiết, thậm chí phải tìm thời gian để bạn được một mình nhiều lần trong ngày. Còn nếu con đã đi mẫu giáo, bạn vẫn cần “thở” và thư giãn một đôi lần vào sáng và tối. Điều này không chỉ cần cho bản thân bạn mà chính bé cũng cần. Cảm giác không có mẹ ở bên bất kỳ lúc nào con muốn sẽ “dạy” con trầm tĩnh hơn, biết cách làm hài lòng mẹ hơn khi được chơi với mẹ.

Thứ hai, mọi người trong nhà phải đỡ cho bạn một số gánh nặng việc nhà hay chơi với bé. Một khi bạn có thời gian rảnh, không phải đi chợ hay làm việc nhà thì sự bình an, yên tâm ấy giúp bạn mạnh khỏe để chống đỡ với những hỗn loạn mà bé gây ra. Lúc đó, bạn còn đủ sức tận hưởng niềm vui từ sự hiếu động của con, mở ra cho con cả một chân trời mênh mông để phát triển các kỹ năng vận động của bé.

Thứ ba là phải phân phối đều năng lượng của bé vào các hoạt động có mục đích. Ví dụ, có thể cho bé tham gia 1 lớp dance sport, võ thuật, tìm một nơi an toàn cho bé đạp xe 3 bánh, ném bóng, cho bé đi bơi… Các hoạt động thể chất này vừa tăng cường sức khỏe cho bé, vừa giảm thời gian phá phách của bé.

Cuối cùng, nếu bạn đang có hành vi không thích hợp với con thì cần phải có cách giải tỏa căng thẳng và bực bội đang dồn nén. Thay vì hét lên trong tức giận hay khóc trong thất vọng, bạn hãy ngồi thiền, tập thở bụng để cân bằng. Bạn cũng có thể tìm một hoạt động thể chất dành cho bản thân như tập aerobic, múa bụng...

3 bước bà mẹ có con hiếu động nên thực hiện

- Tìm thời gian riêng mỗi ngày cho mình.

- Chia sẻ gánh nặng với người thân.

- Giải phóng những cảm xúc bị dồn nén.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm